22:54, 25/06/2023

Số hóa di sản văn hóa

Việc số hóa các di tích, di sản văn hóa trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, giới thiệu về các địa chỉ, di tích lịch sử, văn hóa. Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động này, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng giới thiệu, quảng bá di tích

Di tích Tháp Bà Ponagar đã được thực hiện việc gắn mã QR giới thiệu thông tin với khách tham quan.
Di tích Tháp Bà Ponagar đã được gắn mã QR giới thiệu thông tin với khách tham quan.

Thời gian qua, tại một số địa điểm như: Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm), căn cứ cách mạng Hòn Dữ (huyện Khánh Vĩnh), đình Phú Cang (huyện Vạn Ninh)… đã được Đoàn Thanh niên các cấp thực hiện việc gắn mã QR giới thiệu thông tin về các địa điểm này. Mọi người chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet quét mã QR là có thể xem được những thông tin cần thiết mà không cần phải có người giới thiệu như trước. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, giới thiệu về các địa chỉ, di tích lịch sử, văn hóa. Những thông tin được tích hợp vào mã QR đều được các đơn vị khai thác, tổng hợp từ những nguồn chính thống, đáng tin cậy và qua sự kiểm tra, phê duyệt, đối chiếu của cơ quan chuyên môn.

Từ năm 2020 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Trường Đại học Nha Trang triển khai lắp đặt các bảng có gắn mã QR tại di tích Tháp Bà Ponagar. Để nâng cao hiệu quả thuyết trình, giới thiệu, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cũng đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động sử dụng mã QR (QR Guiding) ở di tích Tháp Bà Ponagar. Với ứng dụng này, mọi người khi đến tham quan di tích có thể chủ động tìm hiểu toàn bộ nội dung liên quan về lịch sử hình thành, giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đặc điểm lễ hội, phong tục tín ngưỡng… “Tôi chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR Guiding là có thể nghe toàn bộ bài thuyết minh về di tích Tháp Bà Ponagar. Điều này rất thuận tiện cho khách tham quan khi có thể tìm hiểu về di tích theo ý thích của mình”, bà Nguyễn Ngọc Huyền - khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết.  

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, cùng với việc triển khai mã QR Guiding, đơn vị cũng xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng trên các nền tảng số những hồ sơ khoa học, tư liệu về di tích, di sản văn hóa thông qua website http://qlhsdtkh.org.vn. Truy cập vào địa chỉ này, mọi người có thể tìm hiểu sâu hơn thông tin của 16 di tích cấp quốc gia, 180 di tích cấp tỉnh, 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Di tích Tháp Bà Ponagar, một số hiện vật, công trình lịch sử, văn hóa khác trên địa bàn TP. Nha Trang đã hoàn thành việc số hóa 3D thông qua phần mềm http://khanhhoa360.vn. Trang web http://ditichkhanhhoa.org.vn của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cũng tích hợp thông tin về các di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh trên địa bàn, góp phần phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách thuận tiện và hiệu quả hơn. Đây cũng là một giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di tích đến người dân và du khách.

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn

Ngày 21-6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, kế hoạch nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh để tạo thuận lợi hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa cấp quốc gia nói chung và của địa phương nói riêng. Từ đó, tiến tới ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa thành nội dung hoạt động thường xuyên nhằm bảo quản các hồ sơ, dữ liệu, bảo vật quốc gia, cổ vật, di vật, hiện vật quý đang được lưu giữ tại các bảo tàng, di tích. Mục tiêu chung là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất và phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản; thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, đảm bảo đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Di tích cấp Quốc gia Thành cổ Diên Khánh. Ảnh minh họa.
Di tích cấp quốc gia Thành cổ Diên Khánh. Ảnh minh họa

Để việc thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả, tỉnh sẽ xây dựng nền tảng kỹ thuật số và thực hiện các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ; tạo lập dữ liệu số hóa về di sản văn hóa; vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng… Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì xây dựng, triển khai việc cập nhật dữ liệu về di sản văn hóa hàng năm; tổ chức sử dụng, khai thác các phần mềm dùng chung; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện... 

Có thể nói, việc xác định cụ thể danh mục, nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong triển khai thực hiện chương trình số hóa di sản văn hóa được thống nhất là vấn đề nên làm, trên cơ sở đồng bộ với hoạt động chuyển đổi số chung của địa phương. Hy vọng, thời gian tới, việc tiếp cận thông tin, hình ảnh, dữ liệu về các di tích, di sản văn hóa sẽ phát huy hiệu quả vào các nhu cầu thực tiễn của nhiều đối tượng khác nhau.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, từ nay đến năm 2030, sẽ có 100% di sản được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quốc gia và danh mục kiểm kê di tích được số hóa; 100% di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh, di vật, bảo vật quốc gia được số hóa và ứng dụng trên nền tảng số; 100% người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

GIANG ĐÌNH