Ý tưởng về việc dạy và học lịch sử thông qua những hình ảnh, hiện vật, tư liệu trong bảo tàng đã được hình thành từ lâu. Thế nhưng, việc triển khai trong thực tế lại chưa được thường xuyên, liên tục…
Ý tưởng về việc dạy và học lịch sử thông qua những hình ảnh, hiện vật, tư liệu trong bảo tàng đã được hình thành từ lâu. Thế nhưng, việc triển khai trong thực tế lại chưa được thường xuyên, liên tục…
Không gian giáo dục hữu ích
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, Trường THCS Trần Quang Khải (huyện Diên Khánh) đã tổ chức chuyến tham quan Bảo tàng tỉnh cho hơn 30 học sinh yêu thích tìm hiểu về di sản văn hóa. Tại đây, các em được nhân viên của Bảo tàng tỉnh và đại diện Câu lạc bộ Cổ vật Nha Trang giới thiệu về những hiện vật được trưng bày trong không gian triển lãm chuyên đề Cổ ngoạn - Nét cũ, dấu xưa. Những chiếc trống đồng, bình gốm, chum, chóe, ly, chén… của các triều đại, các dòng gốm đã thực sự thu hút sự quan tâm của mỗi học sinh. Thông qua niên đại hình thành, gốc tích của mỗi hiện vật, các em đã được hiểu thêm về những giai đoạn lịch sử của đất nước. Đây là những kiến thức ở nhà trường các em chưa được tiếp cận. “Đây là lần thứ 2 em tham gia hoạt động tham quan ngoại khóa do nhà trường tổ chức nhưng là lần đầu tiên đến Bảo tàng tỉnh. Qua chuyến tham quan bảo tàng, em được tiếp nhận thêm nhiều kiến thức mới rất thú vị”, em Lê Thị Bích Phấn, học sinh lớp 9 cho biết.
Theo ông Đặng Tiến Dũng - thành viên Câu lạc bộ Cổ vật Nha Trang, việc Bảo tàng tỉnh phối hợp với các trường để đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu về những cổ vật, hiện vật lịch sử mang ý nghĩa sâu sắc. Những người làm công tác bảo tàng có thêm đối tượng khách tham quan để có thể chia sẻ, truyền đạt về cái hay, cái đẹp từ các di sản, hiện vật. Còn các học sinh có thêm kênh thông tin để hiểu hơn về những giá trị di sản của quê hương, đất nước. Vì vậy, hoạt động này cần được tổ chức thường xuyên hơn để học sinh hiểu hơn về dòng chảy lịch sử dân tộc, những nét văn hóa của đất nước. Câu lạc bộ Cổ vật Nha Trang luôn sẵn sàng phối hợp để giới thiệu những thông tin, hình ảnh cổ vật, hiện vật một cách trực quan cho học sinh dễ hình dung và tiếp nhận.
Cần sự hợp tác thường xuyên
Ý tưởng về việc đưa học sinh đến học tập, tìm hiểu ở Bảo tàng tỉnh đã được hình thành từ lâu, nhưng để thực hiện được lại là câu chuyện khác và để hoạt động này diễn ra thường xuyên càng khó hơn bội phần. Hoạt động ngoại khóa cho học sinh đến tham quan bảo tàng là một trong những hình thức giảng dạy mang tính thực tiễn và hiệu quả. Bởi khác với những kiến thức trong sách giáo khoa mang nặng câu chữ, số liệu, những thông tin, kiến thức từ các hiện vật ở bảo tàng thường sinh động và dễ tiếp nhận hơn đối với học sinh. Tuy nhiên, có thực tế là vẫn chưa có nhiều học sinh hào hứng với việc đến bảo tàng. Điều này bắt nguồn từ suy nghĩ của các em vẫn coi bảo tàng là một điều gì đó xưa cũ, khó hiểu. Việc tổ chức cho các em đến bảo tàng xem hiện vật đã khó, việc thực hiện một tiết học chuyên đề cho học sinh ở bảo tàng lại càng khó hơn. Hiện nay, việc tổ chức cho học sinh đi học tập ngoại khóa ở bảo tàng chủ yếu mang tính tự phát của từng trường. Vì vậy, vấn đề kinh phí, nhân sự và sự hợp tác của mỗi trường với bảo tàng cũng là điều đáng lưu tâm.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, vấn đề hợp tác giữa đơn vị với các trường học trong việc đưa học sinh đến tham quan, học tập trong không gian bảo tàng vẫn còn có những điểm hạn chế. Điều này làm lãng phí giá trị văn hóa, lịch sử của các hiện vật, cổ vật ở bảo tàng trong việc giáo dục đối với học sinh; ngược lại học sinh cũng không được tiếp cận với kênh thông tin hữu ích từ bảo tàng. Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ có kế hoạch hợp tác nhiều hơn với các trường học trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đơn vị sẽ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào việc trưng bày, giới thiệu hiện vật, cổ vật, thông tin, hình ảnh để hấp dẫn, thu hút nhiều hơn các đối tượng khách tham quan nói chung và học sinh nói riêng. Ở đó, yếu tố tương tác giữa khách tham quan với các hiện vật, cổ vật sẽ được chú ý quan tâm để mỗi học sinh có được cảm nhận thật nhất. Đây cũng cách để chúng ta gắn kết chặt chẽ hơn việc học và hành, nhằm khơi dậy tình yêu, sự quan tâm của học sinh đối với những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước.
Trúc Linh