Nhiều nhà văn nhìn nhận rằng, không khí văn chương hiện nay rất trầm lắng mặc dù nhiều tổ chức hội, báo chí, nhà xuất bản tổ chức rất nhiều cuộc thi với giải thưởng vô cùng lớn so với trước đây. Thực tế đúng như thế, các cuộc thi dù đã công bố hay đang đi đến phần kết nhưng thật hiếm có một tác phẩm nào gây chú ý bạn đọc và dư luận.
Bạn đọc chọn sách tại Nhà sách Phương Nam Nha Trang. Ảnh: G.C |
Trong khi đó, trong hơn 30 năm qua, đặc biệt thời kỳ đổi mới, nền văn chương của Việt Nam đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng gây hiệu ứng đến công chúng và xã hội. Có thể kể các cuốn tiểu thuyết lớn: Thời xa vắng (Lê Lựu), Mùa lá rụng, Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai)…, đặc biệt là bộ tiểu thuyết của nhà văn lão thành Nguyễn Xuân Khánh: Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa, Mẫu Thượng ngàn hay những cuốn hồi ký của Tô Hoài như: Ba người khác, Cát bụi chân ai, Chiều chiều... thực sự đem lại cho công chúng niềm hứng khởi được cảm thụ văn học. Bên cạnh tiểu thuyết thì truyện ngắn cũng phát triển rực rỡ với sự xuất hiện các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, sau này có Nguyễn Ngọc Tư. Những nhà văn sáng tác các tác phẩm được bạn đọc đón nhận với sự kỳ vọng về vẻ đẹp, cảm xúc của văn chương.
Dù trầm lắng nhưng không phải không có những tác phẩm lớn có chất lượng (do các nhà phê bình đánh giá) hiện nay, có thể kể các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, Trần Thùy Mai, Đỗ Bích Thúy, đặc biệt là Nguyễn Nhật Ánh. Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thực tế vẫn có sự tranh cãi về giá trị bởi trước ông có nhà văn Từ Kế Tường đã xuất bản rất nhiều đầu sách với triệu ấn phẩm nhưng về tầm vóc văn chương thì chỉ dừng ở mức dành cho tuổi mới lớn. Tuy vậy, được như Nguyễn Nhật Ánh cũng là có một không hai trong văn đàn vốn bình lặng này.
So với văn thì thơ đúng là thực sự ảm đạm, ngay cả bài thơ đạt giải nhất của Báo Văn Nghệ (bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm) cũng thành sự kiện tranh cãi mà phần lớn không đánh giá về giá trị nghệ thuật. Đây là điều đáng bàn bởi trước đó, những ai đạt giải thưởng thơ Báo Văn Nghệ đều thực sự là kỳ tài thơ ca, như: Phạm Tiến Duật, Bế Kiến Quốc, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hữu Thỉnh… Thực tế các cuộc thi thơ khác ở báo, tạp chí hay tổ chức hội đều không để lại ấn tượng hay dư âm gì, trong khi lượng thơ in trên báo, tạp chí mỗi tuần rất nhiều. Có hàng nghìn tập thơ in và tự in nhưng công chúng không nhớ một bài thơ nào! Chúng ta thử xem các chỉ số xem, đọc của bạn đọc ở các trang báo, tạp chí điện tử sẽ thấy vô cùng buồn: Hầu hết không có người xem, nếu có chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các trang báo văn chương lượng truy cập rất ít. Hay những trang Youtube về sách văn chương cá nhân hay trang Podcast văn chương cũng không thu hút bạn đọc. Các chương trình văn nghệ trên truyền hình, phát thanh cũng thiếu hấp dẫn để thu hút khán thính giả.
Công chúng và giới cầm bút cũng thấy chạnh lòng vì hầu như suốt thời gian qua, vẫn có những lễ trao giải thưởng, hội thảo, hội nghị nhưng một diễn đàn về văn chương từ thơ đến văn hay phê bình đều khiêm tốn, mà có làm cũng không có tiếng vang như một hoạt động đậm chất văn chương trước đó. Ngay cả trên diễn đàn báo chí cũng không có tác phẩm gây dư luận lớn để lôi kéo công chúng chú ý.
Nhà văn Lê Hoài Nam bày tỏ về sự đi xuống của văn chương, theo ông trước đây sách in vạn bản là chuyện thường, nay in nghìn bản cho mãi không hết. Các tác phẩm được tài trợ đem tặng thư viện, vùng sâu vùng xa thì chỉ nằm im trên kệ chứ không có ai đọc. Nếu như trước đây, tác phẩm được nhà phê bình “gợi sóng” sẽ tạo sức hút ngay, nay có “khuấy đảo” cũng chẳng ai để ý!
Không khí trầm mặc này quả thực tạo ra một tâm lý vừa băn khoăn vừa thiếu niềm lạc quan hứng khởi cho người sáng tác, không tạo động lực cho ý tưởng sáng tạo mới. Còn công chúng sẽ bị trượt dần niềm cảm xúc thưởng thức văn chương đích thực.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin