Hơn 30 năm qua, nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức vẫn miệt mài sáng tác những kịch bản cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tấm chân tình đó đã mang đến cho công chúng những tác phẩm độc đáo, thể hiện nỗi lòng của tác giả đối với lịch sử dân tộc, cũng như hiện thực xã hội.
1. Những ngày đầu năm 2024, nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức gửi tặng tôi tập sách “Chói rạng sơn hà” vừa được Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành. Gói trọn trong hơn 350 trang sách là 6 kịch bản tuồng và dân ca kịch đã được trao giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và tại các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Trong đó, kịch bản có tuổi đời lớn nhất là “Nàng Tấm”, còn được biết đến với tên gọi khác là “Nhân - Quả”, được ông viết vào cuối những năm 90. Còn lại 5 kịch bản: "Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư", "Chói rạng sơn hà", "Phúc thần Thoại Ngọc Hầu", "Hoạn lộ", "Ngược sóng" đều được ông sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2022.
Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức. |
Viết kịch bản sân khấu từ năm 1991, với tác phẩm đầu tay “Giông tố cuộc đời”, đến nay, nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức đã có 36 kịch bản được các nhà hát, đoàn nghệ thuật tuồng, dân ca kịch trong toàn quốc dàn dựng thành vở diễn và biểu diễn phục vụ khán giả, tham gia các liên hoan, hội diễn sân khấu. Con số đó đủ nói lên sức sáng tác của ông trong hơn 3 thập niên qua. Hầu như năm nào ông cũng có kịch bản được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng. Nhiều người trong nghề và công chúng đánh giá cao những đóng góp, cống hiến của ông đối với sân khấu truyền thống nước nhà, nhất là sân khấu tuồng, dân ca kịch. Đó là những trang viết chứa đựng niềm tự hào về lịch sử dân tộc, đau đáu với nỗi đau nhân tình thế sự, tìm trong chuyện xưa để nói chuyện nay. Những kịch bản tuồng lịch sử như: "Sóng dậy Lê triều", "Nguyễn Tri Phương", "Phù vân", 'Danh phận", "Triết vương Trịnh Tùng"… thực sự làm sống dậy trong cảm xúc của người xem những sự trăn trở đối với các biến cố lịch sử. Ông đã dành nhiều bút lực để ngợi ca những bậc vua sáng, tôi hiền, như: Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo; những dũng tướng như Bùi Thị Xuân, Nguyễn Tri Phương; những vị công bộc của dân như Thoại Ngọc Hầu…
Khán giả và giới chuyên môn nhìn thấy trong kịch bản lịch sử của ông những bài học, thông điệp nhân sinh có giá trị trong cuộc sống hôm nay. Điều đó đến từ chính quan điểm viết của ông: “Tôi muốn dùng tuồng lịch sử để khơi dậy những điều tốt đẹp. Dù là những vở diễn mang cảm hứng ngợi ca hay phê phán, điều sau cùng tôi muốn gửi đến người xem là những bài học cho người hôm nay. Hãy soi bóng người xưa để có cách ứng xử đúng đắn, hợp lòng người trong cuộc sống hôm nay”.
2. Tiếp xúc, trò chuyện nhiều với nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức, chúng tôi thấy được tính cách bộc trực, thẳng thắn của ông. Để viết nên được những kịch bản sân khấu lịch sử, ông đã phải đọc một khối lượng sách, tài liệu khổng lồ, kết hợp với việc đi nhiều và vốn kiến thức sâu sắc về nghệ thuật tuồng, dân ca kịch. Ở gần độ tuổi thất thập, ông vẫn vui vẻ khoe với chúng tôi về 2 kịch bản sắp được các đoàn nghệ thuật dàn dựng trong thời gian tới.
Tình yêu với sân khấu truyền thống đã thấm vào tâm hồn ông từ cái thời mới 16 tuổi. Chàng trai trẻ quê Thanh Hóa của hơn 50 năm trước đã rời gia đình để gia nhập Đoàn Ca kịch giải phóng Trung Trung Bộ và rong ruổi lưu diễn khắp các tỉnh ở miền Bắc, đến tận chiến trường Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Ngày đất nước giải phóng, ông về công tác ở Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa, rồi trải qua nhiều vị trí khác nhau trong ngành Văn hóa của xứ Trầm Hương. Nhưng bạn hữu, giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật lại biết đến, quý mến ông bởi tài năng sáng tạo nên những kịch bản sân khấu tuồng, dân ca kịch giàu giá trị nghệ thuật và xã hội. Với ông, mỗi trang, mỗi dòng kịch bản được viết ra phải chứa đựng được những nỗi niềm giấu kín, tô đẹp thêm giá trị chân, thiện, mỹ của mỗi người và của xã hội.
Vở tuồng Trịnh Phong do tác giả Nguyễn Sỹ Chức viết kịch bản, được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng biểu diễn. |
Như cơ duyên định sẵn, hầu như những kịch bản của ông được các đoàn nghệ thuật dàn dựng và tham dự các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu đều được giải cao. Đặc biệt, năm 2019, tại Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc, ông có 5 kịch bản được các nhà hát, đoàn nghệ thuật khác nhau trong cả nước dàn dựng dự thi, trong đó có 1 kịch bản đạt huy chương vàng, 1 kịch bản đạt huy chương bạc. Năm 2017, nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm kịch bản sân khấu: "Huyền thoại Mẹ xứ sở", "Sóng dậy Lê triều", "Danh phận", "Trần Hưng Đạo".
Tài năng, tình cảm của nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức đối với sân khấu truyền thống được ông thể hiện bằng chính những tác phẩm của mình, ngày càng làm đầy thêm kho tàng kịch bản sân khấu có giá trị không chỉ ở Khánh Hòa mà còn mang tầm quốc gia. Ngoài sáng tác, hiện nay, ông còn tham gia nhiều công việc khác liên quan đến nghệ thuật sân khấu ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Và mỗi lần có dịp gặp ông, chúng tôi lại được nghe kể về những kịch bản mới đang được ông thai nghén hay vừa hoàn thành.
GIANG ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin