21:19, 27/06/2023

Có một hồn thơ yêu thương trong trẻo

CHẾ DIỄM TRÂM

Độc thoại với thiên nhiên là tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Tô Hằng Thanh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023). Tập thơ được kết cấu thành 4 phần: Tổ quốc và Mẹ, Quê hương và nỗi nhớ, Độc thoại với thiên nhiên, Vô thường cõi nhân sinh, vừa khái quát những chủ đề chính mà tác giả quan tâm và suy tư, vừa hé lộ một tư duy thơ minh định.

 

Chùm thơ về Tổ quốc mở đầu tập thơ với các bài: Thao thức với dòng sông, Khúc quê, Lỗi hẹn mùa hoa xoan, Đánh thức dòng sông, Tổ quốc trong tôi, Trở lại Hội An… Ở phần này, dường như nhà thơ muốn làm một định nghĩa nghệ thuật: Tổ quốc là gì? Và cũng như nhiều nhà thơ khác, Tổ quốc trong chị cũng gần gũi, thân thương, là đơn vị cũ, đồng đội cũ gắn bó, là những miền đất đã đi qua, là điệu hò, điệu lý, tiếng đàn bên sông, là thơ lục bát của dân tộc…

Người mẹ già ở quê nhà thường trực trong nỗi nhớ của chị và hiện diện suốt tập thơ. Mẹ chính là quê hương, mẹ là tình thương, mẹ cũng là sức mạnh nâng đỡ con mỗi chiều chiều và tuổi xế chiều. Nhớ thương lúc xa xôi và hạnh phúc được gặp mẹ - chủ đề ấy trải suốt tập thơ, dù nhà thơ viết về đề tài gì: Lục bát lời ru, Cánh cò mẹ tôi, Về thăm một miền quê, Sợi khói về đâu, Ngón tay hoa... Điều đó làm cho người đọc vô hình trung thấy được sức liên tưởng phong phú của nhà thơ. 

Cùng với hình tượng mẹ, quê hương thường hiện lên trong thơ chị thật dịu ngọt, bởi thường gắn với những mùa hoa. Những mùa hoa, cả những mùa hoa lỗi hẹn, những loài hoa đặc trưng của đất Bắc điểm sắc màu bức tranh quê hương trong những lần chị về thăm và cả trong tâm tưởng: Hà Nội nhớ, Thu chín đỏ, Lỗi hẹn mùa hoa xoan, Hoa ban đỏ, Có một mùa sen năm ấy, Mùa hoa gạo, Về với cúc họa mi, Mùa hoa cải, Có một mùa hoa tím…

Sinh sống ở thành phố biển xinh đẹp và hiền hòa, vì thế, biển, sóng, cát hiện hữu trong thơ chị thành một trong những hình tượng nghệ thuật chủ đạo. Song, vẫn là biển, sóng, cát nhưng từ tập Lời của biển sang đến Độc thoại với thiên nhiên đã có sự dịch chuyển về cảm hứng chủ đạo. Biển trong tập Lời của biển dường như nhẹ nhàng, êm ả hơn, bình yên hơn. Sang Độc thoại với thiên nhiên, cũng là biển mà lúc thâm trầm, da diết (Sóng và cát, Chân sóng,…), lúc dữ dội (Người đi nhặt mặt trời, Chiều đá dội…), có khi bỏng rát (Biển cạn, Người đàn bà gánh muối…), thậm chí gắn với nguy cơ (Đợi tin từ cơn bão, Gió đêm…): Tiếng của biển dội lên từ sâu thẳm/Nghe mênh mang một khúc ca chiều/Hoàng hôn xuống rơi trong tiếng lá/Bước chân nào dẫm trên đá liêu xiêu (Chiều đá dội).

Phần cuối của tập thơ có những bài thơ đậm chất thiền. Khi một người đượm tuổi, tâm hồn người ta sẽ nhạy cảm hơn và ứng xử sẽ từng trải hơn, sâu lắng và nghiêng về chiêm nghiệm hơn: Từng ngày từng ngày trôi/Như là cơn gió thổi/Huyền thoại nào ẩn giấu/Mùa thu về lá rơi/Đong trời những nắng mưa/Gom màu mây hư ảo/Nghệ sĩ đàn say sưa/Bao thăng trầm cổ tích (Tâm linh và Nghệ thuật). 

Đọc Độc thoại với thiên nhiên, ta bắt gặp một hồn thơ trong sáng, trong trẻo đến trong ngần. Giọng điệu chủ đạo là giọng tin yêu, yêu đời và yêu người, yêu mẹ, yêu những người thân yêu, yêu đồng đội, yêu thiên nhiên, yêu hoa… Thảng hoặc có một vài bài vương mang nỗi buồn của một cái tâm được khai - thị - ngộ khi triết lý về thân phận con người giữa mênh mông thế giới, nhưng đó là một nỗi buồn dịu êm, thanh lọc và nâng đỡ con người. Thơ của Tô Hằng Thanh giản dị, chân thành và trong sáng như chính con người chị. Từ Chiều không tắt nắng (năm 2001), Đếm sóng (năm 2003), Lời ru trăng (năm 2006), Lời của biển (năm 2020) đến Độc thoại với thiên nhiên (năm 2023), con đường thơ của chị cứ thế mà nhẹ nhàng trải dài, rộng mở và đi tới…

CHẾ DIỄM TRÂM