“Trẻ con nào mà chẳng sợ ma? Nhưng phù thủy mà sợ mà thì lạ quá, "phù thủy sợ ma vừa đi vừa khóc!". Phù thủy có pháp thuật, có năng lực trấn áp tà ma, việc gì phải sợ nó? À, chắc đây là một bé phù thủy - đã là trẻ con nên mới sợ ma như thường… Đó chính là bất ngờ kiểu Thụy Anh”. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã viết dòng giới thiệu trên trang sách đầu của tập thơ có tên ngộ nghĩnh này, và bạn đọc, nhất là các em bé tuổi nhi đồng chắc chắn sẽ vô cùng thú vị với những hình ảnh đẹp và dòng thơ ngộ nghĩnh của nhà thơ Thụy Anh đem lại cho mình.
Phải nói rằng đây là tập thơ cho trẻ mới bước vào đầu đời với những câu thơ trong sáng, giản dị vô cùng như bài thơ đầu tiên của quyển sách “Đồng dao tình yêu”: Mẹ ơi, lạ thật/Tình yêu là gì/Mà khi con hỏi/Ai cũng bỏ đi/Hỏi bố bố lắc/Hỏi bà bà bật ti vi/Quay sang hỏi chị/Chị còn học thi/Tình yêu là thứ/Cần nói rất nhiều! Nói về cánh diều/Bay lên cùng gió/Nói về ngọn cỏ/Đẫm một lá sương… Hay bài “Giấc trưa”: Mèo con ôm nắng/Giấc trưa dịu hiền/Nắng ôm mèo nhỏ dụi đầu bình yên.
Là một nhà nghiên cứu và thực hành về giáo dục trẻ nổi tiếng, Tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Anh (hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con) có lợi thế tâm lý, hiểu trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân tác giả cũng mang tâm hồn thơ trẻ và mỗi bài thơ chị viết ra trước hết là sự gửi gắm điều trong trẻo ấy của tâm hồn mình về thế giới trẻ thơ.
Có nhà phê bình đánh giá thơ của Thụy Anh có âm hưởng của chất đồng dao, vừa giản dị vừa có nhạc điệu vui vẻ để đem lại cho tuổi thơ những tiếng cười khúc khích mà ít người làm thơ thiếu nhi có được. Thụy Anh đã cùng với bạn đọc nhỏ bé của mình thủ thỉ tâm sự những giai điệu từ thơ, nói với nhau về suy nghĩ trong veo ngộ nghĩnh của mình để cùng cười. Đúng như lời nhà thơ đã bày tỏ: “Thơ và đồng dao là những người bạn thân dễ hiểu dễ chơi, nhất là đối với trẻ. Những bài thơ bé bỏng này, tôi ước chúng được vang lên như chuỗi cười khúc khích tự nhiên, kể cho bé về thế giới, nói với trẻ những lời hiền hậu thân mến”.
Những bài thơ như: “Giấc ngủ đông”, “Đếm hoa”, “Cá sấu”, “Tia nắng đi đâu”… là những quan sát về thiên nhiên quanh trẻ như vậy: “Tối, đến giờ ngủ/Sực nhớ, bé tìm…/Tìm tia nắng nhỏ/Ngủ rồi. Lặng im…/Bé nằm ngẫm nghĩ/-Nắng ngủ ở đâu/-Nắng ngủ nhà nắng/Mai lại gặp nhau”.
Nhiều bài thơ nhẹ nhàng, lan tỏa yêu thương như một vòng tay ôm ấm áp dành cho trẻ. Như bài “Món quà”, ta nghĩ về bàn tay trao và nhận niềm vui sướng, hồi hộp, mến thương bất ngờ: “Bàn tay trao hơi ấm/Bàn tay nhận tình thân, Bàn tay đưa ý nghĩ/Gọi xa xôi lại gần…”. Bài thơ “Lời chúc” mang giọng điệu tiêu biểu của nhà thơ Thuỵ Anh: "Bạn nhỏ hỏi mẹ: Mẹ ơi, có điều/Năm nào cũng viết/Lời chúc cũ hết/Đọc có chán không?”. Người mẹ trả lời: “Giống như dòng sông/Chảy hoài vẫn mới/Giống như thời gian/Đi hoài vẫn đợi…/Như một tiếng gọi/Một lời êm êm/Mỗi năm lại nói/Ngọt lành đầy thêm”. Rồi đọng lại ở đoạn kết một sự dịu dàng, xúc động: “Đường xa vạn dặm/Thương nhau bằng gì?/Thương bằng kỷ niệm/Mỗi mùa xuân đi…”.
Hiện nay, đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi qua thể loại thơ không phải hiếm, tuy nhiên để đến với các em thực sự thì không nhiều. Riêng với Thụy Anh, chị vừa là nhà thơ vừa là nhà tâm lý giáo dục trẻ em nên có rất nhiều kỹ năng để hiểu về trẻ và trong đó có thơ để đến với tâm hồn các em.
“Phù thủy sợ ma” là tập thơ được Nhà xuất bản Kim Đồng đầu tư với minh họa vô cùng đặc sắc để tạo ra một ấn phẩm rực rỡ về mỹ thuật cùng nội dung, do vậy sách được nhiều cha mẹ mua làm quà tặng cho trẻ. Tập thơ xứng đáng để các em mở ra xem và đọc, và nở nụ cười hạnh phúc.
Dương Trang Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin