21:22, 19/01/2024

Phát huy di sản của ông cha

LÊ ĐỨC DƯƠNG

Trong giới văn nghệ Việt Nam có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng lừng lẫy như: Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Huy Tưởng, Chế Lan Viên, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Bính, Quang Dũng... Điều rất may mắn là hầu hết các văn tài đó đều có hậu duệ tiếp nối sự nghiệp của mình; nhiều người trong số đó tiếp tục phục dựng nhiều di sản, làm cho sự nghiệp của cha ông mình thêm rạng rỡ hơn lúc sinh thời.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ tôn vinh nhà văn Nguyễn Phan Hách ở Bắc Ninh tháng 1-2014.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ tôn vinh nhà văn Nguyễn Phan Hách 80 tuổi ở Bắc Ninh tháng 1 năm 2024

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có gia tài nghệ thuật vô cùng to lớn với các tác phẩm: Du kích ca, Hành quân xa, Áo mùa đông, Chiến thắng Điện Biên..., đặc biệt là trường ca Du kích Sông Thao và nhạc kịch Cô Sao. Có thể nói Đỗ Nhuận là thiên tài âm nhạc một thời. Ông có người con trai Đỗ Hồng Quân từng đạt bằng đỏ Nhạc viện Tchaikovsky như mình năm xưa. Sau này, Đỗ Hồng Quân làm Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam giống như cha mình cũng làm Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ đầu tiên. Điều đáng nói là Đỗ Nhuận đã đào tạo con trai từ bé để trở thành nhạc sĩ lớn. Do vậy, sau này chính Đỗ Hồng Quân đã chỉnh sửa các tác phẩm của cha, trong đó có nhạc kịch nổi tiếng Cô Sao, làm cho di sản âm nhạc của Đỗ Nhuận trở nên hoàn chỉnh về nghệ thuật.

Khác với nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Văn Cao có con trai không nối nghiệp mà theo hội họa là Văn Thao. Tuy nhiên, nhờ có người con mà di sản của Văn Cao được bảo tồn một cách rất cẩn thận, bởi không chỉ là tài năng về âm nhạc, Văn Cao còn là nhà thơ, họa sĩ có nhiều tác phẩm giá trị. Cũng tương tự vậy, danh họa Tô Ngọc Vân có con trai Tô Ngọc Thanh không trở thành họa sĩ mà là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tầm cỡ. Tô Ngọc Thanh luôn là người đại diện cho cha để làm các công việc liên quan đến hội họa đỉnh cao. Gần đây, nhạc sĩ tài hoa Phú Quang cũng để lại di sản âm nhạc đồ sộ cho con gái là nghệ sĩ piano Nguyễn Trinh Hương và con rể NSND Bùi Công Duy để bảo vệ tác quyền và tổ chức các sự kiện âm nhạc Phú Quang.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi có hậu duệ rất tài năng là nhà văn Nguyễn Đình Chính. Không chỉ viết văn hay, người con trai này còn làm cho cha nhiều việc lớn như bảo quản di sản nghệ thuật. Nguyễn Đình Chính còn lập Quỹ văn học Nguyễn Đình Thi để trao tặng cho những cá nhân, tập thể xuất sắc cống hiến cho cộng đồng về nghệ thuật.

Đêm nhạc Phú Quang chủ đề Những mảnh hồi ức chợt hiện được gia đình cố nhạc sĩ thực hiện trong năm 2023. Ảnh: internet
Đêm nhạc Phú Quang chủ đề "Những mảnh hồi ức chợt hiện" được gia đình cố nhạc sĩ thực hiện trong năm 2023. Ảnh: internet

Nhà văn Nguyễn Huy Thắng là con trai duy nhất của nhà văn “Sống mãi với Thủ đô” Nguyễn Huy Tưởng. Ông là người điển hình hết lòng tận tụy sưu tầm, chỉnh sửa, biên soạn và xuất bản cho tàng thư chưa công bố của người cha tài hoa nhưng mất sớm. Nhờ đó, hầu như các tác phẩm: Tiểu thuyết, kịch, hồi ký, ký sự... của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được đến với công chúng, làm rạng rỡ thêm sự nghiệp của người quá cố.

Chúng ta cũng có thể kể đến họa sĩ Thành Chương làm bảo tàng cho cha là nhà văn Kim Lân. Con gái nhà thơ Quang Dũng là Bùi Phương Thảo đã đưa Tây Tiến văn xuôi lên đỉnh cao, đạt giải sách quốc gia. Hai người phụ nữ gắn với nhà thơ Chế Lan Viên là nhà văn Nguyễn Thị Thường cùng con gái Phan Thị Vàng Anh đã giữ, bảo quản toàn bộ tàng thơ giá trị của chồng và cha. Ở Khánh Hòa có nhà nghiên cứu Quách Giao là con trai của thi sĩ Quách Tấn. Ông cùng chỉnh sửa, viết cùng cha một số tác phẩm nổi tiếng như: Nhà Tây Sơn, Xứ Trầm Hương. Nhờ con trai mà thi sĩ “Mùa cổ điển” luôn mãi trong lòng công chúng yêu thơ văn...

Còn rất nhiều những người con hiếu lễ biết trân quý di sản văn hóa của cha. Việc làm của họ là điều cần thiết để giữ gìn phát huy di sản của các văn tài trong làng văn nghệ Việt Nam.

LÊ ĐỨC DƯƠNG