Hơn nửa thế kỷ bén duyên với nghệ thuật bài chòi, ông Hai Điểm (tên thường gọi của nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh) đã sống với đam mê của mình. Niềm vui đó của ông như được nhân lên khi những làn điệu bài chòi ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Hơn nửa thế kỷ bén duyên với nghệ thuật bài chòi, ông Hai Điểm (tên thường gọi của nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh) đã sống với đam mê của mình. Niềm vui đó của ông như được nhân lên khi những làn điệu bài chòi ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Thanh xuân sống với bài chòi
Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng, chúng tôi cũng gặp được ông Hai Điểm. Trong căn nhà ở số 72 Lê Hồng Phong (phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh), từ xa đã vẳng lại những câu ca: “Hôm nay về đến Dục Thanh/Trời xanh Phan Thiết mát lành gió xuân/Bâng khuâng hoa sứ trắng ngần/Sương đầm ngõ cát bước chân bồi hồi/Rêu phong mái ngói tường vôi/Bóng xoài nghiêng xuống ké ngồi bên hiên… Lòng con nhớ Bác thuở nào/Sớm trưa từng đã ra vào nơi đây/Áo nâu khoác tấm thân gầy/Cao cao dạo dưới bóng cây vườn trường…” trong bài Dưới mái trường Dục Thanh theo làn điệu Xuân Nữ của nghệ thuật bài chòi.
Năm nay, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh bước vào tuổi 68 và đã có 52 năm gắn bó với nghệ thuật bài chòi. “Tôi vốn sinh ra ở tỉnh Bình Định. Thuở nhỏ, ngày nào cũng được nghe cha mẹ, xóm giềng hát bài chòi nên đã thấm dần vào trong người lúc nào không biết. Đến năm 14 tuổi, tôi đã có thể hát được 4 làn điệu chính của bài chòi cổ là Xuân Nữ - Xàng Xê - Cổ Bản - Hò Quảng. Năm 20 tuổi, đã thành thục các làn điệu và tham gia biểu diễn ở các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng trong và ngoài tỉnh”, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Một điều khá đặc biệt trong quá trình gắn bó với nghệ thuật bài chòi của ông Hai Điểm chính là việc ông không theo học thầy hay trường lớp nào cụ thể. Nghệ thuật bài chòi đến với ông thật tự nhiên và đã được ông thẩm thấu bằng tình yêu, niềm đam mê sâu thẳm. Ngày lại ngày, ông cứ nghe, cứ hát ngâm nga những câu, những đoạn bài chòi. Rồi tự mình rút ra những chỗ đã được và những chỗ cần chỉnh sửa. Cứ miệt mài, âm thầm tự học, tuy chậm nhưng đổi lại ông có được những trải nghiệm thực tế, từ đó rút ra cho bản thân cách hát, cách diễn phù hợp nhất. Cũng vì thế, trong cách hát của mình, ông đã tạo được dấu ấn phong cách riêng để khán giả, giới chuyên môn phải nhớ tới.
Mặc dù chỉ tham gia nghệ thuật quần chúng, xem việc ca hát là để cho vui, cho đời sống tinh thần thêm sinh động, nhưng tài năng của ông Hai Điểm lại nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Trong rất nhiều năm, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh là hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ của Cam Ranh.
Thầm lặng truyền thụ
Nắm giữ những hiểu biết về nghệ thuật bài chòi, bên cạnh việc thỏa mãn đam mê của bản thân, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh còn phục vụ người dân trong làng, ngoài xóm. Hơn 40 năm qua, hình ảnh ông Hai Điểm đã trở nên thân thuộc với người dân ở Tổ dân phố Lộc Thành (phường Cam Lộc, Cam Ranh). Mỗi kỳ hội hè, ông đều tình nguyện ra góp vui bằng những câu hát. Kể từ khi ông phụ trách Câu lạc bộ Bài chòi Lộc Thành thì hoạt động hô hát bài chòi ngày càng trở nên rôm rả. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Cũng từ đây, ông có điều kiện để truyền đạt lại những kỹ năng, kiến thức của mình về nghệ thuật bài chòi dân gian đến với nhiều người.
