Có lẽ không gì cô đơn hơn nhà văn bên trang giấy, cây bút và ngày nay là màn hình máy tính. Xưa nhà văn Nguyễn Tuân từng ví trang giấy trước mặt mình khi chưa có dòng chữ là “pháp trường trắng”, ở đó nhà văn vật vã, trăn trở và có khi bế tắc tới tuyệt vọng để có thể viết ra những con chữ... Và càng buồn hơn khi tác phẩm của mình hiện sinh với đời thành quyển sách mà bạn đọc không biết, không đọc. Ngày xưa chưa có mạng xã hội, người viết có cuốn sách nếu không nổi tiếng, không được nhà phê bình giới thiệu thì âm thầm nằm ở kệ sách, hay bị quên lãng trong kho... Thời nay thì khác, mật độ các cây bút sáng tác rất nhiều bởi cùng với tự do viết thì cũng tự do in sách bằng tiền túi của mình. Điều đó cũng có nghĩa số lượng sách tự in rất lớn. Vậy làm sao tác phẩm đến được với công chúng, ít nhất là với bạn bè thân thiết của mình? Làm sao để quảng bá, lan tỏa hạnh phúc, niềm vui của mình đến với mọi người qua trang sách?
Buổi ra mắt tập thơ Sóng của nhà thơ Như Hoài. |
Phổ biến nhất hiện nay là giới thiệu sách mình mới xuất bản qua mạng xã hội: Facebook, Zalo, Youtube... hoặc trang web cộng đồng văn chương. Chính sự quảng bá này lan tỏa đến bạn bè được sâu rộng. Nhiều cây bút còn bán được sách, nhận sự ủng hộ tài chính như một tình cảm của bạn đồng cảm với mình. Theo chúng tôi được biết, hầu hết các nhà văn, nhà thơ đều đã thay đổi nhận thức, không mong chờ vào sự tài trợ của hội văn học nghệ thuật, của dự án hay nhà xuất bản bởi dù có chút tài chính nhưng việc lan tỏa mới là đích chính. Đã qua rồi cái thời bạn đọc mong chờ tác phẩm của nhà văn. Hiện tại, trên thị trường, số nhà văn có được diễm phúc đó đếm chưa hết đầu ngón tay: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Thiều, Phan Thị Vàng Anh, Dương Thụy... tất cả đều phải quảng bá thì mới bán hết một phần tác phẩm. Có những nhà văn sống theo dự án của nhà xuất bản lớn, sách in ra đi theo hệ thống phát hành thư viện rất âm thầm, vì thế họ cũng... trầm mặc theo. Đây chính là nỗi buồn của nhà văn giữa thời cuộc sôi động, khác hẳn với những nhà văn viết bán trên mạng. Chúng ta có thể thấy những nhà văn, nhà thơ như: Nguyễn Trương Quý, Tống Phước Bảo, Lâm Phương Lam, Phong Việt, Trang Hạ, Dương Thụy, Võ Thu Hương... tự chủ bán được rất nhiều sách. Chính nhờ có sự tương tác trực tiếp nên người viết hiểu về nhu cầu, sở thích của bạn đọc để bám sát xu hướng trong sáng tác của mình.
Tuy vậy, có lẽ điều các tác giả vẫn muốn sản phẩm của mình được bạn bè, công chúng góp vui trong không gian văn hóa ấm áp và tình cảm đó là lễ giới thiệu sách. Việc làm này với các nhà văn thế hệ trước rất ít khi được tổ chức, kể cả những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng; có chăng trước đây chỉ là hội thảo mang tính học thuật. Còn thời nay, việc tác giả viết sách, in sách và ra sách là một chu trình. Chúng ta thường thấy điều này rất phổ biến ở TP. Hồ Chí Minh. Ở mức độ quan trọng dành cho các tác giả lớn thì Hội Nhà văn thành phố hay tổ chức; nhưng phần lớn các tác giả đều tổ chức trong không gian Đường sách Nguyễn Văn Bình. Ở Hà Nội, hiện nay các lễ ra mắt sách đều ít tổ chức ở trụ sở mà chuyển dần sang các quán cà phê có không gian đặc biệt. Mới đây, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến tổ chức lễ ra mắt 2 cuốn sách: Hà Nội còn một chút ngon và Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn. Không gian tổ chức ở vườn hoa Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm thật đặc sắc, được công chúng đón nhận. Ở các địa phương, nhiều tổ chức hội cũng làm lễ ra mắt sách rất công phu như: Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Định... Cùng với đó, các tác giả cũng tổ chức riêng theo đúng chất tình bạn, tình văn. Dịp cuối năm nay, nhiều cây bút có sách in cũng tổ chức như một cuộc gặp gỡ văn nghệ, mang lại cho đời sống văn hóa nơi đó một hương vị ấm áp, phấn khởi. Ở Khánh Hòa cũng thi thoảng có những cuộc hội ngộ ấm tình như thế. Có lẽ đó chính là ngọn lửa làm ấm những trang sách.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin