21:55, 13/07/2023

Cần chuẩn hóa thang âm đàn đá Khánh Sơn

GIANG ĐÌNH

Sự kiện hai bộ đàn đá Khánh Sơn A (bộ mái) và B (bộ trống) được trao lại cho tỉnh sau 44 năm rời xa đã đáp ứng được nguyện vọng của chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, do ra đời từ hơn 3.000 năm trước, nên hai bộ đàn đá mang thang âm cổ xưa, nguyên bản và khác xa so với thang âm của những bộ đàn đá đang được sử dụng lâu nay. Vậy nên chăng, chúng ta cần có sự nghiên cứu và phổ biến thang âm đặc trưng của đàn đá Khánh Sơn để ngày càng áp dụng rộng rãi trong hoạt động biểu diễn.

Thang âm độc đáo

Ngày 12-9-1979, tại lễ công bố hai bộ đàn đá Khánh Sơn, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Chủ tịch Hội đồng khoa học đàn đá Khánh Sơn lúc bấy giờ) đã công bố kết quả nghiên cứu về hai bộ đàn đá này. Trong đó nói rõ về tính chất âm nhạc của hai bộ đàn đá: “Âm thanh của các thanh đá Khánh Sơn đều hội tụ đủ các thuộc tính về độ trầm bổng, độ mạnh nhẹ, độ dài ngắn và màu sắc đặc biệt của âm. Cho nên, các thanh đá này đạt yêu cầu của một nhạc khí”. Đi sâu vào nghiên cứu về âm nhạc học, khí nhạc học, mỗi thanh đá Khánh Sơn được xếp vào nhạc khí loại “roi”, nghĩa là loại nhạc khí gồm một khối vật chất thon dài, khi đánh âm thanh bật lên theo chiều dọc là chính, gần giống như cồng, chiêng, khánh hoặc đàn xylophone. Tuy nhiên, đàn đá Khánh Sơn do có cấu tạo đá phức tạp nên các thanh đá này không nhất thiết theo quy luật thanh ngắn cho âm bổng, thanh dài cho âm trầm. Đặc biệt, trong số 12 thanh của hai bộ thì có một thanh nếu gõ ở điểm này cho âm cao, gõ ở điểm kia cho âm cao khác. Độ cao và màu âm thanh đàn đá Khánh Sơn đồng nhất, rõ nét, khi xếp thứ tự hai bộ đàn đá nối tiếp nhau từ âm thấp đến âm cao nhất thì 12 thanh đá có âm liền nhau và được sử dụng như một bộ duy nhất.

Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông thử thang âm hai bộ đàn đá Khánh Sơn.
Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông thử thang âm hai bộ đàn đá Khánh Sơn.


Từ những nghiên cứu ban đầu về hai bộ đàn đá Khánh Sơn, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đại diện cho các thành viên trong Hội đồng khoa học đưa ra những kết luận đầu tiên về thang âm đàn đá Khánh Sơn theo tầm của dân ca khi có âm vực ngắn. Độ cao của tất cả các thanh đá đều nằm trong một âm khu rất hợp với thanh đới của con người và hai bộ cách nhau gần một quãng tám, có thể được rập theo giọng nữ (bộ A) và giọng nam (bộ B). Các thanh đá Khánh Sơn là những bộ phận nhạc khí loại “roi” bằng đá kết thành một nhạc khí tổng hợp theo một thang âm cố định. Những người chế tác ngày xưa hoàn toàn có ý thức về việc mình thực hiện một loại nhạc khí. Với đàn đá Khánh Sơn, các nhạc công có thể tấu lên một số điệu dân ca quen thuộc của các dân tộc Tây Nguyên; cũng có thể sáng tác những giai điệu mới, những bản nhạc mới theo phong cách Tây Nguyên; có thể phối hòa âm theo quy luật thẩm mỹ riêng mang màu sắc âm nhạc Tây Nguyên mà vẫn hợp với yêu cầu hiện đại.

