09:12, 23/12/2022

Ruồi Trâu - Cuốn sách gối đầu giường của một thế hệ

Nhà xuất bản Văn học vừa tái bản tiểu thuyết Ruồi trâu của nữ sĩ người Anh Ethel Lilian Voynich (1864- 1960). Cuốn sách được yêu thích ngay từ khi vừa xuất bản năm 1897, và là cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thanh niên trên thế giới. 
 

Nhà xuất bản Văn học vừa tái bản tiểu thuyết Ruồi trâu của nữ sĩ người Anh Ethel Lilian Voynich (1864- 1960). Cuốn sách được yêu thích ngay từ khi vừa xuất bản năm 1897, và là cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thanh niên trên thế giới. 
 
Cuốn tiểu thuyết gần 600 trang xoay quanh mối quan hệ giữa chàng trai Arthur với đức Hồng y Montaneli. Anh tham gia tổ chức bí mật Nước Ý trẻ cùng các bạn sinh viên, đấu tranh cho nền Cộng hòa và anh có tình yêu đặc biệt với Gemma, nhưng Gemma lại theo tôn giáo khác với anh. Sau một lần xưng tội với một linh mục, ông này lại là tay sai của đế quốc Áo, Arthur và nhóm của anh đã bị bắt giữ. Cùng lúc đó, anh đã biết được sự thật: Anh chính là đứa con ngoài giá thú của Hồng y Montaneli. Sự thật biết được quả là đau đớn: anh ta bị cha của mình lừa, giáo hội lừa, Gemma thì nghi ngờ... Sau khi được thả ra, anh đã bắt đầu một cuộc sống mới, lưu lạc qua Nam Mỹ, gặp nhiều hiểm nguy, nỗi bất hạnh, cay đắng và trở thành một người khác có cá tính mạnh mẽ, sắc sảo hơn với tên Rivarez có bí danh là Ruồi trâu. Anh đã trở lại nước Ý để phục thù những gì đã lừa dối anh, ngoại trừ cha mình. 
 
Cuốn sách như một bài ca về cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa người cha và đứa con ngoài giá thú của ông. Hai con người này đại diện cho hai thế giới hoàn toàn đối lập nhau về lý tưởng sống, về chính trị và tôn giáo. Đến những giây phút cuối cùng, họ vẫn cố giữ niềm tin mà mỗi người đã lựa chọn, từ bỏ tiếng gọi của tình cảm ruột thịt để đi theo tiếng gọi của lý trí. Vượt lên trên cái chết, Ruồi trâu cảm thấy thanh thản vì đã được sống, chiến đấu và chết vì những lý tưởng, hoài bão cao đẹp mà cả cuộc đời anh đã theo đuổi cống hiến.
 
Khi được dịch và xuất bản ở Nga vào năm 1898, tác phẩm này đã lập tức gây được tiếng vang, đặc biệt là sau Cách mạng Tháng Mười. Tiểu thuyết là cuốn sách bán chạy nhất ở Liên Xô khi đó và cũng rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Nhiều thế hệ thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa đã lớn lên dưới ảnh hưởng của tác phẩm này và tinh thần khắc kỷ của nhân vật chính - Arthur bí danh “Ruồi trâu”, chàng thanh niên đã hiến dâng cả cuộc đời, hy sinh tất cả tình cảm riêng tư cho lý tưởng cách mạng.
 
Một thế hệ thanh niên miền Bắc thập kỷ 1960 - 1970 đã đọc và học theo tinh thần của Ruồi trâu. Trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm có rất nhiều đoạn nhắc đến nhân vật này: “Những ngày nằm dưới công sự, mình đã kể cho Khiêm nghe về Paven và Ruồi trâu, về những bài thơ mà mình yêu thích… (14-8-68)” hay “Đừng để tình cảm chỉ đạo cuộc sống, phải như Paven, như Ruồi trâu… nhất định phải như vậy (8-3-1970)”. Có thể nói, cuốn Ruồi trâu cùng với Thép đã tôi thế đấy của N. Ôxtrôpsky chính là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao cho một thế hệ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Một thế hệ thanh niên đã dám hiến dâng cả cuộc sống cho lý tưởng cách mạng.
 
Thủy Ngân