Có một tấm hình trên trang facebook “Nha Trang xưa và nay”, không cần đọc ghi chú, tôi cũng biết rất rõ ràng nơi đó, cách nhà cũ của gia đình tôi ở Thành (huyện Diên Khánh) khoảng 200m mà trong nhiều giấc mơ, tôi hay thấy mình về lại nơi này.
Ngã ba A Ùi. |
Người post tấm hình ấy chú thích: “Ngã ba A Ùi, đường vào chợ Thành, một địa danh nổi tiếng khắp vùng những năm 1960. Ảnh của Military Police”.
Kỷ niệm ùa về, trên cái dòng chảy quá khứ ấy, những gương mặt người muôn năm cũ lần lượt hiện ra, mà nhớ nhất là những ngày giáp Tết, chợ Thành tràn ra đến ngã ba A Ùi, chiếm trọn con đường dài khoảng 300m. Má tôi đi chợ một ngày không biết bao nhiêu lần.
Có một gương mặt khó quên là cậu Bảy - em ruột bà Tư, bạn láng giềng của má tôi, hai nhà cạnh nhau. Bà Tư người trong quê, lấy chồng ở phố. Họ hàng bên nhà tôi và nhà bà Tư thân thiết coi như người nhà. Đúng 25 tháng Chạp, cậu Bảy mặc áo bà ba đen, quần dài trắng, đầu đội mũ cối màu cháo lòng, chân đi đôi dép nhựt, tay xách cái túi đi chợ Tết. Năm nào đến 25 tháng Chạp không thấy cậu, bà Tư lại nhắc: “Sao giờ này chưa thấy cậu Bảy đi chợ Tết!”.
Cậu Bảy đi chợ về ngồi ở hiên nhà bà Tư, lũ chúng tôi xúm lại nhìn cậu bỏ từng món đồ ra khoe: "Mua mấy cái tim đèn hột vịt, đèn cù lao về thay, ít bộ quần áo giấy, nhang, trầm, mua thêm dây bánh in, thấy cây vạn thọ trồng trong lon sữa bò đẹp quá mua luôn… Quên chưa mua lít dầu lửa… Mai mốt đi tiếp, còn mấy ngày nữa mà!"...
Tết ở quê cậu Bảy vui hơn ngoài phố. Cả xóm hùn lại làm một con heo rồi chia nhau, nhà nào năm đó có van vái điều gì thì xí phần cái đầu heo. 23 tháng Chạp, cậu Bảy dựng nêu, trên ngọn cây tre cậu treo một cái giỏ, bên trong đựng trầu cau, cái bình vôi, bánh in… Cây nêu sẽ được hạ xuống vào mùng 7 Tết. Tối 30 Tết, cậu Bảy rước ông bà, trên bàn thờ phải có đủ ba thứ: Cua, tợ, hột. Tợ là món thịt luộc, hột ở đây là trứng gà hay trứng vịt. Cậu Bảy gọi là cúng tam sanh.
Mùng một, cậu Bảy diện áo dài đen, quần dài trắng, mang đôi dép thật mới ra nhà bà Tư rồi qua nhà tôi chúc Tết. Má tôi thường nói: “Chưa thấy ai hà tiện như cậu Bảy. Nhà cũng có ruộng, vườn, có lúa, có rau…, vậy mà bốn mùa, tám tiết chỉ có cái áo bà ba, quần ngả màu cháo lòng, đôi dép gần đứt quai, Tết mới diện bộ đồ mới”. Bà Tư nói: “Bộ đồ cậu mặc dễ chừng hơn mười cái Tết. Mặc đúng ba ngày cậu giặt rồi xếp cất, chờ đến sang năm”.
Mùng ba cúng đưa. Mờ sáng đã thấy mợ Bảy đi chợ đầu năm. Hồi đó, thứ đầu tiên tôi thấy mợ Bảy mua là lòng heo. Mợ giải thích: “Cúng đưa ông bà chủ yếu là tấm lòng thành của con cháu, bắt buộc phải có món lòng luộc, dụng lòng chớ không ai dụng thịt là vậy. Chợ đầu năm lòng heo là thứ mắc nhất, nhưng ai cũng phải mua”.
Trên dòng chảy kỷ niệm còn có sự hiện diện của mấy ông bạn "giò xào” của ba những ngày giáp Tết. Năm nào ba tôi cũng nhờ mấy bác ấy ra nhà gói giò xào.
Trời còn mờ tối, má tôi xách giỏ đi chợ. Lá chuối má đã hơ và lau sạch từ tối hôm trước, sắp lớp lang, gọn gàng trong cái nia. Khi má về nhà đã thấy mấy bác ngồi chờ. Thịt được mấy bác nhanh chóng xắt miếng không mỏng và cũng không quá dày. Phải là thịt đùi, có mỡ có nạc mới ngon! Người xếp lá chuối, người bắc bếp. Phải thao tác nhanh mới có được cây giò ngon. Bỏ thịt vào chảo đang nóng, đảo đều cho thịt săn, nêm xíu muối rồi đảo cho thịt thật chín xong trút ra rổ có lót miếng lá chuối. Một bác nhanh tay lấy đũa gắp từng miếng thịt vào xấp lá chuối đã chuẩn bị sẵn. Cái khéo léo của người thợ là phải sắp làm sao để khi cắt khoanh giò ra, phần thịt thành vòng tròn màu đỏ sẫm, kế đến là phần mỡ màu trắng và cuối cùng là da. Cây giò gói xong được chuyển sang cho người đang ngồi chờ bó nẹp. Hai cái nẹp gỗ bó ép thật chặt vào cây giò xào, vừa nẹp vừa lăn. Cuối cùng, cây giò được bỏ dựng đứng trong thau cho mỡ từ từ chảy ra. Ngày hôm sau, lượng mỡ trong giò sẽ ra hết, miếng giò sẽ giòn, ăn không bao giờ ngán!
Một tấm hình khiến ký ức tôi lan man không dừng lại được về những ngày Tết xưa yêu dấu!...
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin