Đã rất nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ gần như y nguyên truyện ngắn Cái Tết của mèo con (nhà văn Nguyễn Đình Thi) in trong phần đọc thêm của sách Văn học lớp 6 thập niên 90. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, trong tôi lại hiện lên hình ảnh chú mèo con tinh nghịch nhưng rất dũng cảm, đã đánh thắng đám chuột xấu xa bảo vệ sự yên bình của nhà bếp.
Đã rất nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ gần như y nguyên truyện ngắn Cái Tết của mèo con (nhà văn Nguyễn Đình Thi) in trong phần đọc thêm của sách Văn học lớp 6 thập niên 90. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, trong tôi lại hiện lên hình ảnh chú mèo con tinh nghịch nhưng rất dũng cảm, đã đánh thắng đám chuột xấu xa bảo vệ sự yên bình của nhà bếp.
Cái Tết của mèo con mở đầu bằng chi tiết, bà đi chợ về mua cho cháu gái con Miu - một chú mèo con lông trắng bé bỏng! Từ chú mèo con yếu bóng vía run bần bật khi nhìn thấy Chuột Cống, Miu đã vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để đánh bại Hổ Mang và Chuột Cống gian manh, bảo vệ sự yên bình của nhà bếp nơi có những nồi cá kho thơm lừng để cả nhà ăn Tết. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã dày công sáng tạo nên những nhân vật rất độc đáo. Ở đó, có bác Nồi Đồng cam chịu, Chị Chổi nhút nhát trước sức mạnh của Chuột Cống nhưng lại có Cóc Tía nhỏ bé nhưng rất gan dạ… Và chính sự gan dạ của Cóc Tía đã khích lệ, mèo con dũng cảm chống lại những kẻ gian ác như rắn Hổ Mang, Chuột Cống. Những màn trò chuyện, đối đáp giữa Miu và bác Nồi Đồng, Chị Chổi, Cóc Tía, Gà Mái… và Chuột Cống rất sinh động, ngộ nghĩnh làm sống dậy cả thế giới loài vật, đồ vật quanh ta.
Theo lời nhà văn Nguyễn Đình Chính - con trai cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, cha ông viết câu chuyện này trong vỏn vẹn có 2 ngày khi về thăm mẹ và các con ở Hải Phòng năm 1961. Đó cũng là lần hiếm hoi ông được ăn Tết bên con thơ. Sau khi viết xong, ông đã đọc cho các con nghe, cả nhà nhận ra khung cảnh của ngôi nhà mình với những mèo con, nồi đồng, cây cau, đàn chuột… Vài tháng sau, Cái Tết của mèo con được NXB Kim Đồng xuất bản lần đầu tiên. Sau đó, tác phẩm còn được họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ minh họa, chuyển thể thành truyện tranh; đến năm 1965 chuyển thể thành phim hoạt hình đen trắng với tựa Mèo con.
Phải hơn 30 năm sau khi truyện ngắn ra đời, vào thập niên 90 tôi mới được đọc Cái Tết của mèo con. Lần đầu tiên đọc truyện, tôi đã run lên vì hồi hộp, dõi theo cuộc chiến của Mèo Con với Chuột Cống, để rồi vỡ òa cảm xúc khi Chuột Cống bị giáng những đòn chí tử. Và cũng không ít lần, tôi đã bật cười trước những màn hát múa của đám chuột khi lọt vào nhà bếp.
Chúng ta là họ nhà chuột
Đuôi chúng ta dài, răng nhọn hoắt
Cá thịt hay thóc lúa ngô khoai,
Họ Chuột ta đây đều ăn tuốt!
Ha ha! Chít chít! Ăn tuốt! Ăn tuốt!
Chúng ta chỉ thích đi ăn đêm
Hễ người ngủ là chuột chui lên
Không phải làm mà tha hồ chén
Cái đời ăn vụng sướng hơn tiên!
Còn nhớ, hồi ấy, lớp học của chúng tôi đã lấy truyện ngắn Cái Tết của mèo con làm hoạt cảnh sân khấu để dự dạ hội văn nghệ của trường. Những đứa trẻ quê mùa đã hóa trang thành lũ chuột, co chân nhảy lò cò vòng quanh hát những bài hát nhà chuột như trẻ con hát đồng dao.
Bao nhiêu năm đã qua, tôi vẫn thích Cái Tết của mèo con. Bởi đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện cái thiện chiến thắng cái ác mà còn là bài học về sự can đảm, dám đương đầu với số phận. Không ai sinh ra đã là kẻ mạnh, nhưng mỗi người có thể chống lại những bất công bằng cách cố gắng, nỗ lực hết mình. Cái Tết của mèo con đã gắn bó với bao thế hệ trẻ Việt Nam, và cho đến ngày nay vẫn là một tác phẩm tuyệt hay để kể cho các con nghe hàng đêm, nhất là trong những ngày giáp Tết! Cách đây vài năm, Công ty sách Đông A và Nhà xuất bản Văn học đã thực hiện cuốn sách tranh Cái Tết của mèo con. Những nhân vật như cô chủ Bống, bé Mèo Con, lão Chuột Cống, bác Nồi Đồng, cô Chổi Rơm… một lần nữa được tái sinh qua những nét vẽ đáng yêu, nhí nhảnh. Tôi đã mua tặng con trai của mình cuốn sách ấy thay cho quà tặng năm mới! Và tôi hy vọng sau này, con trai của tôi cũng sẽ mạnh mẽ như chú mèo con trong thiên truyện ngắn tuyệt hay của nhà văn Nguyễn Đình Thi!.
THÀNH NGUYỄN