Những ngày này, công tác chuẩn bị cho lễ hội Tháp Bà Ponagar đang được Ban tổ chức khẩn trương thực hiện. Với nhiều nét mới trong công tác tổ chức, mùa lễ hội năm nay đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, khách hành hương và du khách trong nước, quốc tế. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 28-4 đến 1-5 (tức ngày 20 đến 23-3 âm lịch) nên dự kiến số lượng người tham gia lễ hội sẽ đông hơn năm trước.
Cảnh thả hoa đăng trên sông Cái trong lễ hội Tháp Bà Ponagar. |
Nâng tầm tổ chức lễ hội
Lễ hội Tháp Bà Ponagar là một trong những lễ hội dân gian truyền thống có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Năm 2012, lễ hội Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mỗi năm đến dịp lễ hội, người dân trong và ngoài tỉnh lại náo nức đến với khu di tích quốc gia Tháp Bà Ponagar để thực hành các nghi thức, tín ngưỡng thờ Mẫu và cùng nhau nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, gia đình no ấm. Năm nay, lần đầu tiên Ban tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar do UBND tỉnh thành lập và đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban tổ chức lễ hội. Điều này đã phần nào thể hiện quy mô, tầm vóc của lễ hội đã được nâng lên một bậc, phù hợp với bối cảnh di tích quốc gia Tháp Bà Ponagar đang được làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Hoạt động hát văn, múa bóng của các đoàn hành hương trong lễ hội Tháp Bà Ponagar. |
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, lễ hội Tháp Bà Ponagar năm nay sẽ diễn ra với các nghi thức truyền thống như: Lễ thay y Mẫu; lễ cầu quốc thái dân an; lễ cúng thí thực; lễ cúng giờ tý; lễ khai diên, lễ tôn vương… Bên cạnh đó, còn có hoạt động dâng hương lễ Mẫu của các đoàn khách hành hương, người dân, du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Đặc biệt, lễ khai mạc sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút ngày 29-4 (tức ngày 21-3 âm lịch), với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, người dân, du khách thập phương. Lễ hội là dịp để tôn vinh bà Thiên Y A Na - người Mẹ xứ sở, qua đó nhằm góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, điển hình ở Khánh Hòa đến người dân, du khách trong nước và quốc tế. Chính vì thế, lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng theo nghi lễ cổ truyền; thể hiện được nét đặc trưng tiêu biểu, nổi bật của bản sắc văn hóa truyền thống về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa. Việc tổ chức đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành của Nhà nước về lễ hội, tín ngưỡng, nếp sống văn minh; đảm bảo an ninh, an toàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh cho người dân, du khách về tham dự lễ hội.
Hướng tới kỳ lễ hội ấn tượng
Hướng tới một kỳ lễ hội ấn tượng, ý nghĩa, hoạt động chuẩn bị cho lễ hội đang được gấp rút hoàn thành. Từng nội dung công việc đều được phân công, phân nhiệm đến các thành viên trong ban thường trực và các tiểu ban tổ chức lễ hội. “Theo dự kiến, lễ hội năm nay có hơn 100 đoàn khách hành hương trong tỉnh và các tỉnh, thành khác như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh… về dự lễ hội. Cùng với đó, số lượng người dân và khách du lịch đến tham gia lễ hội cũng sẽ tăng cao so với năm trước. Mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đang được triển khai thực hiện một cách chu đáo, đúng kế hoạch, đảm bảo trang trọng, trật tự, an toàn”, ông Trần Đức Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết.
Đồng bào Chăm thực hành nghi lễ trong lễ hội Tháp Bà Ponagar. |
Hiện nay, Ban tổ chức đã tiến hành lắp đặt 1.000m2 nhà tiền chế, lót tấm nền để khách có chỗ hành lễ, nghỉ ngơi, tạo điều kiện phục vụ chu đáo, sạch sẽ, an toàn. Công tác vệ sinh môi trường được tăng cường nhân sự, các khu vực vệ sinh đều cử nhân viên trực và quét dọn kịp thời. Các lực lượng an ninh được phân công trực ở những vị trí hợp lý, thực hiện tốt phương án phối hợp giữa các lực lượng tăng cường. Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận nhằm phối hợp, hỗ trợ công tác tuyên truyền về lễ hội. Trong đó, có nội dung phổ biến, tuyên truyền tới đồng bào Chăm biết rõ hơn các quy định tổ chức lễ hội, việc hỗ trợ đồng bào trong thời gian diễn ra lễ hội. Năm nay, các đoàn hành hương tiếp tục được phổ biến việc không phát lộc trong khi múa bóng dâng Mẫu để tránh tình trạng mất trật tự. Với sự chuẩn bị bài bản, chi tiết, lễ hội năm nay hứa hẹn mang đến cho người dân, khách hành hương, du khách những ngày trẩy hội ý nghĩa.
Lễ thả hoa đăng được tổ chức trở lại: Sau 4 năm không được tổ chức vì những lý do khách quan, kỳ lễ hội năm nay, Ban tổ chức sẽ thực hiện trở lại lễ thả hoa đăng trên sông Cái. Theo kế hoạch, lễ thả hoa đăng sẽ bắt đầu lúc 17 giờ ngày 28-4 (tức ngày 20-3 âm lịch), với các nghi thức như: Lễ diễu hành của các đoàn hành hương quanh khu vực cù lao Xóm Bóng; lễ tế thả đăng; lễ thả đăng… Địa điểm tổ chức lễ thả hoa đăng là đoạn sông Cái từ Khu du lịch Champa Island đến cầu Xóm Bóng. Dự kiến sẽ có 15.000 hoa đăng được người dân và các đoàn hành hương thả xuống dòng sông Cái.
Hội thảo “Phát huy tiềm năng giá trị lịch sử, văn hóa di tích Tháp Bà Ponagar với phát triển du lịch bền vững” sẽ được tổ chức vào sáng 27-4, với sự tham gia của hàng trăm đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các tổ chức văn hóa - xã hội, doanh nghiệp và các nghệ nhân… Hội thảo sẽ làm rõ hơn những giá trị lịch sử, không gian văn hóa, đặc điểm kiến trúc, giá trị nghệ thuật điêu khắc… của di tích Tháp Bà Ponagar; tính giao thoa văn hóa Việt - Chăm, tín ngưỡng thờ các vị thần tại di tích Tháp Bà Ponagar; phát huy giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar với phát triển du lịch; ứng dụng công nghệ trong việc số hóa di tích và trình chiếu nghệ thuật tại di tích Tháp Bà Ponagar… Qua đó, làm sâu sắc thêm giá trị di tích nhằm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
GIANG ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin