Không chỉ là một doanh nhân tâm huyết với ngành du lịch, ông Lê Xuân Thơm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng còn là tác giả của nhiều ca khúc ý nghĩa về phố biển…
Không chỉ là một doanh nhân tâm huyết với ngành du lịch, ông Lê Xuân Thơm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng còn là tác giả của nhiều ca khúc ý nghĩa về phố biển…
Tâm huyết với lịch sử, văn hóa địa phương
Ông Lê Xuân Thơm sinh năm 1968 tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông từng có thời gian đi bộ đội, đơn vị đóng quân ở tỉnh Nghệ An. Năm 1988, ông sang Liên Xô cũ lao động, đến năm 2008 ông về nước đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn tại Nha Trang. Không dừng lại ở vai trò của một doanh nhân, ông luôn thể hiện trách nhiệm của mình với lịch sử, văn hóa của địa phương. Cách đây 6 năm, ông đã xây dựng Nhà hát Nghệ thuật dân gian Á Châu (số 62 Thái Nguyên, TP. Nha Trang) để tổ chức biểu diễn những tiết mục nghệ thuật dân tộc phục vụ người dân và du khách. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan nên hiện tại nhà hát đã phải ngưng hoạt động.
Trước đó, ông cũng đã hợp tác với đơn vị chủ quản đầu tư, tôn tạo các hạng mục công trình trong khu căn cứ cách mạng Đồng Bò (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang). Đến nay, nơi đây đã hình thành nên khu du lịch sinh thái Hồ Kênh Hạ thu hút được sự quan tâm của người dân địa phương và khách du lịch. Ông đã mời những cựu chiến binh từng chiến đấu ở khu vực này đến đây nói chuyện với thế hệ trẻ; biên soạn tài liệu để giới thiệu về khu căn cứ cách mạng… “Mong muốn của tôi là giữ gìn và lan tỏa được những giá trị lịch sử, văn hóa của cha ông đi trước. Điều đó đã thôi thúc tôi cần phải có những việc làm cụ thể đối với vùng đất, con người Nha Trang - Khánh Hòa để có thể giới thiệu với bạn bè gần xa và thế hệ trẻ sau này”, ông Thơm chia sẻ.
Những lời ca về phố biển
Với tâm hồn nghệ sĩ, ông đã sáng tác một số ca khúc về Nha Trang, mới nhất là bài hát Nha Trang ngày trở lại. Bài hát có tiết tấu âm nhạc vui tươi, trong sáng, lạc quan cùng những ca từ gần gũi: “Nha Trang, Nha Trang vui chào đón/Bạn bè thân thương khắp muôn nơi/Cùng về đây vui chung câu hát/Nha Trang, ơi Nha Trang…”. Đây là ca khúc thứ 5 ông viết về phố biển Nha Trang, cùng với các ca khúc: Nha Trang ngày cách ly, Nha Trang đợi, Nha Trang chờ, Nỗi nhớ người đi. Điều đặc biệt, cảm xúc khi viết 5 bài hát này đều bắt nguồn từ tâm tư, nỗi buồn - vui của ông trước thực tế tình hình dịch Covid-19. Vậy nhưng, khi nghe các ca khúc này, người nghe chỉ thấy đây như những bài hát về tình yêu, về quê hương.
Ông chia sẻ, trong khoảng 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông đã sáng tác được 40 bài thơ và ca khúc viết về quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, trong đó có 5 bài hát về Nha Trang. Ông còn là tác giả phần lời hoặc phần nhạc của những ca khúc khá nổi tiếng như: Về quê mẹ Nam Anh, Răng anh nỏ về, Miền quê duyên nợ, Lỡ hẹn tình anh… Hầu hết những bài hát do ông sáng tác đều mang màu sắc dân gian, quê hương với đầy ắp cảm xúc. “Tôi yêu âm nhạc từ nhỏ. Khi sang Nga lao động, tôi nghe nhạc rất nhiều, nhất là những bài hát về quê hương đất nước nên âm nhạc cứ thấm vào tâm hồn và ca từ, nhạc điệu đến với tôi khi sáng tác cũng thật tự nhiên”, ông cho biết.
Giang Đình