11:01, 10/01/2023

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu: Con đường âm nhạc giàu cảm xúc

Xuất phát điểm không phải là nghệ sĩ, nhưng bằng nỗ lực của bản thân, anh lính trẻ Nguyễn Tiến Liêu năm nào đã bước chân vào con đường nghệ thuật. Chặng đường 60 năm hoạt động nghệ thuật của ông đã để lại nhiều cảm xúc, cũng như đóng góp với công chúng yêu nhạc.

Xuất phát điểm không phải là nghệ sĩ, nhưng bằng nỗ lực của bản thân, anh lính trẻ Nguyễn Tiến Liêu năm nào đã bước chân vào con đường nghệ thuật. Chặng đường 60 năm hoạt động nghệ thuật của ông đã để lại nhiều cảm xúc, cũng như đóng góp với công chúng yêu nhạc.

Từ nhạc công thành nhạc sĩ


Mới đây, giới nghệ sĩ ở xứ Trầm Hương đã chung niềm vui khi nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu và nhạc sĩ Hình Phước Liên vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022. Tìm gặp ông ở nhà riêng (số 258/23 đường Dã Tượng, TP. Nha Trang), chúng tôi có dịp hiểu thêm về con đường nghệ thuật của người nhạc sĩ khá kín tiếng này. Ở tuổi 85, ông vẫn nhớ rõ từng dấu mốc thời gian trên con đường đến với nghệ thuật của mình. “Năm 1953, khi mới 15 tuổi, từ quê nhà ở huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), tôi đã tình nguyện đi bộ đội và gia nhập vào Sư đoàn 304, trực tiếp chiến đấu ở mặt trận Trung Lào. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị chúng tôi về đóng quân ở Xuân Mai (TP. Hà Nội). Trong khoảng thời gian này, thủ trưởng đơn vị thấy tôi có chút năng khiếu âm nhạc nên đã cử đi học lớp đàn violoncelle do Tổng cục Chính trị mở. Năm 1958, tôi về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 4, rồi lần lượt chuyển công tác đến Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Đoàn Văn công Quân đội Nam Bộ, Đoàn Văn công Bộ Tư lệnh Hải quân… Ở đâu tôi cũng đều đảm nhận nhiệm vụ nhạc công chơi đàn violoncelle trong dàn nhạc”, nhạc sĩ kể.

 


Những ngày ở Đoàn Văn công Bộ Tư lệnh Hải quân, do yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, lãnh đạo đoàn đã chọn ông để đi đào tạo chuyên ngành âm nhạc tại Trường Đại học Văn hóa. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp, ông được cử về làm Trợ lý văn hóa văn nghệ của Học viện Hải quân. Con đường sáng tác âm nhạc của ông bắt đầu từ đó. Những ca khúc đầu tiên được ông sáng tác để phục vụ việc dàn dựng, biểu diễn của đoàn nghệ thuật học viện. Theo thời gian, gia tài ca khúc của ông ngày càng nhiều hơn. Đến nay, ông đã sáng tác hơn 500 ca khúc, trong đó có hơn 100 ca khúc được công bố dưới các hình thức khác nhau.


Dù không nhận mình là nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu đã có được 2 bài hát đi cùng năm tháng, gồm: Khi tôi hát về Người, Khúc ca đảo gió. Đây chính là 2 ca khúc được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ca khúc Khi tôi hát về Người được nhạc sĩ sáng tác năm 1981 và được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải ba (không có giải nhất) giải thưởng âm nhạc hàng năm của hội vào năm 1983. Còn bài hát Khúc ca đảo gió được ông sáng tác năm 2003 khi có dịp ra thăm các chiến sĩ biên phòng ở đảo Bích Đầm (TP. Nha Trang). Ca khúc này đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi sáng tác ca khúc về hình ảnh người chiến sĩ biên phòng.


Sáng tác 18 ca khúc về Bác Hồ


Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu gắn liền với các chủ đề chính: Đảng, Bác Hồ, người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã xuất bản 3 tập ca khúc, gồm: Tôi có một tình yêu (năm 2008), Giọt đàn nghiêng (năm 2013), Những ca khúc về Đảng và Bác Hồ (năm 2016). Trong đó, ấn tượng và thành công hơn cả là 18 ca khúc ông sáng tác về Bác Hồ. “Tôi vinh dự có 3 lần được trực tiếp gặp Bác Hồ. Chính điều này đã hun đúc niềm cảm xúc của cá nhân tôi đối với Bác và cũng là một lợi thế khi tôi viết các ca khúc về Bác”, ông chia sẻ.

 

2 ca khúc Khi tôi hát về Người,  Khúc ca đảo gió.


Những ca khúc viết về Bác Hồ của nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu để lại ấn tượng với giới chuyên môn, cũng như công chúng yêu nhạc như: Khi tôi hát về Người, Nhớ ngày Bác đến thăm, Hương cau quê Bác, Trồng cây - trồng người, Nhớ người thầy xưa, Rừng cây của Bác, Người đánh thức ban mai, Hồi ức về Người… Hầu hết các ca khúc đều có tiết tấu âm nhạc vừa phải, sâu lắng, mang cảm xúc tự hào, thành kính, thiết tha, mong nhớ. Lời của các ca khúc do ông tự sáng tác hay phổ thơ của các tác giả khác đều thể hiện sự dung dị, gần gũi, thân thương trong từng hình ảnh, câu ca để khắc họa bóng dáng của Bác.

 

2 ca khúc Khi tôi hát về Người, Khúc ca đảo gió.

2 ca khúc Khi tôi hát về Người, Khúc ca đảo gió.


Ngoài ra, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu còn có những ca khúc khác được công chúng đón nhận như: Hoa thắm dâng Đảng, Lá thư gửi từ đảo nhỏ, Lời ru của cha, Biển lặng… Nhạc sĩ Hình Phước Long từng nhận xét rằng: Ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu đề cập đến nhiều đề tài khác nhau, từ đề tài về Đảng, Bác Hồ, quân đội đến quê hương và cả tình yêu đôi lứa. Cho dù sáng tác về đề tài nào thì cái chủ thể người lính Cụ Hồ, cái tôi của tác giả cũng hiện lên rất rõ. Ca từ trong các tác phẩm của ông dung dị, mộc mạc và trong sáng…


Cuộc đời nghệ thuật của nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu thầm lặng, trầm tĩnh và chuẩn mực. Đó cũng chính là điều làm cho mọi người yêu mến ông.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu sinh năm 1938 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là đảng viên 57 năm tuổi Đảng. Ông từng đạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật của Trung ương và tỉnh Khánh Hòa. Ngoài sáng tác âm nhạc, ông còn sáng tác thơ Haikư và là hội viên Câu lạc bộ thơ Haikư Nhật - Việt.


Giang Đình