21:59, 15/12/2023

Phía Tây có đàn hươu cao cổ - Câu chuyện của con người với thiên nhiên

THỦY NGÂN

Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra đời cuốn sách Phía tây có đàn hươu cao cổ (West with Giraffes) của nữ nhà văn Mỹ Lynda Rutledge. Cuốn tiểu thuyết mà trong mục Điểm sách của tờ Washington Post đã viết: “Quấn một chiếc chăn, rót một tách trà và tận hưởng chuyến đi hoang dã này”.

Câu chuyện xoay quanh Woody Nickel, ông cụ đã 105 tuổi vốn đang chờ ngày về với Chúa, khi nghe tin loài hươu cao cổ sắp sửa tuyệt chủng bỗng nhiên “tỉnh dậy” và nhớ lại cuộc hành trình những năm 1930 của mình. Ở thời gian đó, Woody mới 17 tuổi và số phận ngẫu nhiên cho ông chở hai chú hươu cao cổ vừa thoát chết sau cơn bão biển từ New York đến San Diego mà không hề biết chuyến đi này sẽ làm thay đổi đời mình mãi mãi. Phía Tây có đàn hươu cao cổ là một câu chuyện của con người với thiên nhiên hoang dã, là câu chuyện của con người với con người, là câu chuyện của con người với lịch sử.

<br>
 

Phía Tây có đàn hươu cao cổ là một hành trình thật dài không chỉ qua lịch sử Mỹ những năm 1930, mà còn là chuyến hành hương tìm kiếm hạnh phúc, từ những nhỏ nhặt xung quanh cùng với tự do được làm những gì mình thích. Mang theo đặc trưng của những tiểu thuyết phiêu lưu, tác phẩm này có những cuộc gặp gỡ kỳ lạ, những tình huống kỳ lạ để tạo nên cuộc phiêu lưu không thể nào quên. Tác giả đã sắp xếp cho các nhân vật có phần bất hạnh tự tìm lại mình qua các chuyến đi cũng như những người bên cạnh. Đó là Woody Nickel - nhân vật chính, một cậu chàng 17 tuổi quen thói trộm cướp, bụi đời vì quá đói. Đó là Ông Già, nhân viên của sở thú có tính cách lạnh lẽo xù xì nhưng đầy tình người. Đó là Tóc Đỏ, người phụ nữ dám trốn chồng để tìm lại chính mình, sẵn sàng hy sinh tính mạng và cả ước mơ gửi ảnh cho tạp chí Life chỉ để bảo vệ cặp hươu cao cổ…

Vì sao những cá tính đó, những con người đó, những bối cảnh đó… lại có thể cùng xuất hiện bên nhau trong cuộc hành trình tưởng như không thể xảy ra? Lynda Rutledge lý giải là bởi tồn tại một sự hòa hợp, một niềm cảm thức từ trong bản ngã và những thứ gen nguyên thủy con người từng có, khi cùng chung sống và cùng sẻ chia với những loài thú này. Anatole France - người đoạt giải Nobel năm 1921 đã viết: “Cho tới khi một người biết yêu thương động vật thì một phần tâm hồn anh ta vẫn chưa được đánh thức”.

Phía Tây có đàn hươu cao cổ muốn truyền đi thông điệp: “Chúng ta cần phải lo lắng về những điều vô cùng vĩ đại ở thế kỷ mới này, sự tuyệt chủng của những động vật dấu yêu chính là một trong những điều khiến ta đau lòng nhất. Nhưng vẫn còn tin tốt lành, khắp thế giới, các tổ chức bảo tồn, các trung tâm nghiên cứu, khu bảo tồn thiên nhiên… ngày nay đang đấu tranh triệt để cho các loài bị đe dọa. Trong những thập kỷ kế tiếp, nếu ai đó tìm thấy cuốn tiểu thuyết này trên kệ hay trên chồng sách trong thư viện, xin Chúa hãy rủ lòng thương đừng để thế giới này không còn voi, cọp, gấu trúc, bướm và hươu cao cổ…”.

THỦY NGÂN