Những năm qua, công tác củng cố, xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, để có sự phát triển đồng bộ, quy mô, hiệu quả hơn cần những hoạch định mang tầm chiến lược.
Những năm qua, công tác củng cố, xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, để có sự phát triển đồng bộ, quy mô, hiệu quả hơn cần những hoạch định mang tầm chiến lược.
Cơ bản đáp ứng nhu cầu
Những năm gần đây, xã Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa) đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế VHTT hiện có; đồng thời đầu tư xây dựng một số công trình mới nhằm chăm lo đời sống tinh thần, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Cụ thể, xã đã quy hoạch quỹ đất dành cho VHTT cấp xã và tại 8 thôn với tổng diện tích 51.407m2. Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 sân bóng đá, 1 khu vui chơi dành cho thiếu nhi, 8 sân bóng chuyền, 12 sân cầu lông, 14 sân tập dưỡng sinh. UBND xã đã xây dựng Trung tâm VHTT xã đạt chuẩn nông thôn mới, với diện tích 21.292m2; 8 nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn nông thôn mới ở 8 thôn.
Theo ông Lương Ngọc Việt - Chủ tịch UBND xã Ninh Bình, hệ thống thiết chế VHTT hiện có của địa phương đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ em, sinh hoạt VHTT của người dân. Ngoài ra, việc xây dựng các nhà văn hóa - khu thể thao thôn đã phục vụ tốt cho việc hội họp, hội nghị, tọa đàm, biểu diễn văn nghệ, tập luyện thể dục, thể thao… Từ đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở các thôn và trong toàn xã.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm văn hóa - điện ảnh cấp tỉnh; 8 trung tâm VHTT cấp huyện; 91/136 xã, phường, thị trấn có trung tâm VHTT cấp xã; 593/968 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; khoảng 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke,1 bảo tàng tư nhân. Ngoài ra, sự phát triển của hệ thống thiết chế văn hóa thuộc các đơn vị quân đội, trường học, doanh nghiệp, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... đã tạo thành vệ tinh xung quanh ngành Văn hóa, góp phần tạo sân chơi đa dạng cho các tầng lớp nhân dân.
Tầm nhìn chiến lược
Nhìn chung, hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn tỉnh đã được định hình và phát huy các công năng sử dụng, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí của nhân dân. Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu nên nhiều điểm đã xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức các hoạt động VHTT có quy mô lớn. Cùng với đó, việc xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế VHTT chưa có cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút nguồn lực; nguồn kinh phí dành cho các hoạt động đầu tư xây dựng thiết chế VHTT còn gặp nhiều khó khăn; phương án quy hoạch, xây dựng ban đầu chưa tính đến việc xây dựng các cơ sở vui chơi, thiết chế VHTT nên việc bổ sung sau này khó khả thi vì quỹ đất không còn. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển hoạt động văn hóa, thể thao ở tỉnh chưa tạo ra được đột phá để hấp dẫn đầu tư…
Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Giám đốc Sở VHTT, để hoàn thành các mục tiêu phát triển VHTT trong tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, cần thiết phải đưa vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch TP. Nha Trang để đầu tư, xây dựng một số công trình tại vị trí mới, có quy mô lớn để có thể tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Hiện nay, Sở VHTT đang tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án từ ngân sách nhà nước, gồm: Bảo tàng tỉnh; Thư viện tỉnh theo mô hình thư viện số và thư viện tự động hóa; Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật; Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh; ứng dụng công nghệ số trưng bày, quảng bá tiềm năng, giá trị di sản văn hóa Khánh Hòa tại Bảo tàng tỉnh; Bảo tàng Trường Sa; Bảo tàng Yersin; Khu Liên hợp thể thao tỉnh. Ngoài hệ thống thiết chế VHTT đang được xem xét đầu tư nói trên, tại Khu đô thị mới Cam Lâm và Khu Kinh tế Vân Phong đã quy hoạch, mời gọi các hạng mục đầu tư thiết chế VHTT hiện đại, quy mô lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Đây có thể xem là cơ sở để tạo điều kiện hình thành, phát triển trung tâm thể thao giải trí với các bộ môn thể thao trên không, thể thao dưới nước, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Có thể thấy, nội dung đề xuất của Sở VHTT cũng là những công trình trọng điểm của ngành nhằm tương xứng với sự phát triển của tỉnh khi trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030; phù hợp với nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở VHTT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hệ thống thiết chế VHTT do Tỉnh đoàn, huyện đoàn quản lý có Nhà Thiếu nhi tỉnh, 6 nhà thiếu nhi cấp huyện. Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý có: Nhà Văn hóa lao động; Trung tâm VHTT công nhân ở Khu Công nghiệp Suối Dầu; Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma; Nhà thi đấu thể thao đa năng… Trên địa bàn TP. Nha Trang, hệ thống cơ sở văn hóa được xây dựng từ kinh phí xã hội hóa có 5 rạp chiếu phim với quy mô từ 200 đến 300 chỗ ngồi; 1 nhà hát; 1 địa điểm biểu diễn nghệ thuật sân khấu thực cảnh. |
Giang Đình