Nên chế tác theo thang âm nguyên mẫu

Trong lễ công bố hai bộ đàn đá Khánh Sơn cách đây 44 năm, nghệ sĩ Đỗ Lộc đã biểu diễn thành công tác phẩm Gọi nhau lên nguồn, của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ viết riêng cho đàn đá Khánh Sơn. Chỉ hơn 1 năm sau khi được phát hiện và công bố, đã có 50 tác phẩm sáng tác thể nghiệm và dàn dựng thành tiết mục cho hai bộ đàn đá Khánh Sơn. Trong đó, đa số là tiết mục viết cho độc tấu, song tấu, tam tấu đàn đá có dàn nhạc dân tộc đệm; hoặc một số tiết mục đàn đá đệm cho đơn ca, tốp ca, một số tiết mục kết hợp giữa đàn đá với múa và vũ kịch múa… “Hai bộ đàn đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt âm nhạc học và có niên đại hàng ngàn năm (khoảng 3.000 - 4.000 năm). Âm thanh sắc, gọn, có cao độ rõ rệt, ngân dài; âm thanh trầm bổng, độ mạnh nhẹ, độ dài ngắn và màu sắc đặc biệt của âm. Bộ đàn đá Khánh Sơn là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa”, TS. Đinh Văn Hạnh - Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Trong những năm qua, đã có khá nhiều bộ đàn đá mới được chế tác để phục vụ cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các đơn vị, địa phương. Có thể đơn cử, ở Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng có hai bộ; Hội quán Hòn Chồng có một bộ; các xã, thị trấn và Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện Khánh Sơn đã sử dụng tổng cộng 12 bộ đàn đá… Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là những bộ đàn đá được chế tác sau này đều không có bộ nào theo thang âm của hai bộ đàn đá Khánh Sơn nguyên bản. Những bộ đàn đá mới này có cấu trúc thang âm Tây Nguyên, để thuận tiện cho việc biểu diễn trên sân khấu. “Âm nhạc Tây Nguyên hiện tồn tại khá nhiều thang âm khác nhau, nhưng tựu trung có thể quy thành hai nhánh chủ yếu, thang âm ngũ cung có bán cung mà tiêu biểu là âm nhạc của người Jrai và thang âm ngũ cung không có bán cung mà người Raglai vẫn thường sử dụng. Còn thang âm đàn đá Khánh Sơn có quá nhiều bán cung và không hề giống hoặc tương cận với bất kỳ thang âm nào của các tộc người Tây Nguyên, cũng như các tộc người khác trên đất nước ta. Sự nở rộ phong trào đưa đàn đá lên biểu diễn sân khấu là điều rất tốt, nhưng với các bộ đàn đá chế tác không theo thang âm nguyên bản vô tình lại làm giảm hiệu quả về mặt giới thiệu đàn đá Khánh Sơn. Chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này, bởi thang âm chính là nội dung, hồn cốt, tạo nên giá trị độc đáo của đàn đá Khánh Sơn”, nhạc sĩ Hình Phước Liên chia sẻ.

Từ sự trở về của hai bộ đàn đá Khánh Sơn, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hóa thực hiện các hoạt động cần thiết để giới thiệu, quảng bá, lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật cấp quốc gia; thực hiện các hoạt động đưa hai bộ đàn đá đi giới thiệu với người dân ở các địa phương; vận động sáng tác các tác phẩm âm nhạc cho đàn đá, về đàn đá Khánh Sơn… Vậy nên chăng, chúng ta cũng cần chế tác thêm nhiều bộ đàn đá mới theo thang âm nguyên mẫu của đàn đá Khánh Sơn để góp phần giữ đúng chuẩn tiếng của ngàn xưa vọng lại. Từ đó, dần chuẩn hóa thang âm đàn đá để việc biểu diễn loại nhạc cụ này phát huy được những nét đặc sắc. 

Trong lĩnh vực âm nhạc, thang âm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu về bản sắc âm nhạc của một vùng đất, một dân tộc. Thang âm càng ít thì tính cổ xưa của nó càng cao, thậm chí thông qua thang âm có thể tìm ra môi trường sinh sống, trình độ văn minh của những người tạo ra các thang âm đó.

GIANG ĐÌNH