22:00, 28/07/2023

Người tâm huyết với văn hóa, lịch sử quê hương

XUÂN THÀNH - CÔNG ĐỊNH

Gần 30 năm qua, người đàn ông với dáng vẻ rắn rỏi cứ miệt mài đi điền dã để thu thập những tư liệu lịch sử, văn hóa ở Ninh Hòa. Kho dữ liệu dày dặn ấy đã góp phần giúp cho thế hệ trẻ có được cái nhìn đầy đủ hơn về mảnh đất, con người và lịch sử hào hùng của vùng đất này. Ông là Nguyễn Văn Lương, cán bộ phụ trách Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa.

Thầm lặng một tình yêu

Một ngày giữa tháng 7-2023, chúng tôi đến Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa. Nở nụ cười thân thiện, ông Lương hồ hởi khoe vừa sưu tầm thêm một số hiện vật quý. Đó là chiếc ba lô còn nguyên vẹn, bên trong có một chiếc chăn mỏng và một bình tông đựng nước được cất giữ từ thời kháng chiến chống Mỹ. “Đây là kỷ vật của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Hạnh (xã Ninh Quang, Ninh Hòa)”, ông Lương giới thiệu. Hỏi chuyện mới biết, cách đây hơn một tháng, ông Lương đến gặp gia đình liệt sĩ Hồ Thị Hạnh để xin ảnh chân dung của bà về trưng bày ở nhà truyền thống. Khi biết gia đình còn cất giữ một số đồ dùng cá nhân của người nữ anh hùng, ông liền ngỏ ý xin gia đình giao lại để trưng bày ở Nhà truyền thống thị xã. “Thuyết phục mãi, em trai bà Hạnh mới đồng ý giao các hiện vật cho tôi sau khi đã thống nhất ý kiến trong gia đình”, ông Lương chia sẻ. 

Ông Nguyễn Văn Lương cần mẫn thu thập từng hiện vật trong suốt gần 30 năm qua.

 Chuyện ông Lương đam mê và có ý thức, kiến thức về bảo tồn lịch sử quê hương kể ra không có gì lạ bởi ông tốt nghiệp khoa Sử, Trường Đại học Đà Lạt. Năm 1995, khi vừa về công tác tại Nhà truyền thống Ninh Hòa, ông phát hiện tấm bia đá cẩm thạch ghi niên đại và tên 70 người có công đóng góp xây dựng Trường Tiểu học Pháp - Việt Ninh Hòa (trụ sở Nhà truyền thống hiện nay) đang được kê để làm bệ rửa chân ở vòi nước phía sau trường. Với con mắt của người học sử, ông nhận ra đây là hiện vật quý nên đã đề nghị đem trưng bày. Nhận thấy hiện vật và tài liệu của nhà truyền thống rất ít, nhiều hiện vật không có hồ sơ nên ông liền bắt tay vào sưu tầm tư liệu, hiện vật, lên đề cương để trưng bày. Ngày ấy, cứ có thời gian rảnh, ông Lương lại lặn lội đến các xã trong vùng để tìm kiếm tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến văn hóa, lịch sử của Ninh Hòa, nhất là lịch sử cách mạng của địa phương. “Lúc đầu tôi đi xe đạp, sau này là xe máy. Cứ nghe ở đâu có tài liệu, hiện vật là tôi tìm đến lân la, chuyện trò để hỏi… Khi biết có tư liệu rồi thì xin đem về trưng bày tại nhà truyền thống. Những hiện vật có giá trị thì lên kế hoạch đề nghị chính quyền cấp kinh phí để mua…”, ông Lương kể về công việc thầm lặng của mình.

Sau một thời gian, người cán bộ trẻ ấy đã đem về Nhà truyền thống Ninh Hòa nhiều hiện vật quý để phục vụ công tác trưng bày. Đó là hồi ký của ông Nguyễn Hữu Nghệ ghi lại sự kiện 16-7-1930 (nhân dân Ninh Hòa biểu tình chiếm phủ đường); tài liệu mật của địch ghi lại danh sách cán bộ cách mạng của ta trong những năm cuối thời kỳ chống Mỹ (do các tên chiêu hồi khai báo); tủ đựng tài liệu của đồng chí Đinh Hòa Khánh (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) khi nằm vùng ở gia đình cơ sở cách mạng Nguyễn Thị Mực (phường Ninh Hiệp, Ninh Hòa); băng rôn dùng ở Lễ truy điệu Bác Hồ của Đội công tác xã Ninh Diêm ở Căn cứ cách mạng Hòn Hèo… Nhiều người biết tâm huyết của ông đã chủ động hiến tặng tư liệu, báo tin khi biết địa chỉ có tài liệu quý. Cũng có những tài liệu đến với ông Lương, đến với Nhà truyền thống Ninh Hòa rất tình cờ. “Năm 1998, một số người dân đi rà phế liệu ở núi Hòn Hèo đã phát hiện một thùng tài liệu trong đó có một khẩu súng ngắn, cùng sổ tay mang tên Nguyễn Bá Cường. Sau này, qua xác minh mới biết đây là tài liệu của đồng chí Nguyễn Bá Cường - Đội trưởng Đội công tác xã Ninh Diêm (sau này là Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa) đã chôn giấu từ trước năm 1975, nhưng bị thất lạc. Sau đó, các hiện vật và tài liệu đã được đem về trưng bày ở nhà truyền thống”, ông Lương kể.

Băng rôn, khẩu hiệu được cán bộ, nhân dân Ninh Hòa dùng để diễu hành tưởng nhớ khi biết tin Bác Hồ mất.

Không chỉ tâm huyết với lịch sử cách mạng, ông Lương còn quan tâm đến mảng văn hóa truyền thống địa phương. Nhiều năm qua, ông đã đi điền dã để sưu tầm cồng chiêng và các nhạc cụ, trang phục truyền thống, khung dệt, dụng cụ sinh hoạt, công cụ sản xuất… của đồng bào Ê đê và Raglai ở 2 xã Ninh Tây và Ninh Tân (Ninh Hòa), về trưng bày tại Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa để giới thiệu phục vụ khách tham quan. Đi nhiều, thân thiết đến mức đồng bào Ê đê ở Ninh Tây đã gọi ông bằng tên thân mật là Y Lương.  

Lan tỏa tình yêu quê hương 

Những năm gần đây, Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa đã trở thành “địa chỉ đỏ” để cán bộ, nhân dân đến tìm hiểu về văn hóa, lịch sử địa phương. Mỗi khi có khách đến tham quan, ông Lương lại say sưa giới thiệu những mốc son chói lọi của quê hương Ninh Hòa; nhiệt huyết toát lên trong từng lời nói, ánh mắt khi nhìn vào các hiện vật lịch sử. “Sau khi tham quan Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa, được nghe giới thiệu về lịch sử địa phương, tôi rất tự hào với truyền thống cách mạng của nhân dân Ninh Hòa. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục học tập, rèn luyện, nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác để góp phần xây dựng quê hương… Tôi đặc biệt ấn tượng với sự trưng bày khoa học và phần giới thiệu đầy cảm xúc của cán bộ phụ trách nhà truyền thống”, chị Huỳnh Ngọc Thúy bày tỏ trong sổ lưu niệm. Không riêng gì chị Thúy, tất cả những ai đến Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa đều cảm phục trước tâm huyết của ông Lương. Trong sổ lưu niệm có rất nhiều dòng lưu bút của cán bộ, đảng viên và cả những khách phương xa ghi lại cảm xúc khi đến tham quan.

Khách tham quan Nhà Truyền thống thị xã Ninh Hòa.

Không chỉ trưng bày rồi đợi khách đến, ông Lương còn chủ động phối hợp với các trường học, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển lãm ảnh về truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa của quê hương Ninh Hòa. Bên cạnh các chuyên đề lịch sử cách mạng, ông Lương đặc biệt chú trọng đến việc giới thiệu văn hóa truyền thống của địa phương với thế hệ trẻ. “Mỗi năm, nhà truyền thống phối hợp với các trường học tổ chức 6-8 cuộc triển lãm giới thiệu văn hóa truyền thống địa phương, trọng tâm là các lễ hội, như: Lễ hội cúng bến nước, lễ hội cầu ngư, lễ hội cúng đình làng và những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của thị xã”, ông Lương cho biết.

Gần 30 năm gắn bó với Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa, ông Lương chưa bao giờ vơi nhiệt huyết sưu tầm, giới thiệu tư liệu văn hóa, lịch sử của quê hương. Ông thường xuyên viết bài giới thiệu về các lễ hội, di tích lịch sử tiêu biểu của thị xã, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị của các lễ hội này. Với cán bộ Bảo tàng tỉnh, ông là cộng sự thân thiết trong các cuộc điền dã sưu tầm tư liệu. Với cánh phóng viên, ông là nguồn tham vấn đáng tin cậy mỗi khi tác nghiệp về đề tài văn hóa, lịch sử Ninh Hòa. Trong câu chuyện, ông rất tiếc nuối mỗi khi phát hiện hiện vật nhưng lại để vuột mất vì số tiền họ đòi quá lớn hoặc do thiếu ý thức bảo quản nên để hư hại. “Tôi luôn muốn sưu tầm thật nhiều tư liệu văn hóa, lịch sử của quê hương để thế hệ trẻ mai này biết nhiều đến quá khứ hào hùng của thế hệ đi trước, cũng như sự “giàu có” về bản sắc văn hóa của quê hương”, ông Lương bày tỏ.

Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa nguyên là Trường Pháp - Việt Ninh Hòa được xây dựng từ năm 1922. Năm 2013, trường được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, Nhà truyền thống đang trưng bày 142 hiện vật và hơn 350 tư liệu, hình ảnh liên quan đến lịch sử cách mạng và văn hóa của địa phương.

Ông LÊ MINH TÂM - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: Ông Nguyễn Văn Lương là người yêu nghề, tâm huyết với lịch sử, văn hóa của địa phương. Gần 30 năm qua, ông dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết để tìm kiếm, sưu tầm, gìn giữ, trưng bày và giới thiệu các tư liệu, hình ảnh, kỷ vật… về văn hóa, lịch sử, con người Ninh Hòa qua các thời kỳ, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào cách mạng cho thế hệ trẻ.

XUÂN THÀNH - CÔNG ĐỊNH