Mới đây, UBND huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện phục dựng lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào Raglai. Những nghi thức truyền thống, loại hình nghệ thuật dân gian được các nghệ nhân và người dân trình diễn đã đem đến niềm vui cho những ai quan tâm tới công tác giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nét đẹp văn hóa Raglai
Trong đời sống của đồng bào Raglai, lễ ăn mừng đầu lúa mới là một nét văn hóa độc đáo. Việc giữ gìn lễ ăn mừng đầu lúa mới cũng là cách để giữ gìn các làn điệu dân ca, âm nhạc truyền thống của đồng bào. Theo nghệ nhân Cao Văn Nghiệp (thôn Bến Khế, xã Khánh Bình), người Raglai tin vào thế giới tự nhiên có nhiều vị thần nên trong các nghi lễ liên quan tới đời người, tới cây lúa mẹ thì Giàng (trời) chính là hồn lúa mẹ có sức mạnh tác động đến sản xuất và cuộc sống của người dân. Lễ ăn mừng đầu lúa mới được người Raglai xem là ngày Tết truyền thống của dân tộc mình. Trong những ngày này, người Raglai thực hiện nghi thức đón rước Giàng, đón hồn lúa từ rẫy về ăn Tết cùng gia đình và cầu mong hồn lúa phù hộ gia đình một năm dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp để họ bày tỏ lòng biết ơn bà con trong cộng đồng Pa lây (buôn làng) đã giúp đỡ gia đình mình trong sản xuất, thu hoạch mùa màng.
Các nghệ nhân và người dân chuẩn bị cho nghi thức cúng trong lễ ăn mừng đầu lúa mới. |
Lễ cúng diễn ra dưới cây nêu được trang trí đẹp mắt, bởi đồng bào Raglai tin cây nêu chính là ngôi nhà của thần lúa. Mâm cúng mừng lúa mới gồm có cơm được nấu từ lúa mới tuốt trên rẫy về, gà, heo, gạo, thóc, bắp, canh bồi, trầu cau và rượu cần. Buổi lễ bắt đầu với việc thầy cúng khấn cầu thổ địa, gọi hồn lúa, tổ tiên về nhà dự lễ; cúng rước hồn lúa…
Sau phần nghi lễ là phần hội đầy sôi nổi, đậm màu sắc văn hóa truyền thống. Đồng bào Raglai lại có dịp trình diễn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình với những tiết mục hát dân ca xuri, ma diêng; hòa tấu mã la, kèn bầu; múa hát; thưởng thức rượu cần; thi tài đẩy gậy, đi cà kheo… Mọi người cùng hòa mình vào không khí vui tươi, mừng cho gia đình làm ăn khấm khá, hạnh phúc. “Đây là lần đầu em được tham gia một buổi lễ ăn mừng đầu lúa mới của dân tộc mình, với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao độc đáo. Buổi lễ đã giúp em, cũng như các bạn trẻ hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của ông bà truyền lại”, em Cao Thị Khánh Linh (học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh) cho biết.
Sau lễ cúng, mọi người cùng nhau hòa tấu mã la, hát múa. |
Sản phẩm du lịch tiềm năng
Việc phục dựng lễ ăn mừng đầu lúa mới của dân tộc Raglai là một trong những nội dung nhằm thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban nhìn nhận: “Lễ ăn mừng đầu lúa mới là một tập tục, sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Việc huyện Khánh Vĩnh tổ chức phục dựng lễ hội là điều rất cần thiết và có ý nghĩa to lớn, bởi qua đây không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, mà còn giúp người dân và du khách được biết về sinh hoạt văn hóa độc đáo này”.
Lễ ăn mừng đầu lúa mới là một sinh hoạt văn hóa gắn kết người dân trong mỗi buôn làng. |
Theo bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, trước đây, lễ ăn mừng đầu lúa mới là một nghi lễ lớn của mỗi gia đình người Raglai. Trong những năm gần đây, việc người dân tổ chức lễ này ngày càng thưa thớt, các nghi thức trong buổi lễ cũng dần mai một. Vì vậy, huyện tiến hành phục dựng lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào Raglai nhằm góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Raglai, đồng thời hướng tới xây dựng đây trở thành một sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu về bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Những làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ mã la, đàn chapi, sáo ta cung, đàn đá… được giữ gìn, phát huy. Ngành Văn hóa địa phương cũng thực hiện công tác sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa, văn nghệ dân gian của người Raglai; khơi dậy, khôi phục không gian văn hóa, các tín ngưỡng của cộng đồng thông qua những lễ hội. Huyện cũng mở nhiều lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ cổ truyền để lớp trẻ hiểu và yêu hơn văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, huyện cũng có chủ trương thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái núi rừng; mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến để thực hiện các dự án du lịch. Chính vì thế, việc giữ gìn lễ ăn mừng đầu lúa mới nguyên vẹn được xem là tiềm năng để xây dựng thành một sản phẩm du lịch văn hóa trong tương lai.
GIANG ĐÌNH - VĨNH THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin