Không đơn thuần là một buổi ngoại khóa, hoạt động tìm hiểu di sản văn hóa do Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh phối hợp với các trường học tổ chức đã mang đến cho học sinh những trải nghiệm quý giá. Từ đây, các em thêm hiểu, thêm quý trọng những giá trị, nét đẹp văn hóa của quê hương, đất nước.
Không đơn thuần là một buổi ngoại khóa, hoạt động tìm hiểu di sản văn hóa do Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh phối hợp với các trường học tổ chức đã mang đến cho học sinh (HS) những trải nghiệm quý giá. Từ đây, các em thêm hiểu, thêm quý trọng những giá trị, nét đẹp văn hóa của quê hương, đất nước.
Chơi mà học
Những ngày qua, khuôn viên Khu di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng trở nên sôi động với sự xuất hiện của nhiều HS của các trường học trên địa bàn tỉnh. Cùng tham gia 1 ngày hoạt động tìm hiểu di sản văn hóa của HS Trường THCS Cao Bá Quát (TP. Nha Trang), chúng tôi càng thấy rõ ý nghĩa của việc làm này khi tạo ra khoảng thời gian chơi mà học đầy thú vị cho các em. Tại di tích Tháp Bà Ponagar, sau khi được nghe thuyết minh, giới thiệu những nét chính về di tích, một số em đã ghi chép cẩn thận và tự tin đứng lên giới thiệu lại cho bạn bè, thầy cô về lịch sử, đặc điểm của di tích này. “Em đã được tham quan di tích Tháp Bà Ponagar một vài lần. Khu di tích được xây dựng rất độc đáo. Hôm nay, được nghe thuyết minh viên giới thiệu về lịch sử hình thành, các truyền thuyết liên quan đến di tích, em càng thấy rõ hơn ý nghĩa, giá trị văn hóa truyền thống của di tích này”, em Thiên Duyên - HS lớp 6/1 cho biết.
Không chỉ được trải nghiệm thử làm thuyết minh viên, các em còn được các nhạc công, diễn viên múa người Chăm hướng dẫn những động tác múa cơ bản, cách sử dụng một số nhạc cụ truyền thống; hóa thân thành những vũ công múa dân gian Chăm, hoặc đánh trống ghi năng, trống paranưng, thổi kèn saranai. Các HS còn được xem cách thức dệt thổ cẩm của đồng bào và thử dệt nên những họa tiết trên tấm vải. Ở danh thắng Hòn Chồng, các em được xem biểu diễn nhạc cụ dân tộc; nghe giới thiệu và sử dụng từng loại nhạc cụ độc đáo như: Đàn đá, đàn klông put, đàn t’rưng; thưởng thức nghệ thuật bài chòi dân gian thông qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.
Sự kết nối ý nghĩa
Hoạt động tìm hiểu di sản văn hóa nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và nâng cao nhận thức của HS, sinh viên về bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Qua đó, giúp HS, sinh viên có những trải nghiệm thực tế về nghệ thuật dân gian truyền thống, tham gia trực tiếp vào công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa bằng những hoạt động thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, Trung tâm đã ban hành kế hoạch tổ chức cho HS ở các trường trên địa bàn tỉnh tìm hiểu di sản văn hóa ở di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng rồi gửi về các địa phương, trường học để đăng ký HS tham gia. Để khuyến khích các trường, trung tâm còn hỗ trợ kinh phí, phương tiện đưa đón HS; xây dựng những kịch bản, chương trình trải nghiệm phù hợp với yêu cầu của các trường. Lực lượng thuyết minh viên của đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp đón tiếp, hướng dẫn, thực hiện các nội dung cụ thể của kế hoạch đối với HS, giáo viên của từng trường.
Được chính thức diễn ra từ ngày 7-4, đến nay, đã có hơn 270 HS của 4 trường THCS ở huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang tham gia hoạt động tìm hiểu di sản văn hóa. Theo danh sách các trường đăng ký, đến cuối tháng 4, sẽ có khoảng 300 HS của 6 trường học ở huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh, TP. Nha Trang tham gia chương trình trải nghiệm. Đây là sự kết nối ý nghĩa giữa Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh với các trường học. |
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Cao Bá Quát cho biết. “Trong vấn đề đổi mới chương trình dạy học phổ thông, có nội dung tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho HS. Khi nhận được công văn của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh về việc tổ chức cho HS tham gia tìm hiểu di sản, chúng tôi coi đây là cơ hội tốt để HS được học tập, trải nghiệm bổ ích”. Còn thầy Nguyễn Văn Lực - Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (huyện Diên Khánh) cho biết, khi dạy về lịch sử địa phương, nhà trường tổ chức cho HS tham quan tại các di tích để trải nghiệm thực tế. Vì vậy, hoạt động của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh thể hiện được sự kết nối hiệu quả với nhà trường. HS rất hứng thú khi tham gia hoạt động này.
Việc tăng cường nhận thức, hiểu biết của HS, sinh viên đối với những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống được xem là trách nhiệm của toàn xã hội. Hoạt động tìm hiểu di sản văn hóa do Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tổ chức đã góp phần tích cực, cụ thể để những giá trị đó được gìn giữ, phát huy trong cuộc sống.
GIANG ĐÌNH