Theo học nghệ thuật bài chòi từ nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh được gần 10 năm nay, chị Đào Thị Kim Loan đang là một hạt nhân phong trào văn nghệ ở phường Cam Phúc Bắc. Khi theo học ông Hai Điểm, những người trẻ như chị Loan được tiếp nhận sự chỉ bảo thân tình, kỹ lưỡng. Ông hướng dẫn cho người học từ cách lấy hơi, giữ nhịp, đến những kỹ thuật luyến láy sao cho nhuyễn, cho mềm. Từng làn điệu, mỗi lời ca đều được ông tỉ mỉ chỉ dạy để người học nắm được một cách chắc nhất. “Đến nay, dù theo học ông Hai Điểm đã lâu, nhưng tôi cũng chỉ mới có thể hát được hai làn điệu Xuân Nữ và Xàng Xê. Nhưng hát đến đâu là chắc đến đó và cũng đã đạt được một số giải qua các kỳ hội thi, hội diễn. Việc chỉ dạy nghệ thuật bài chòi được ông Hai Điểm thực hiện bằng cả tâm huyết, tình cảm nên những người theo học như tôi luôn cảm thấy thoải mái. Cứ có chỗ nào chưa hiểu, hát chưa đúng, chúng tôi đều hỏi và nhận được sự chỉ bảo nhiệt tình”, chị Đào Thị Kim Loan chia sẻ.
Nói về việc truyền thụ cho thế hệ trẻ, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh xem đó cũng là một niềm vui của cá nhân. Vậy nên, ở nơi đâu, bất cứ lúc nào có người hỏi là ông chỉ dẫn tận tình. Cứ như thế, có nhiều người sau khi theo học ông Hai Điểm đã có thể tự đứng trên sân khấu hát phục vụ khán giả hoặc quay trở lại đóng góp cho phong trào văn nghệ của địa phương. “Học bài chòi đòi hỏi phải có niềm yêu thích và chất giọng tốt. Mình đã may mắn trau luyện được một cách thuần thục thì việc truyền lại là chuyện nên làm. Có như vậy, giá trị văn hóa tốt đẹp của ông cha mới được lưu truyền bền lâu. Cứ hễ có người hỏi là tôi chỉ dẫn đến nơi, đến chốn. Mà nếu không có ai hỏi thì tôi lại tự tập hợp bạn bè, con cháu để cùng nhau đàn hát, sinh hoạt và gieo dần niềm yêu thích bài chòi vào mỗi người”, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh tâm sự.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh với niềm đam mê và năng khiếu về nghệ thuật bài chòi đã thường xuyên học tập, tìm hiểu, trau dồi vốn hiểu biết, kỹ năng trình diễn của bản thân. Đến nay, ông đã thuộc nhiều bài, làn điệu và nắm được các tri thức, kỹ năng trình diễn trong nghệ thuật bài chòi. Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh có khả năng trình diễn hát và đóng nhiều vai về nghệ thuật bài chòi cổ, bài chòi Liên khu V như trích đoạn Thoại Khanh - Châu Tuấn; hát đơn ca bài Những đoàn quân tình nguyện… Trong nhiều năm qua, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh còn âm thầm truyền dạy, chia sẻ kiến thức về nghệ thuật bài chòi cho thế hệ sau. Từ đó, góp phần tạo dựng phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi ở các địa phương nói chung, cũng như phong trào hát, biểu diễn nghệ thuật bài chòi nói riêng. Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia sinh hoạt, truyền dạy cho thế hệ trẻ trong gia đình, dòng tộc và tham gia phong trào văn hóa văn nghệ, hội diễn tại địa phương. Điều đó thể hiện sinh động sức sống, giá trị của nghệ thuật bài chòi trong đời sống cộng đồng.
Chia tay nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh - người giữ lửa nghệ thuật bài chòi, chúng tôi thầm cảm mến với tình yêu, niềm đam mê, cũng như những việc mà ông đã làm cho phong trào hô hát bài chòi ở địa phương.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lên Thủ tướng Chính phủ để trình Chủ tịch nước công nhận. Trong danh sách đó có tên của nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh. _______________________________________
|
NHÂN TÂM