Không phát triển mạnh như các thể tài văn học khác, nhưng truyện có yếu tố kinh dị, kỳ ảo cũng đã sớm xuất hiện trên văn đàn Việt từ những năm 1930. Góp phần mang không khí "Halloween Việt" đến với độc giả, mới đây, Nhà Xuất bản Kim Đồng đã giới thiệu bộ sách "Truyện Kinh dị Việt Nam".
Không phát triển mạnh như các thể tài văn học khác, nhưng truyện có yếu tố kinh dị, kỳ ảo cũng đã sớm xuất hiện trên văn đàn Việt từ những năm 1930. Góp phần mang không khí “Halloween Việt” đến với độc giả, mới đây, Nhà Xuất bản Kim Đồng đã giới thiệu bộ sách “Truyện Kinh dị Việt Nam”.
“Truyện đường rừng”, “Vàng và máu”, “Ai hát giữa rừng khuya”… không phải là những tên truyện xa lạ với độc giả yêu văn học Việt, nhưng xếp những tác phẩm ấy vào cùng một giỏ “Truyện kinh dị Việt Nam”, có lẽ, Nhà Xuất bản Kim Đồng là đơn vị tiên phong.
Thực tế cho đến nay, thể tài kỳ ảo, kinh dị chiếm tỷ lệ quá ít ỏi trong dòng chảy văn học Việt. Trên thị trường sách, truyện trinh thám, kinh dị, kỳ ảo đến từ nước ngoài chiếm đa số.
Bởi vậy, với việc cho ra mắt bộ sách “Truyện Kinh dị Việt Nam”, Nhà Xuất bản Kim Đồng mong muốn ngày càng có nhiều tác giả trong nước quan tâm đến đề tài này, và giới thiệu cho độc giả một cách hệ thống về những tác phẩm kinh dị, kỳ ảo nổi tiếng của Việt Nam từ những năm 1930.
Bộ sách “Truyện kinh dị Việt Nam” gồm 7 cuốn sách của 3 nhà văn Thế Lữ, Lan Khai, TchyA. Ra đời cách nay gần một thế kỷ, những tác phẩm này vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn với nhiều thế hệ bạn đọc.
Là cây bút đã kế thừa và sáng tạo các yếu tố hoang đường kỳ ảo của văn học nước ngoài, nhà văn Lan Khai được xem là nhà văn đặt bước chân đầu tiên vào thế giới “rừng thiêng” hoang vu, bí mật với “Chuyện lạ đường rừng” thu hút nhiều bạn đọc bấy giờ.
“Chuyện lạ đường rừng” sau được tuyển lại trong tập “Truyện đường rừng” gồm 9 câu chuyện tiêu biểu: “Người Lạ”, “Ma thuồng luồng”, “Con thuồng luồng nhà họ Ma”, “Con bò dưới Thủy tề”, “Đôi vịt con”, “Mũi tên dẹp loạn”, “Người hóa Hổ”, “Tiền mất lực”, “Gò Thần”.
Góp mặt vào bộ sách “Truyện kinh dị Việt Nam”, Thế Lữ, tác giả của nhiều bộ tiểu thuyết trinh thám sớm nhất mà cũng đặc sắc nhất có 3 đầu sách: “Vàng và máu”, “Ba hồi kinh dị”, “Bên đường Thiên Lôi”.
Nếu “Ba hồi kinh dị” là tập văn phẩm đầu tiên của Thế Lữ với ba đoản thiên được viết đơn giản mà chính tác giả gọi là vụng dại và đã phải viết lại thành những tác phẩm mới; thì “Vàng và máu” nổi tiếng với những truyện “không ghê gớm tuy vẫn làm cho ta phải rùng mình”, không huyền hoặc nhưng vẫn cho độc giả “có cái cảm giác như sống trong một thế giới thần tiên, ma quỷ”. Còn “Bên đường Thiên lôi” là tập truyện ngắn kinh dị pha lẫn trinh thám rất tiêu biểu cho phong cách của Thế Lữ.
Cũng có 3 đầu sách trong bộ “Truyện Kinh dị Việt Nam” là TchyA - tác giả của rất nhiều truyện truyền kỳ kinh dị mang phong cách liêu trai. Đó là với 3 cuốn “Ai hát giữa rừng khuya”, “Thần hổ”, “Kho vàng Sầm Sơn”. Trong đó, “Ai hát giữa rừng khuya” là tiểu thuyết kinh dị nổi bật của TchyA, cũng là một trong những tác phẩm văn học kinh dị nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Theo Hà Nội Mới