11:07, 12/07/2022

Dấu tích Hội Nam Trung nghĩa sĩ ở Khánh Hòa

Cách đây 157 năm, những người yêu nước ở lục tỉnh Nam Kỳ đã tập hợp thành lập Hội Nam Trung nghĩa sĩ và có mặt tại vùng đất Khánh Hòa để mưu cầu việc lớn. Dấu tích về tổ chức này vẫn còn ở TP. Nha Trang, thế nhưng đến nay không nhiều người biết đến.

Cách đây 157 năm, những người yêu nước ở lục tỉnh Nam Kỳ đã tập hợp thành lập Hội Nam Trung nghĩa sĩ và có mặt tại vùng đất Khánh Hòa để mưu cầu việc lớn. Dấu tích về tổ chức này vẫn còn ở TP. Nha Trang, thế nhưng đến nay không nhiều người biết đến.


Nghĩa sĩ của Trương Định


Mới đây, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thưởng - Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Phú Yên cho biết thông tin về mối liên lạc giữa Đề đốc Trịnh Phong với Hội Nam Trung nghĩa sĩ. Theo đó, khoảng tháng 8-1864, sau một thời gian dài dấy binh đánh Pháp, Bình Tây Đại tướng Trương Định đã hy sinh. Năm 1865, những nghĩa sĩ dưới trướng của ông không cam chịu sống cùng quân giặc nên đã thành lập Hội Nam Trung nghĩa sĩ. Năm 1866, các phân hội của Hội Nam Trung nghĩa sĩ vượt biển đi ra các tỉnh miền Trung, trong đó có Khánh Hòa và lập ra xứ Đồng Châu (cùng quê). Hội sở chính xứ Đồng Châu của Hội Nam Trung nghĩa sĩ ở Vĩnh Xương (TP. Nha Trang ngày nay) do Trương Quang Nghị - Tham tán quân vụ của Trương Định làm hội trưởng.

 

Cảnh nghĩa quân Cần Vương ở Khánh Hòa chiến đấu với quân giặc trong vở tuồng Trịnh Phong. Ảnh minh họa

Cảnh nghĩa quân Cần Vương ở Khánh Hòa chiến đấu với quân giặc trong vở tuồng Trịnh Phong. Ảnh minh họa


Sự tồn tại của Hội Nam Trung nghĩa sĩ ở Khánh Hòa nhận được sự giúp đỡ của người dân, cũng như sự che chở của một số quan lại nhà Nguyễn ở địa phương như Điển nông sứ Phan Trung, Án sát Nguyễn Thông, Tuần vũ Trịnh Hữu Thể… Trong thời gian hoạt động của Hội Nam Trung nghĩa sĩ ở Vĩnh Xương (1866 - 1885), các thành viên của hội đã khai phá vùng đất ở phường Phương Sơn, Phước Hải và xã Vĩnh Thái ngày nay. Một mặt, hội vừa tích cực sản xuất ổn định cuộc sống, mặt khác âm thầm tập luyện võ nghệ, tích trữ vật lực để chờ thời trở về quê hương Nam Kỳ chiến đấu chống giặc. Từ năm 1883, khi phái chủ chiến trong triều đình nhà Nguyễn mạnh lên, hoạt động của Hội Nam Trung nghĩa sĩ ở các địa phương cũng tích cực hơn. Nhận thấy đây là tổ chức hội nguy hiểm nên thực dân Pháp quyết tâm triệt hạ. Hội Nam Trung nghĩa sĩ ở Khánh Hòa bị 6 đồn binh của Pháp bao vây, hoạt động của hội vì thế dần lắng xuống.


Dưới cờ Cần Vương


Sau khi bị giải tán, nhờ sự can thiệp của quan lại địa phương với thực dân Pháp nên Hội Nam Trung nghĩa sĩ được sử dụng một phần đất nhỏ vào việc thờ tự. Năm 1966, đại diện 22 gia phái trong hội thống nhất bán một số ruộng đất lấy tiền xây nhà ở số 119 (số mới 221) đường 23-10, TP. Nha Trang để làm Nam Trung từ đường. Hiện nay, ngôi nhà này vẫn còn, nhưng trong tình trạng bị bỏ hoang. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, trong 19 năm ở Khánh Hòa, sự có mặt của những người yêu nước trong Hội Nam Trung nghĩa sĩ đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước của người dân nơi đây, cũng như làm thay đổi diện mạo vùng đất vừa khai phá. Khi bị thực dân Pháp giải tán, một số nghĩa sĩ của hội ở Khánh Hòa từ chỗ chờ thời đánh giặc đã chuyển qua hưởng ứng phong trào Cần Vương. Có những người tham gia vào bộ chỉ huy của nghĩa quân như: Nguyễn Bá Trinh, Phạm Chí Long, Phan Bá Hùng, Trần Bá Cang, Võ Bá Thời…


Không chỉ chung sức gánh vác trọng trách chống giặc Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương, các nghĩa sĩ của hội còn truyền đi tinh thần chiến đấu kiên cường của những người con Nam Bộ. Những tấm gương vì nước của Hội Nam Trung nghĩa sĩ được người đời sau suy tôn “Ngũ Bá” (Bá Hùng, Bá Trinh, Bá Long, Bá Cang, Bá Thời), “Tam Hùng” (Hùng Nghị, Hùng Duy, Hùng Phan). Chỉ trong 1 năm, phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, có một phần đóng góp của Hội Nam Trung nghĩa sĩ. Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, điều đáng tiếc hiện nay là những thông tin, tài liệu về Hội Nam Trung nghĩa sĩ ở Khánh Hòa không nhiều. Những tài liệu được biên dịch trước đây cũng thất thoát, ngay cả gia phả dòng họ các tướng lĩnh cũng thất lạc khó tìm. Thiết nghĩ, rất cần sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà sử học để có thể làm rõ hơn vai trò của Hội Nam Trung nghĩa sĩ. Từ đó, có cơ sở để thực hiện các hoạt động tri ân, vinh danh những nghĩa sĩ yêu nước đã hy sinh cho vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa.


Giang Đình