22:01, 26/07/2023

“Cánh cổng” - Hãy tự mở cánh cổng mà vào đi!

“Cánh cổng”- cuốn tiểu thuyết của nhà văn cận-hiện đại nổi tiếng Nhật Bản Natsume Soseki vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Tao Đàn ra mắt trung tuần tháng 7. Bản dịch “Cánh cổng” tiếp tục được dịch giả Mai Đỗ chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Nhật (Mon), được xem là phần tiếp theo của “Từ dạo ấy” cùng một dịch giả và đơn vị xuất bản giới thiệu cuối năm 2020.

 

 


Natsume Soseki (1867-1916) sinh ra và trưởng thành đúng vào kỷ nguyên thay đổi ghê gớm của Nhật Bản, đó là thời kỳ chế độ Mạc Phủ nhường chỗ cho Minh Trị duy tân (1868-1912).

 

Nhà văn Natsume Soseki.
Nhà văn Natsume Soseki.

Bản thân Natsume Soseki cũng là người được thụ hưởng cả nền giáo dục truyền thống Nhật Bản và nền giáo dục phương Tây (khi ông du học hai năm tại London, Vương quốc Anh) và trở về trong vai trò một giáo sư Khoa Văn học tại Trường Đại học Tokyo.

Ông được xem là thuộc lớp trí thức tinh hoa, đứng đầu trường phái văn chương tâm lý cao sang (yoyuha - Dư dụ phái) và là một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản.

“Cánh Cổng” viết năm 1910, sau “Từ dạo ấy” (1907) và “Sanshiro” (1908), có thể xem là thuộc vào giai đoạn sáng tác thứ hai của Natsume Soseki.

Natsume Soseki ra đi cách nay đã hơn một thế kỷ, nhưng với “Cánh cổng” một lần nữa văn chương của ông vẫn gây xao động lòng người khi chạm tới những vấn đề của mọi thời đại.

Đó là câu chuyện thân phận con người trước biến động thời cuộc, nỗi lòng người trí thức trên nền bối cảnh sự va đập văn hóa Đông-Tây…

Vẫn là dòng văn chương tâm lý cao sang


Nếu tóm tắt cốt truyện “Cánh cổng” của Natsume Soseki thì không có gì nhiều. Truyện tập trung vào đời sống thường nhật của cặp vợ chồng anh công chức Sosuke vốn hòa hợp, yêu thương nhau nhưng luôn mang trong mình mặc cảm tội lỗi về quá khứ. Nhưng những đối thoại và nhịp điệu sống “hướng vào trong” cùng nhau của họ và cuộc tìm kiếm sự vượt thoát khỏi những ám ảnh và ràng buộc xã hội của nhân vật thực sự mở ra một thế giới tinh thần xao động, tinh tế và đầy ám ảnh.

Natsume Soseki đã để bối cảnh, diễn biến tâm lý và sự tương tác của câu chuyện với những tác phẩm trước đó của ông tự nói lên nỗi lòng của họ thay vì nói thay nhân vật những tư tưởng, quan điểm của mình.

 

“Cánh cổng” có sự lặp lại một cách cố ý nhiều tình tiết trong “Từ dạo ấy” qua một số nhân vật cốt yếu như người bạn học của Sosuke, gia đình người hàng xóm của vợ chồng Sosuke, bối cảnh đến với nhau của Sosuke và Oyone… Lối viết và sáng tạo này như một cách tiếp nối cuộc đời nhân vật xuyên suốt trong các tác phẩm của Natsume Soseki mà bạn đọc có thể đã có dịp tiếp cận như “Sanshiro”, “Cỏ ven đường”, “Từ dạo ấy”,…

Natsume Soseki đã để bối cảnh, diễn biến tâm lý và sự tương tác của câu chuyện với những tác phẩm trước đó của ông tự nói lên nỗi lòng của họ thay vì nói thay nhân vật những tư tưởng, quan điểm của mình. Và như thế, trường liên tưởng cho thế giới tinh thần của nhân vật cùng bối cảnh xã hội giao thời của Nhật Bản cũng trở nên rộng mở hơn, sâu sắc hơn.

