Công nghiệp văn hóa đang là một mục tiêu lớn của cả nước và của tỉnh. Nhưng để biến các giá trị tinh thần thành tiền không phải chuyện dễ. Để đạt mục tiêu xây dựng nền công nghiệp văn hóa vào năm 2030 cần thay đổi nhận thức và tư duy để hành động đạt kết quả cụ thể.
Thực trạng chưa tương xứng tiềm năng
Ở nước ta, các ngành công nghiệp văn hóa được xác định gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Khánh Hòa có nhiều điều kiện để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực: Nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa; điện ảnh… theo hướng công nghiệp văn hóa. Năm 2023, trong một báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao về kết quả triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cũng đã nêu ra thực trạng các sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực của địa phương. Trong đó, du lịch văn hóa là ngành mũi nhọn để phục vụ phát triển kinh tế của địa phương. Tỉnh cũng đã khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát triển đầu tư các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng; liên kết vùng, địa phương xây dựng, khai thác tour, tuyến du lịch, phát triển các loại hình du lịch; chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa, lễ hội Cầu ngư.
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà biểu diễn trong chương trình Đôi cánh diệu kỳ diễn ra ở TP. Nha Trang. |
Về nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện nhiệm vụ biểu diễn phục vụ khán giả thông qua các chương trình nhân các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước và của tỉnh; chưa diễn ra hoạt động biểu diễn có bán vé. Gần đây, do yêu cầu tăng cường nguồn thu từ dịch vụ biểu diễn nên Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã tích cực hơn trong việc thực hiện hợp đồng biểu diễn với các cơ quan, doanh nhiệp. Sự tham gia của các đơn vị ngoài nhà nước trong lĩnh vực này chưa tạo được hiệu ứng xã hội rộng lớn. Với mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng chỉ mới hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, chứ chưa tạo được nguồn thu lớn, ổn định từ lĩnh vực này. Lĩnh vực điện ảnh, hiện nay toàn tỉnh có 5 rạp chiếu phim tư nhân thường xuyên mở cửa bán vé các suất chiếu; còn hoạt động chiếu phim của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh chỉ phục vụ miễn phí người dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo. 2 năm qua, sự kiện lễ trao giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng diễn ra ở TP. Nha Trang đã mang đến những kỳ vọng về việc phát triển hoạt động điện ảnh. Nhưng đó là câu chuyện tương lai, còn hiện tại chúng ta vẫn chưa có phim trường, vẫn chưa trở thành một điểm đến thường xuyên của các đoàn làm phim, hoạt động điện ảnh vẫn chưa mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.
Cần thay đổi tư duy
Trên bình diện cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng, công nghiệp văn hóa vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Vậy nên, muốn thực hiện công nghiệp văn hóa, trước hết cần phải có sự thay đổi nhận thức và tư duy để có hành động đạt kết quả cụ thể. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Để văn hóa Khánh Hòa phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa cần có sự đổi mới tư duy về văn hóa. Văn hóa không phải chỉ là ngành tiêu tiền mà là sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm; làm cho những người khác, những ngành nghề khác làm ra tiền từ văn hóa, đặc biệt là du lịch. Nhưng đầu tư cho văn hóa chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Nếu đầu tư đúng hướng, phát huy được tính hiệu quả thì vốn đầu tư cho văn hóa sẽ không bao giờ bị mất đi. Vậy nên, chúng ta phải nghĩ cách và có chính sách để khuyến khích các công ty văn hóa vào cuộc với những cơ chế đặc thù... ”.
Từ thực tế hoạt động tại địa phương, họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh từng chia sẻ: “Hoạt động sáng tác của đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh của tỉnh thời gian qua rất sung sức và được giới chuyên môn cả nước đánh giá cao, nhưng các triển lãm cá nhân hay triển lãm của tập thể hội thực hiện suốt bao năm nay vẫn ở trong những không gian nhỏ hẹp nên khả năng quảng bá, giới thiệu chưa như mong đợi. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho ngày càng có ít cuộc triển lãm tầm khu vực và quốc gia chọn Khánh Hòa làm nơi tổ chức”. Được biết, năm 2024, triển lãm mỹ thuật các tỉnh khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên sẽ diễn ra ở Khánh Hòa sau 20 năm. Nhưng địa điểm tổ chức các tác phẩm hội họa, điêu khắc nhiều khả năng sẽ diễn ra ở ngoài trời trong một khu nhà tiền chế.
Hiện nay, các thiết chế văn hóa cấp tỉnh như: Bảo tàng, nhà triển lãm, trung tâm biểu diễn nghệ thuật của tỉnh chưa xứng tầm hoặc chưa được hình thành đã tạo nên những hạn chế rất lớn trong việc phát huy giá trị văn hóa tiến tới xây dựng công nghiệp văn hóa. Hệ thống các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và những di sản văn hóa phi vật thể chưa được khai thác đúng mức vào ngành kinh tế du lịch cũng là vấn đề cần được tháo gỡ.
Tại hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH giao UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và người thực hành sáng tạo; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương, gắn với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm.
GIANG ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin