Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành cuốn sách "Những bức di thư Thành cổ" do nhà báo - cựu chiến binh Lê Bá Dương biên soạn. Trong đó, có những bức thư, thậm chí là đoạn thư được viết vội giữa thời khắc nghẹt thở của chiến tranh để kịp gửi cho những đồng đội bị thương chuyển về phía sau; hay chưa kịp gửi, sau này được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ… Tất cả trở thành những thông điệp đầy chất lửa truyền cho thế hệ mai sau.
Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành cuốn sách “Những bức di thư Thành cổ” do nhà báo - cựu chiến binh Lê Bá Dương biên soạn. Trong đó, có những bức thư, thậm chí là đoạn thư được viết vội giữa thời khắc nghẹt thở của chiến tranh để kịp gửi cho những đồng đội bị thương chuyển về phía sau; hay chưa kịp gửi, sau này được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ… Tất cả trở thành những thông điệp đầy chất lửa truyền cho thế hệ mai sau.
Nhà báo Lê Bá Dương bày tỏ, ông biên soạn cuốn sách này để các thế hệ hôm nay và mai sau biết về tâm tư, tình cảm của những người lính Thành cổ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cũng như tình cảm của người thân các chiến sĩ trong thời kỳ binh lửa đó - cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Những dòng thư níu anh sống tiếp từng ngày
- Trong số di thư được tìm thấy ở Thành cổ Quảng Trị, bức thư nào có số phận “đặc biệt” mà ông muốn giới thiệu nhất với bạn đọc?
- Đầu tháng 5-1999, trong hành trình hương hoa thường niên cho đồng đội tại Quảng Trị, khi về đến Thành cổ, tôi được anh chị em trông coi di tích báo tin công nhân đào hào lắp đặt hệ thống cấp thoát nước vừa phát hiện một hầm có hài cốt bộ đội. Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến nơi, thấy mọi người đang mở rộng diện tìm kiếm sau khi lần lượt đưa 5 bộ hài cốt lên từng tấm vải đỏ. Tôi đặc biệt chú ý đến một bộ hài cốt có kèm theo một chiếc xắc cốt, trong đó có một bọc nhựa gói một cuốn sổ tay đảng viên, 3 lá thư và một cuốn nhật ký ghi chép của Đại úy Lê Binh Chủng, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị.
Sau 28 năm nằm sâu trong lòng đất, nhiều trang giấy đã dính vào nhau, khó khăn lắm mọi người mới tách ra được một số trang thư và những trang nhật ký để đọc. Phần đầu cuốn sổ là những thông tin về hoạt động của đơn vị, nhưng đến những trang cuối bất ngờ thành nhật ký cá nhân ghi lại những điều diễn ra trong những ngày cuối cùng của những người lính trong căn hầm nhỏ dưới chân Thành cổ. Tiếc thay, tháng 11-1999, Quảng Trị cùng nhiều tỉnh miền Trung ngập chìm trong đại hồng thủy, những trang thư, nhật ký đó cùng với hiện vật được lưu giữ trong bảo tàng Thành cổ đã bị nước lũ hủy hoại thêm, chỉ còn nhận dạng được mấy trang trong số những trang mà tôi đã từng tiếp xúc, đọc vội trong cái ngày đặc biệt mà tôi không bao giờ quên!
- Bức thư - nhật ký ấy kể lại những gì, thưa ông?
- Đó là một chiều mưa dầm đầu tháng 8-1972, một trái bom từ chiếc AD6 của địch đã làm sập hẳn một góc tường thành, vùi sâu chiếc hầm của 5 người lính. Tình thế ngặt nghèo, người trong hầm có thể nghe rõ tiếng đồng đội gọi tìm từ bên ngoài, nhưng dường như những người lính bên ngoài không thể nghe thấy tiếng gọi cấp cứu của đồng đội trong hầm. 5 người lính rồi cũng nhận thức được tình thế vô vọng của mình, đành ngồi đếm trừ từng thời khắc còn lại của cuộc đời. Cứ vậy, những người lính lả dần trong đói khát, thiếu dưỡng khí, lần lượt trút hơi thở cuối cùng trên tay đồng đội cũng đang lả dần vì kiệt sức.
Tiểu đoàn phó Lê Binh Chủng là người hy sinh sau cùng và ghi lại những gì diễn ra của 5 con người trong 5 ngày cuối cùng. Không cơm ăn, nước uống, khí thở bị quánh đặc mùi tử khí… Nguồn sinh lực duy nhất giúp anh sống cho đến tận cùng để hoàn tất công việc của một người chỉ huy trong nghiệt cảnh đó chính là những bức thư nồng nàn tình yêu thương và đầy nhiệt huyết cách mạng của người vợ gửi từ hậu phương mà anh nhận trước đó. Ý thức được nguồn sáng của chiếc đèn pin đang yếu dần, mỗi ngày anh chỉ đọc dè dặt từng đoạn trong bức thư. Cứ vậy, những lời yêu thương được người lính nhấm nháp, đủ để nuôi sống anh từng giờ cho đến ngày mai. Và đã có 5 ngày mai như vậy được anh nhận biết qua kim giờ chiếc đồng hồ trên tay. Cho đến ngày thứ 5, chừng như biết mình không thể sống tiếp, anh viết vội những dòng cuối cùng vào trang cuối sổ tay, gói chặt toàn bộ giấy tờ, tài liệu và những trang thư vào bọc ni lông, bỏ vào chiếc xắc cốt, ôm chặt vào lòng rồi ngồi tựa vào vách hầm. Rất có thể anh đã trút hơi thở cuối cùng vào khoảng thời gian không lâu sau đó của “ngày mai” thứ 5 (ngày 7-8-1972), đúng 5 ngày sau khi anh và các đồng đội bị chôn sống trong hầm. Vĩnh viễn anh không thể biết rằng, ngày anh và 4 đồng đội hy sinh lại được ghi trong giấy báo tử gửi về địa phương là ngày 3-8-1972!
“… Con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”
- Trong sách ông viết có những lá thư rất “kỳ lạ và linh thiêng”. Vậy lá thư nào “linh thiêng” nhất trong số những bức di thư Thành cổ mà ông tiếp xúc?
- Tôi đặc biệt ấn tượng với bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết vào tháng 9-1972 trước ngày anh “đi nghiên cứu bí mật của lòng đất” - một cách nói trong tâm thế đón đợi cái chết không thể bình thản hơn của người chiến sĩ gốc nông dân quê lúa Thái Bình. Bức thư viết gần 10 trang sổ tay, mà mỗi người đọc nó phải sững sờ với nhiều tâm trạng khác nhau, khi người viết không chỉ dự báo được cái chết của mình, mà còn mô tả chính xác vị trí nơi mình sẽ được chôn cất, để rồi chỉ dẫn đến từng chi tiết cho vợ và gia đình sau này vào tìm và đưa hài cốt mình về quê. Theo chỉ dẫn đó, sau 30 năm nằm lại trong vườn của một người dân Quảng Trị, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã được gia đình, đồng đội đón về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà. Bức di thư với câu chuyện kỳ lạ và linh thiêng của anh được lưu giữ lại trong Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, không chỉ là kỷ vật sống động của một thời tuổi trẻ hào hùng, những người lính như anh đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho Tổ quốc, mà sâu thẳm hơn thế, những câu chữ thành lời thư điềm đạm, bình thản của người lính như nhắc nhớ một thời đội bom, hứng lửa, vẫn còn đó nhiều đồng đội của anh nằm lại nơi góc vườn, đáy sông Quảng Trị.
Tôi nhớ trong thư, anh nhắn nhủ người mẹ kính yêu của mình “Thôi nhé mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau” - một lời động viên người mẹ già trong cảnh “đầu bạc tiễn đầu xanh”, đồng thời thể hiện lý tưởng, khí tiết làm trai thời chiến. Anh cũng dành cho người vợ ở quê nhà những tình cảm thương yêu tha thiết, chân thành; có những lời căn dặn đầy sự “thấu hiểu”: “Còn em khi nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm… Nhưng anh chỉ mong một điều là em đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như anh còn sống. Anh mong em làm tròn cho linh hồn anh được bay cao ôm ấp trong giấc mơ trìu mến của em…”!
- Đâu là lá thư ngắn nhất, có lửa nhất của những người lính đến chiến trường Thành cổ Quảng Trị ở “mùa hè đỏ lửa” 1972?
- Trong quá trình sưu tập tư liệu, tôi bắt gặp “bức thư” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính. Hồi ấy, anh Tính được lệnh bằng mọi giá thâm nhập đơn vị chủ công trong tuyến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị để ghi lại hình ảnh chiến đấu anh dũng của chiến sĩ Thành cổ. Để chuyển kịp những cuộn phim nóng rực lửa đạn, ngời sáng những nụ cười chiến thắng đó, anh Tính đã để sẵn một bức thư ngắn bên mình gói kèm bọc phim nhựa chưa kịp tráng với vỏn vẹn 41 chữ: “Tôi là Đoàn Công Tính, phóng viên báo Quân đội nhân dân. Nếu tôi hy sinh, xin mang hộ những cuộn phim này về giao cho tòa soạn báo Quân đội nhân dân ở số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội”.
Vâng! Một bức thư rất ngắn, nhưng lại thẫm màu lời di chúc của những người lính trên trận tuyến chiến đấu. Bình thản dự báo về cái chết hoàn toàn có thể đến với mình, nhưng vượt lên mọi sợ hãi, nuối tiếc cuộc sống, là ý thức về nhiệm vụ được giao. Rất may mắn, trong chuyến vượt tuyến bom đạn chuyển tin ảnh đó, phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chỉ bị thương và trở về với những cuộn phim vô giá. Bức thư 41 từ đó hoàn toàn có thể được coi là bức “di thư Thành cổ Quảng Trị” - một bức di thư có lửa đã và đang được truyền lại cho thế hệ mai sau.
- Xin cảm ơn ông!
XUÂN THÀNH (Thực hiện)