Văn chương mộc mạc, giản dị nhưng tinh tế của Natsume Soseki cũng để lại nơi người đọc những khoảnh khắc không dễ quên: “Có lần, Sosuke ghé thăm Yasui như thường lệ nhưng cậu ta đi vắng, mà chỉ có Oyone ngồi một mình ở nhà như thể cô bị bỏ rơi giữa mùa thu hiu quạnh và cô đơn”…

Trăn trở như là lẽ sống

Như đơn vị xuất bản giới thiệu: “Với thủ pháp kể chuyện bình thản, lời văn mộc mạc, Natsume Soseki đã dẫn dắt độc giả tiếp cận một cách tinh tế trạng thái tinh thần trống rỗng và nỗi đau khổ chân thực của các nhân vật. Không chỉ được tán thưởng về vẻ đẹp trong cách miêu tả tình yêu, cuốn tiểu thuyết còn được đánh giá cao về ý tưởng và biểu tượng phức tạp: khi con người sống ở trên đời, nhất định phải có sự lo lắng về “tội nguyên tổ”…”

 

 

Độc giả cũng gặp ở đây những băn khoăn muôn thuở của con người như Sosuke khi nhìn thấy mình trong chiếc gương lạnh lẽo ở hiệu cắt tóc và “bất chợt anh tự hỏi người trong gương kia là ai”.

Không chỉ được tán thưởng về vẻ đẹp trong cách miêu tả tình yêu, cuốn tiểu thuyết còn được đánh giá cao về ý tưởng và biểu tượng phức tạp: khi con người sống ở trên đời, nhất định phải có sự lo lắng về “tội nguyên tổ”…

Phần cuối của câu chuyện khi Sosuke xin nghỉ việc một thời gian, tìm đến ngôi chùa để trốn chạy khỏi cuộc gặp với người bạn cũ, cũng là để giải thoát khỏi ám ảnh là phần nhiều “ẩn dụ” và gửi gắm của nhà văn. Dường như trạng thái dùng dằng, trăn trở của người vừa kiếm tìm thấy hạnh phúc cá nhân vừa đau khổ với ràng buộc đạo lý xã hội cứ trở đi trở lại.

“Anh không phải là người bước qua cánh cổng cũng không phải là người sẽ bằng lòng với việc không bước qua cánh cổng. Tóm lại, anh là một người bất hạnh phải đứng khựng lại dưới cánh cổng và đợi cho đến khi mặt trời lặn.” Và “Dường như từ khi sinh ra, số phận của Sosuke đã được sắp đặt là phải tha thẩn thật lâu bên ngoài cánh cổng. Điều này chẳng có gì phải bàn cãi nhưng mâu thuẫn ở chỗ là anh cứ cố tình đi đến tận cánh cổng mà kiểu gì mình cũng không bước vào được”.

Những trang viết về Phật giáo và cuộc tìm kiếm bản thân mình của Sosuke ở ngôi chùa cũng là sự phản chiếu vốn văn hóa, trải nghiệm sống của nhà văn. Trong không gian tôn giáo, văn hóa, xã hội Nhật Bản thời điểm đầy bỡ ngỡ đó, những thao thức của con người và số phận của mình càng trở nên day dứt. Và Natsume Soseki đã lách ngòi bút tới tận những ngóc ngách đời sống tinh thần ấy để ghi nhận, lột tả trung thực câu chuyện của các nhân vật.

Và toàn bộ tác phẩm của ông để lại cho người đọc những khoảng suy tưởng lớn, như trạng thái của nhân vật Soseki lúc đứng trước cánh cổng ngôi chùa mà gõ mãi không ai mở cửa, chỉ nghe tiếng nói: “Có gõ cũng vô ích thôi. Hãy tự mở nó mà vào đi!”.

Theo nhandan.vn