Tôi lớn lên ở vùng quê khi đất nước còn chia cắt. Không khí xã hội thời ấy là tất cả vì miền Nam ruột thịt. Cánh cửa sổ duy nhất mở ra thế giới bên ngoài với bọn tôi thuở ấy chính là cái loa phát thanh treo ở sân kho của hợp tác xã. Tin tức thời sự, kiến thức khoa học phổ thông, ca hát, âm nhạc… tất tần tật đều đến từ chiếc loa ấy. Ca nhạc duy nhất là dòng nhạc cách mạng, động viên cả xã hội chung sức cho cuộc kháng chiến.
Tôi lớn lên ở vùng quê khi đất nước còn chia cắt. Không khí xã hội thời ấy là tất cả vì miền Nam ruột thịt. Cánh cửa sổ duy nhất mở ra thế giới bên ngoài với bọn tôi thuở ấy chính là cái loa phát thanh treo ở sân kho của hợp tác xã. Tin tức thời sự, kiến thức khoa học phổ thông, ca hát, âm nhạc… tất tần tật đều đến từ chiếc loa ấy. Ca nhạc duy nhất là dòng nhạc cách mạng, động viên cả xã hội chung sức cho cuộc kháng chiến.
Khi đất nước thống nhất, tôi vẫn còn nhớ có một đêm đội chiếu bóng về làng chiếu một bộ phim của Xưởng phim tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian lâu quá nên không còn nhớ tên phim, chỉ nhớ diễn viên chính là Thế Anh với chiếc răng khểnh bất tử. Trong phim có cảnh một ca sĩ hát phòng trà bài Diễm xưa của Trịnh Công Sơn. Một cảm giác ngọt ngào và choáng ngợp không thể tả được xâm chiếm toàn thân tôi. Lần đầu tiên trong đời, cậu nhóc mới lớn biết rằng bên cạnh những bài hát sôi nổi cách mạng vẫn nghe trên loa phát thanh còn có những bài hát giai điệu êm đềm, ca từ đẹp đến ma mị vậy. Cảm xúc choáng ngợp vậy nhưng vẫn không biết chút nào về nhạc sĩ và một dòng nhạc nổi tiếng của ông.
Khi về Hà Nội học đại học, lần đầu tiên tôi mới biết, mới được nghe về nhạc Trịnh, về ca sĩ Khánh Ly. Ấy là cuối năm 1979, vào những ngày cuối tuần, sinh viên các trường đại học đi lao động xã hội chủ nghĩa trên công trường cải tạo sông Tô Lịch. Hồi ấy, Hà Nội được sự tài trợ của nước ngoài, bắt tay vào dự án khơi thông, chỉnh trang sông Tô Lịch. Những sinh viên đang tuổi ăn tuổi lớn như chúng tôi chả cần biết nhiều, trường bảo đi thì đi và vô cùng khoái chí vì được hàng ngày bồi dưỡng 1 ổ bánh mì với hộp cá. Đoạn sông mà khoa tôi lao động, ngay gần đó có một quán cà phê. Quán có dàn nghe nhạc AKAI chạy băng cối, suốt ngày phát nhạc Trịnh Công Sơn. Đám bạn người Hà Nội giảng giải cho tôi đó là giọng ca Khánh Ly trong các tuyển tập Sơn ca của Trịnh. Lại một cảm giác choáng ngợp lần thứ hai trong tôi. Từ nhỏ chỉ nghe ca nhạc qua chiếc loa sắt rè rè, lần đầu tiên nghe nhạc qua loa thùng, qua đầu AKAI, cảm giác thật như có ai đang hát trực tiếp trước mặt mình… Một thế giới quá mới lạ, quá rộng lớn mở ra trước mắt tôi. Tôi bắt đầu tìm hiểu về ông nhạc sĩ này, về các bài hát của ông gắn liền với giọng ca Khánh Ly. Tôi tới thư viện trường đại học, hiệu sách Quốc văn ở Tràng Tiền, đi theo các bậc đàn anh đến các quán cà phê có nhạc Trịnh… rồi về bắt anh bạn cùng phòng dạy đàn để tự mò hát nhạc Trịnh. Một thế giới về người nhạc sĩ tài hoa này hình thành trong tôi.
Thực ra tôi không phải là người đam mê ca hát, cũng không quá hâm mộ nhạc Trịnh. Nhưng nhạc của ông có tác động rất lớn đối với tôi. Ngoài giá trị khởi nguồn cho nhận thức về một thế giới rộng mở ngoài hiểu biết của mình, phần ca từ của các bài hát đã tác động đến tôi rất lớn. Những câu thơ đẹp, vốn từ phong phú, diễn đạt đa tầng nghĩa… Có thể nói, tôi đã chịu ảnh hưởng của phép dùng từ này không nhỏ trong suốt cuộc đời mình.
Tài hoa bạc mệnh. Mới đó mà đã 22 năm cát bụi cuộc đời.
Thủy Ngân