09:07, 08/07/2022

Hội thảo về Đề đốc Trịnh Phong: Bổ sung nhiều thông tin liên quan

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Bảo tồn di sản văn hóa và du lịch tâm linh tỉnh tổ chức hội thảo Đề đốc Trịnh Phong - Thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa. Qua hội thảo đã cung cấp, bổ sung nhiều thông tin liên quan đến Đề đốc Trịnh Phong và phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa.

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Bảo tồn di sản văn hóa và du lịch tâm linh tỉnh tổ chức hội thảo Đề đốc Trịnh Phong - Thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa. Qua hội thảo đã cung cấp, bổ sung nhiều thông tin liên quan đến Đề đốc Trịnh Phong và phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa.


Nhiều thông tin cần làm rõ


Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Đề đốc Trịnh Phong là một nhân vật lịch sử đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân Khánh Hòa từ xưa đến nay. Nhưng những thông tin liên quan đến cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của ông và phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ. Thông qua hội thảo hy vọng sẽ cung cấp, bổ sung những kiến thức liên quan đến Đề đốc Trịnh Phong và phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa được rõ ràng hơn.

 

Ông Đinh Văn Thiệu xem các hình ảnh về phong trào Cần Vương được giới thiệu tại hội thảo.
Ông Đinh Văn Thiệu xem các hình ảnh về phong trào Cần Vương được giới thiệu tại hội thảo.


Đến nay, những thông tin, tài liệu viết về Đề đốc Trịnh Phong vẫn còn quá ít và mức độ chính xác còn thấp, chưa thể thống nhất được về quê quán, thân nhân, năm sinh, nhân dạng… của ông. “Cho đến nay, thủ lĩnh Trịnh Phong - người được các văn thân, sĩ phu, nghĩa quân tôn vinh là Bình Tây đại tướng lại chưa được nhiều người biết đến. Tên tuổi của ông chỉ được nhắc tới rất sơ lược trong tác phẩm Xứ Trầm hương của Quách Tấn, Non nước Khánh Hòa của Nguyễn Đình Tư, Lịch sử Việt Nam (tập 6) từ 1858-1896, cùng một số bài viết của các tác giả khác”, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết.


Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thưởng - Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Phú Yên), từ sự xâu chuỗi các sự kiện, tài liệu, thông tin liên quan, có thể xác định nhân vật Trịnh Phong sinh năm 1847, tại làng Phú Vinh, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương (nay thuộc xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang). Ông là người có tố chất thông minh, lớn lên trong gia đình có truyền thống võ nghệ… Sau khi thủ lĩnh Trịnh Phong bị bắt, giặc Pháp đã xử chém ông vào ngày 11-9-1886, tại khu vực Hòn Khói (Ninh Hòa).


Tiến sĩ Lưu Anh Rô - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng cho biết, trong các công trình đã công bố từ năm 1969 trở về trước, khi nhắc tới văn thân, sĩ phu chống Pháp thì không có nhắc tới ai tên là Trịnh Phong. Tuy nhiên, có một tài liệu đề cập đến một vị lãnh đạo văn thân Khánh Hòa trong phong trào Cần Vương được ghi là “De Thau”. Thiết nghĩ, chúng ta cần tìm hiểu thêm về tên chính thức của cụ Trịnh Phong, cũng như tra cứu kỹ hơn tài liệu châu bản triều Nguyễn trong giai đoạn đó.  


Tiếp tục có những cách thức vinh danh


Theo ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, từ trước đến nay, người dân Khánh Hòa đã có những hình thức tôn vinh Đề đốc Trịnh Phong như: Lập miếu thờ, tôn tạo lăng mộ, đặt tên đường, đặt tên trường… Sau cuộc hội thảo, ban tổ chức cần chỉnh lý tập kỷ yếu để xuất bản thành sách nhằm phổ biến rộng hơn đến người dân, nhất là học sinh. Bên cạnh đó, địa phương cần tiếp tục có những sự vinh danh, ghi dấu ấn về Đề đốc Trịnh Phong, các nghĩa sĩ của phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa trong đời sống hôm nay. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ có sự đề xuất để điều chỉnh, bổ sung nội dung về Đề đốc Trịnh Phong vào phần Biên niên cận đại của bộ Lịch sử Việt Nam.  


Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đức Cường cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh và thị xã Ninh Hòa nên nghiên cứu việc xây dựng bia tưởng niệm hoặc đền thờ Đề đốc Trịnh Phong ở khu vực Hòn Khói. Những địa điểm gắn liền với các trận đánh của nghĩa quân Cần Vương trên địa bàn tỉnh cũng nên dựng các bia lưu niệm sự kiện để góp phần giới thiệu, giáo dục truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm đến thế hệ hôm nay và mai sau. Việc nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Đề đốc Trịnh Phong cần phải được tiếp tục thông qua tìm hiểu tư liệu tại các thư viện trong và ngoài nước; các kho dữ liệu quốc gia. Ngành giáo dục cần đưa các chủ đề, bài học về Đề đốc Trịnh Phong và phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa vào giảng dạy tại các trường trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ đề xuất với UBND TP. Hà Nội đặt tên một con đường ở thủ đô mang tên Trịnh Phong, như một số lãnh tụ phong trào Cần Vương khác.


Theo ban tổ chức hội thảo, những thông tin, tư liệu được các đại biểu cung cấp tại hội thảo sẽ được tập hợp và đi đến thống nhất về một số vấn đề liên quan. Cùng với đó, vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu về Đề đốc Trịnh Phong và phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa vẫn sẽ được tiếp tục.

 

Ngày 13-7-1885, tại sơn phòng Tân Sở (tỉnh Quảng Trị), nhà vua Hàm Nghi đã ban chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy giúp vua chống Pháp, giành độc lập. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, phong trào Cần Vương phát triển rộng khắp cả nước trong suốt 11 năm (1885-1896). Tại Khánh Hòa, những văn thân, sĩ phu, chí sĩ, dân binh như: Trịnh Phong, Lê Nghị, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Phạm Chánh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương, Nguyễn Sum, Phạm Long, Tú tài Nguyễn Trung Mưu… đã cùng nhau đứng lên ứng nghĩa. Trong đó, Đề đốc Trịnh Phong được nghĩa quân và nhân dân tôn làm thủ lĩnh. Trong suốt thời gian từ tháng 8-1885 đến cuối năm 1886, nghĩa quân của Đề đốc Trịnh Phong đã có nhiều trận đánh oanh liệt với quân Pháp và tạo được tiếng vang trong lòng dân chúng. Tuy nhiên, trước thế mạnh của quân Pháp, cùng sự suy yếu của nghĩa quân nên phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa đã bị dập tắt chỉ sau hơn 1 năm. Nhân dân Khánh Hòa đã suy tôn Đề đốc Trịnh Phong cùng với Trần Đường, Nguyễn Khanh là: Khánh Hòa tam kiệt.


Giang Đình