Sự phát triển của nghệ thuật bài chòi từ những câu hô hát tên quân bài, đến kể chuyện, bài chòi đất và sân khấu bài chòi đã làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật truyền thống dân tộc. Cùng với tuồng, chèo, cải lương…, ca kịch bài chòi thể hiện những nét đặc sắc, đặc trưng của sân khấu truyền thống. Trong ký ức của nhiều người, sân khấu kịch hát bài chòi ở Khánh Hòa từng một thời vang danh khắp nơi.
Một cảnh trong vở ca kịch bài chòi Hòn vọng phu do các diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn. |
1. Tết Nguyên đán năm 1934, tại khu vực Gò Bồi (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), nghệ thuật hô diễn bài chòi chính thức ra mắt khán giả trên sân khấu với đầy đủ các yếu tố của một loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc. Nhưng phải 23 năm sau, sân khấu kịch hát bài chòi mới có điều kiện phát triển đúng hướng với sự ra đời của Đoàn Ca kịch Liên khu V ở Thủ đô Hà Nội. Một loạt vở diễn gắn với đoàn thời bấy giờ như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lòng son sắt, Tiếng sấm Tây Nguyên, Đội kịch chim chèo bẻo, Quang Trung đại phá quân Thanh, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Tấm vóc đại hồng, Thái hậu Dương Vân Nga… được dàn dựng từ năm 1957 - 1974, đến nay vẫn còn được nhiều người nhớ đến. “Trong giai đoạn này, kịch hát bài chòi đã trải qua nhiều bước thử nghiệm để dần hoàn chỉnh. Bên cạnh những làn điệu bài chòi xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò Quảng, sân khấu bài chòi còn có những điệu dân ca Nam Trung Bộ; những bài sáng tác được lấy chất liệu từ dân ca Nam Trung Bộ vào vở diễn. Vậy nên, sân khấu kịch hát bài chòi đưa tới khán giả đầy đủ yếu tố của một loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc”, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức cho biết.
Sau ngày 30-4-1975, một số địa phương ở khu vực Nam Trung Bộ đã có những đoàn nghệ thuật bài chòi riêng. Cụ thể, tỉnh Bình Thuận có Đoàn Ca kịch Liên khu V, từ Thủ đô Hà Nội tập kết trở về; tỉnh Khánh Hòa có Đoàn Ca kịch Giải Phóng khu Trung - Trung Bộ, từ căn cứ kháng chiến ở các vùng miền núi xuống; Đoàn Văn công giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng hoạt động ở 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng; tỉnh Bình Định có Đoàn Văn công giải phóng Bình Định… Các đơn vị nghệ thuật sau đó đã thay đổi tên gọi cho phù hợp với tình hình mới, nhưng mỗi đơn vị đều không ngừng nỗ lực đưa tới cho khán giả hàng loạt vở diễn có chất lượng nghệ thuật tốt, đạt nhiều giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Trong đó, Đoàn Ca kịch bài chòi Khánh Hòa nổi tiếng với các vở: Hai dòng sữa mẹ, Mối tình qua Tết Lirboong, Hòn vọng phu, Vua hóa hổ, Đồng tiền nhân cách, Bắc Bình Vương xử án, Mong manh tình đời, Nỗi đau lòng mẹ, Thái Xuyên Trần Quý Cáp… Đây thực sự là giai đoạn phát triển đầy gian lao, thử thách nhưng vô cùng phong phú của sân khấu kịch hát bài chòi khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tại Khánh Hòa nói riêng. Kịch hát bài chòi đã thể hiện sức sống mãnh liệt của nghệ thuật bài chòi trong tâm hồn, tình cảm của người dân Khánh Hòa và các tỉnh, thành miền Trung.
Một cảnh trong vở ca kịch bài chòi Hòn vọng phu do các diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn. |
2. Trong một lần gặp gỡ PGS.TS Lê Văn Toàn - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia tại TP. Nha Trang, ông cho biết: “Vấn đề nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển, phong cách nghệ thuật bài chòi, trong đó có bài chòi ở tỉnh Khánh Hòa luôn là nội dung cần được khám phá, tìm hiểu để đưa ra những phát hiện mới. Đó cũng là cách để mỗi chúng ta cùng chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung, với mục đích đưa bài chòi ngày càng được lan tỏa, xứng với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại do UNESCO phong tặng”. Lần tìm trong những tài liệu về sân khấu ca kịch bài chòi, chúng tôi biết được loại hình bài chòi đất (có người gọi là bài chòi kể chuyện) có thể xem là tiền thân của sân khấu kịch hát bài chòi. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định, bài chòi đất là hình thức sử dụng các làn điệu bài chòi để kể một câu chuyện trong dân gian để phục vụ người dự hội chơi bài chòi xuân. Loại hình này ban đầu chỉ với mục đích tăng sức hấp dẫn cho hội chơi, đồng thời duy trì hội chơi được diễn ra liên tục, không ngắt quãng giữa các ván bài. Những câu chuyện thường được kể như: Lâm Sanh - Xuân Nương, Lang Châu - Lý Ân, Châu Đạt - Ngọc Hà…, hoặc một số trích đoạn hay trong các tuồng hát bội: Tiết Nhơn Quý xuất thế, Quan Công phục Huê Dung, Địch Thanh…
Theo thời gian, để bài chòi đất có thể cạnh tranh được với các loại hình sân khấu truyền thống khác, những ông bầu của các gánh bài chòi đã tiến hành cách tân đưa bài chòi diễn dưới đất lên diễn trên sân khấu. Từ đó, số lượng các gánh hát chòi cũng nở rộ khắp các tỉnh. Riêng tại Khánh Hòa, hiện nhiều người vẫn nhắc tên những gánh hát một thời nổi danh như gánh vợ chồng ông Mười Côn và bà Phùng Thị Lạc (ở thị xã Ninh Hòa); gánh Bầu Rí (ở huyện Vạn Ninh); gánh Kiều Hương - Huỳnh Thông (ở TP. Nha Trang)… Các vở diễn được khán giả yêu cầu gánh hát biểu diễn thời bấy giờ thường có nguồn gốc từ tích truyện dân gian hoặc truyện nôm, như: Bạch Châu Long ly thê, Phạm Công - Cúc Hoa, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Tải - Ngọc Hoa… “Trước năm 1975, gánh hát bài chòi của gia đình chúng tôi luôn kín lịch diễn ở các địa phương. Mỗi làng xã muốn mời gánh hát về diễn phải liên hệ đặt cọc trước cả tháng. Những đêm diễn của chúng tôi luôn đông kín khán giả theo dõi. Sau này, việc biểu diễn của gánh hát bài chòi chỉ còn diễn ra vào mỗi dịp lễ, Tết quan trọng trong năm”, Nghệ nhân Nhân dân Trần Rí (huyện Vạn Ninh) cho biết.
Trải qua bao biến chuyển, thăng trầm, sân khấu kịch hát bài chòi ở xứ Trầm Hương vẫn sống cùng bao thế hệ khán giả. Dẫu hôm nay, sức hút, sự quan tâm của công chúng, nhất là khán giả trẻ đến loại hình nghệ thuật dân tộc này đã không còn như xưa, nhưng chúng ta vẫn luôn tự hào với di sản của ông cha truyền lại.
GIANG ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin