Công chúa Đồng Xuân (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam) là bộ tiểu thuyết lịch sử 2 tập với 66 chương, hơn 700 trang mới được xuất bản tháng 4-2023 của nhà văn Trần Thùy Mai, sau thành công lớn của tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái hậu. Đây có thể coi là phần tiếp nối, một bức tranh hoàn chỉnh về triều đại phong kiến cuối cùng đầy khó khăn nhiễu loạn và cũng là một giai đoạn lịch sử tối tăm bi thương. Nội dung cuốn sách khởi đầu từ khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đại Nam (năm 1847), lúc Tự Đức tại vị đến lúc xảy ra biến cố Tứ nguyệt tam vương rồi thất thủ kinh đô (năm 1885) để mất luôn chủ quyền đất nước vào tay ngoại bang.
Không chỉ là những câu chuyện tranh đoạt trong Tử cấm thành, cuốn tiểu thuyết lịch sử này đã mang người đọc đi rất xa, từ khoảng cách địa lý cho tới những lớp lang thành quách trong lòng người. Chưa bao giờ lịch sử dân tộc lại ly tán tàn khốc đến vậy dù cùng đứng trước họa xâm lăng vừa chống Tây vừa chống Tàu, vừa thổ phỉ cướp bóc vừa dư đảng triều đại cũ, vừa phiến loạn vừa sát tả (giết người theo đạo Thiên Chúa), vừa chủ chiến vừa chủ hòa, vừa canh tân vừa bảo thủ... Công chúa Đồng Xuân là con út của vua Thiệu Trị, dù được lấy tên cho cả bộ tiểu thuyết nhưng nàng chỉ là nhân vật phụ, là con chốt ngây thơ bị gài vô thế triệt hạ luôn con sĩ trên bàn cờ.
Công chúa Đồng Xuân, quyển thượng và hạ. |
Tác giả cũng khéo dụng nàng, là thương hay mượn chưa rõ nhưng cảm thông phận đàn bà thì đúng hơn khi tặng cho cuộc đời dang dở của nàng một tráng sĩ để giải mã tồn nghi vây bủa. Chính sử chép, Đồng Xuân là vợ góa của phò mã Nguyễn Lâm, là dâu của Đại tướng Nguyễn Tri Phương. Một bà chúa danh gia vọng tộc như vậy sau 10 năm thủ tiết thờ chồng thì bỗng có hoang thai. Người bị tố cáo gian dâm với bà lại chính là Gia Hưng vương Hồng Hưu, anh ruột (cùng cha là vua Thiệu Trị), đang đương chức Phụ chính thân thần và có đường lối chủ hòa đối trọng với quyền thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết. Hồng Hưu ngay sau đó bị kết tội rồi chết trong mờ ám và nhục nhã; còn Đồng Xuân thì chỉ vài năm sau được phục tước tha cho tội loạn luân, nhưng tất cả đã quá muộn.
Cuốn sách cũng đề cập tới những nhân vật gây không ít tranh cãi và ngộ nhận như: Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Văn Tường, Đoàn Trưng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương; sự bất lực của các đời vua Nguyễn nối tiếp... Lịch sử dần được lật mở và không có bí mật nào là vĩnh viễn, định kiến là thứ bất nhất, ở mỗi thời điểm từng sự kiện, từng con người sẽ được nhìn nhận và soi chiếu theo đúng góc độ.
Một nhà văn tài ba sẽ biết cách dẫn dắt câu chuyện với hàng trăm nhân vật trên nền sử thi tưởng khô cứng và giáo điều sao cho thật hấp dẫn và vẫn đủ sức khách quan thuyết phục, có quyền thêm thắt tình huống, đẻ ra nhân vật mới để bật lên tính cách nhân vật lịch sử đã định, thậm chí có thể để người đọc tiếp cận dưới nhiều góc nhìn gây tranh cãi. Ngoài ra, yếu tố văn hóa, phong tục tập quán của thời đại nếu không được chăm chút và cẩn trọng thì cũng sẽ làm giảm đi rất nhiều tính chân thật của một tiểu thuyết lịch sử.
Công chúa Đồng Xuân đã được tái bản sau 1 tháng phát hành, xứng đáng được coi là một công trình đồ sộ và giá trị. Nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai một lần nữa lại thành công.
Ái Duy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin