Theo lời bộc bạch của tác giả - nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận, cuốn sách “Sài Gòn đẹp xưa” ra đời ở khoảng “giải lao” giữa hai cuốn đã viết và sắp viết.
Ông nói: “Tôi luôn có cảm giác kỳ lạ, là rất muốn phóng xe ra đường phố để ngắm nhìn thành phố này khi đọc những bài viết hay về Sài Gòn. Và một số bài tôi viết về nơi chốn nào đó ở Sài Gòn cũng tạo cảm giác tương tự với một số độc giả, như vài người thừa nhận. Vì sao? Phải chăng Sài Còn là một thành phố sinh động và quá đa dạng, khiến ta cứ ngỡ hiểu được nhiều, nhưng thật sự cũng không hiểu được mấy; chỉ nhìn được vẻ đẹp hay sự quyến rũ của nó như nhìn trong ống kính vạn hoa, khi người khác cầm lên xem như được thấy những khối hoa khác rất đẹp mà mắt ta không nhìn ra. Hoặc Sài Gòn như một cô gái quyến rũ và thay đổi vẻ ngoài liên tục, ai cũng ngỡ là của mình nhưng không ai chinh phục và chiếm hữu được vẻ đẹp đó, nên cứ khát khao và mong hiểu được nàng, thậm chí muốn tìm cho ra vài tật xấu của nàng để rồi tiếp tục lên đường, tìm kiếm và lý giải câu hỏi về sự cuốn hút mạnh mẽ từ thành phố phương Nam này”.
Nhà báo Phạm Công Luận là một cây bút rất sung sức với những tác phẩm mang đến nguồn cảm hứng bất tận với cuộc sống. Ông là tác giả của những đầu sách vạn bản luôn thuộc hàng bán chạy như “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” (viết chung với người vợ là Đặng Nguyễn Đông Vy, cả hai lấy bút danh chung là Phạm Lữ Ân), “Với ngày như lá tháng như mây”, “Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ”, “Hồn đô thị, Sài Gòn - ngoảnh lại trăm năm”, “Những lối về ấu thơ”... Và “Sài Gòn đẹp xưa” là cuốn sách mới nhất của ông.
Ở cuốn “Sài Gòn đẹp xưa” này, Phạm Công Luận tiếp tục phục dựng lại những sinh hoạt đời sống của Sài Gòn bằng những câu chuyện nhỏ, để khi ghép vào, bạn đọc sẽ thấy bức tranh toàn cảnh về Sài Gòn một thuở.
Cuốn sách như món quà không chỉ riêng cho người từng gắn bó với mảnh đất phương Nam này, mà còn là tư liệu giá trị cho những ai muốn quay ngược thời gian. Độc giả sẽ bắt gặp đâu đó những hình ảnh quý giá của Sài Gòn xưa, như giai đoạn đọc sách báo được coi trọng ở xứ này trong “Một thời khát đọc - đói sách”, hay bất chợt thổn thức với “Còn tiếng vạc sành trong đám cỏ”... Hoặc như cái cách mà tác giả “nhớ” về một con đường trong vô vàn con đường đáng nhớ của Sài Gòn: “Đối với tôi, đường Pasteur là con đường rất đẹp, với lề đường rộng và cây xanh chen lẫn các ngôi biệt thự xây từ thời thuộc địa vẫn tồn tại. Đây là con đường sang trọng và tao nhã, với cây cao bóng cả thả nắng vàng xuống mặt đường mỗi ngày... Con đường không quá dài, nhưng mỗi đoạn đường mang đến một cảm giác khác. Nhớ hồi nhỏ, ra Lê Lợi mua sách cùng với ông anh, thế nào cũng được ghé góc Lê Lợi - Pasteur ăn gỏi khô bò và uống nước mía. Xuôi xuống, qua khúc công viên trước Dinh Độc Lập thì thấy biệt thự và cây xanh nối tiếp” ("Đường Pasteur - nhớ người không quen").
Cuốn sách “Sài Gòn đẹp xưa” do Nhà xuất bản Lao Động và Phanbook liên kết xuất bản.
Theo hanoimoi.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin