Hoạt động tái hiện Lễ hội Cầu ngư đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong các kỳ Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách. Đã đến lúc ngành chức năng cần nâng tầm hoạt động này để trở thành một lễ hội đường phố thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá nét sinh hoạt văn hóa của cư dân miền biển đến bạn bè gần xa.
Từ sinh hoạt văn hóa làng biển…
Lễ hội Cầu ngư xuất phát từ tín ngưỡng dân gian của những ngư dân miền biển, được duy trì, kế tục xuyên suốt trong nhiều đời qua và gắn liền với cuộc sống lao động, sinh hoạt của người dân. Các làng biển ở Khánh Hòa tổ chức lễ hội Cầu ngư từ 1 đến 3 ngày với các nghi lễ như: Lễ rước sắc, túc yết, nghinh thủy triều (nghinh ông), hò bá trạo, tỉnh sanh, tế chánh, thế lễ, tôn vương, tống na… Trong đó, lễ nghinh ông được tổ chức hình thức tế lễ với đám rước trên biển và trình diễn hò bá trạo, gồm những tác phẩm thơ ca, hò hát dân gian đặc sắc. Lễ nghinh ông chứa đựng nhiều yếu tố hội hè của cộng đồng, là cơ sở để thực hiện hoạt động tái hiện Lễ hội Cầu ngư trong Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa. Theo ông Đặng Quốc Văn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: “Việc tổ chức Lễ hội Cầu ngư sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của ngư dân Khánh Hòa thông qua việc giới thiệu những đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của lễ hội; đồng thời quảng bá nét đặc sắc của giá trị di sản văn hóa đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế”.
Màn hò bá trạo của các ngư dân phường Vĩnh Trường. |
Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa được đánh giá còn lưu giữ nhiều tập tục, lễ nghi mang tính tiêu biểu, nguyên vẹn, đặc sắc. Hàng năm, tại nhiều làng biển ở Khánh Hòa, người dân vẫn duy trì việc tổ chức lễ hội này với đầy đủ nghi thức truyền thống. Năm 2014, Lễ hội Cầu ngư của ngư dân Khánh Hòa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. “Mỗi năm, người dân chúng tôi lại cùng nhau quyên góp kinh phí để tổ chức Lễ hội Cầu ngư. Thông qua đó, chúng tôi nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, tôm cá bội thu và bày tỏ tấm lòng tri ân đến các bậc thần linh đã chở che, giúp đỡ cho ngư dân làm việc trên biển được an toàn, xuôi chèo mát mái”, nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh (đình làng Trường Tây, phường Vĩnh Nguyên) cho biết.
Màn biểu diễn trạo chầu của các ngư dân phường Vĩnh Nguyên. |
… đến lễ hội đường phố
Trong các kỳ Festival Biển đều có tiết mục hò bá trạo được lồng ghép vào chương trình biểu diễn nghệ thuật chính, đặc biệt là hoạt động tái hiện Lễ hội Cầu ngư dưới hình thức diễu hành đường phố. Ở Festival Biển 2023, đoạn đường Trần Phú từ Công viên Phù Đổng đến đường Trần Quang Khải đã trở nên sôi động khi diễn ra Lễ hội Cầu ngư. Hai đoàn rước của phường Vĩnh Trường và Vĩnh Nguyên từ hai đầu đã diễu hành đi đến địa điểm tổ chức chính ở khu vực sân khấu đối diện đường Tuệ Tĩnh. Mỗi đoàn hơn 180 người, trong những bộ trang phục truyền thống nhiều màu sắc đẹp mắt và mang theo các loại đạo cụ đặc trưng cho từng vị trí. Các đoàn đi đến đâu, tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng hò hát lại rộn ràng đến đó. Những màn biểu diễn múa lân, sư, rồng, múa lục cúng hoa đăng và đặc biệt là màn trình diễn những động tác trào chầu ngay trên đường phố đã thu hút đông đảo người dân, du khách. Ông Gildas Treguier (đến từ TP. Lorient, Pháp) chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi được xem một màn trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc như thế này ở giữa đường phố Nha Trang. Lễ hội thật sôi động, cuốn hút và rất nhiều màu sắc. Tại thành phố nơi tôi sinh sống cũng thường có những cuộc diễu hành giới thiệu về các lễ hội truyền thống của người dân và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng địa phương, khách du lịch”.
Hoạt động tái hiện Lễ hội cầu ngư thu hút nhiều người dân, du khách. |
Màn tái hiện Lễ hội Cầu ngư trong Festival Biển đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với công chúng, quảng bá hiệu quả cho hình ảnh một lễ hội truyền thống đặc trưng của vùng đất Khánh Hòa. Tuy nhiên, sau nhiều kỳ Festival Biển, hoạt động này vẫn chưa có sự phát triển về quy mô, thời gian, không gian tổ chức sự kiện. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong kế hoạch ban đầu, hoạt động tái hiện Lễ hội Cầu ngư ở Festival Biển 2023 sẽ được thực hiện cả ở biển và trên bờ với quy mô và không gian được mở rộng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hoạt động chỉ được thực hiện ở trên bờ với không gian hẹp hơn so với kỳ Festival Biển 2019. Nghệ nhân Trần Văn Mạnh (phường Vĩnh Trường) cho biết: “Mỗi lần được mời tham gia hoạt động Lễ hội Cầu ngư, chúng tôi đều thấy vui và luôn sẵn sàng tập luyện để trình diễn được tốt nhất. So với lễ hội tổ chức ở đình làng, hoạt động này quy mô vẫn còn nhỏ; vậy nên, chúng tôi mong tỉnh sẽ quan tâm tổ chức ở quy mô lớn hơn và diễn ra hàng năm chứ không phải chờ đến Festival Biển mới tổ chức”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tứ Hải cho rằng, Lễ hội Cầu ngư truyền thống ở các đình làng biển thường được tổ chức rất long trọng và mang đậm sắc màu văn hóa truyền thống đặc trưng, tín ngưỡng, tình cảm của ngư dân. Vì vậy, khi tái hiện trở thành lễ hội đường phố phải khéo léo để làm sao vừa giới thiệu được những nét chính trong lễ hội, nhưng cũng không mang nặng cảm giác sân khấu hóa lễ hội truyền thống. Mặc dù đã được diễn ra ở nhiều kỳ Festival Biển nhưng quy mô của hoạt động này vẫn còn rất chừng mực. Lễ hội Cầu ngư là sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao nên hoàn toàn có thể nâng tầm để trở thành một sự kiện độc lập, một lễ hội đường phố đặc trưng của Nha Trang - Khánh Hòa.
Tại hội nghị tổng kết Festival Biển 2023, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Văn hóa nghiên cứu, tìm giải pháp để nâng tầm Lễ hội Cầu ngư. Đây là hoạt động nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, du khách và thể hiện được những nét văn hóa đặc trưng của người dân miền biển Khánh Hòa. Chính vì thế, việc tái hiện Lễ hội Cầu ngư với thời gian ngắn, không gian hẹp là chưa xứng tầm, chưa có sự tương tác, gắn kết giữa những người trình diễn với khán giả. Cần phải tổ chức Lễ hội Cầu ngư thành một lễ hội thật quy mô để gia tăng tính quảng bá, trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của Khánh Hòa để thu hút người dân, du khách đến hàng năm.
GIANG ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin