Hơn 60 năm trước, ngày 28-11-1959, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân với nhan đề "Tết trồng cây", phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng. Kể từ đó đến nay, Tết trồng cây đã trở thành một mỹ tục của đất nước khi mùa xuân về.
Hơn 60 năm trước, ngày 28-11-1959, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân với nhan đề “Tết trồng cây”, phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng. Kể từ đó đến nay, Tết trồng cây đã trở thành một mỹ tục của đất nước khi mùa xuân về.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của dự án đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.
Trồng cây gây rừng, phủ xanh các thành phố vì một cuộc sống tốt đẹp, phát triển bền vững trong cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, theo dõi qua báo chí, thấy hầu hết chương trình lo trồng cây lâu năm, cây có ích lợi lâu dài cho xã hội, rất ít nơi tính đến chuyện… trồng hoa! Có thể hiện tại, trồng hoa là một việc làm chưa thiết thực bằng trồng các loại cây khác, nhưng có nhiều nơi có cách tính khác.
Đầu tháng 3 vừa qua, Báo Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Thương mại Hải Yến Nha Trang phối hợp với UBND huyện Khánh Sơn triển khai dự án “Mây hồng” trồng 2.000 cây, chủ yếu là… hoa. Tại buổi lễ, các đơn vị đã trao tặng và trồng 1.000 cây hoa anh đào tại các địa phương của huyện Khánh Sơn. Những người thực hiện dự án hi vọng 5 năm sau, Khánh Sơn bên cạnh những lễ hội truyền thống như Lễ hội trái cây, lễ hội mã la, cồng chiêng… sẽ là một địa điểm thu hút giới trẻ về check - in khi mùa hoa nở.
Báo chí cũng đưa tin, đầu tháng 3 tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam”. Phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh xây dựng được ít nhất 3 rừng mai, đến năm 2030 xây dựng được ít nhất 6 rừng mai có quy mô, diện tích, số lượng, địa điểm phù hợp để tổ chức sự kiện, du lịch, thưởng ngoạn…
Trên thế giới có những lễ hội hoa nổi tiếng, thu hút hàng vạn khách du lịch. Điều đó ta chưa dám mơ lúc này, nhưng trên bình diện cả nước, hình như bây giờ mới duy nhất có thành phố Hải Phòng được mệnh danh là thành phố Hoa phượng đỏ. Dĩ nhiên là thành phố trồng nhiều hoa phượng, nhưng để thành thương hiệu thì phải nói đó là công lao của nhà thơ Hải Như và nhạc sĩ Lương Vĩnh với ca khúc để đời “Thành phố Hoa phượng đỏ”.
Trồng hoa cho thành phố, ý tưởng lãng mạn và thiết thực lắm chứ. Cuộc sống ngày một phát triển, nhu cầu con người là vô cùng, nói như lời một bài hát : “Ôi hạnh phúc đâu chỉ có, cơm ngon và áo đẹp…”
Trồng một loài hoa đặc trưng cho một địa phương, một thành phố đâu có khó lắm đâu.
Thủy Ngân