10:02, 15/02/2022

Lưu lại nét đẹp lễ hội Tháp Bà Ponagar

Lễ hội Tháp Bà Ponagar mang đậm màu sắc văn hóa của dân tộc Kinh và dân tộc Chăm. Để lưu lại những nội dung về nghi lễ, nghi thức, bài bản thực hành trong lễ hội Tháp Bà Ponagar, Sở Văn hóa và Thể thao đang dần hoàn thiện và chuẩn bị ban hành văn bản về vấn đề này.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar mang đậm màu sắc văn hóa của dân tộc Kinh và dân tộc Chăm. Để lưu lại những nội dung về nghi lễ, nghi thức, bài bản thực hành trong lễ hội Tháp Bà Ponagar, Sở Văn hóa và Thể thao đang dần hoàn thiện và chuẩn bị ban hành văn bản về vấn đề này.


Gìn giữ cho muôn đời sau


Lễ hội Tháp Bà Ponagar là một trong rất ít lễ hội truyền thống của nhân dân thể hiện rõ nét giao thoa văn hóa độc đáo về tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lễ hội vẫn được các tầng lớp nhân dân gìn giữ, phát huy trong đời sống văn hóa cộng đồng. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong nước khi tìm hiểu về lễ hội Tháp Bà Ponagar đều đánh giá cao việc thực hành các nghi thức, nghi lễ, bài bản trong những ngày diễn ra lễ hội. Qua dự thảo thực hành nghi lễ trong lễ hội Tháp Bà Ponagar đang được Sở Văn hóa và Thể thao dần hoàn thiện để ban hành đã thể hiện được những nét đẹp văn hóa của một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

 

Tháp Bà Ponagar Nha Trang. Ảnh: VĂN THÀNH CHÂU

Tháp Bà Ponagar Nha Trang. Ảnh: VĂN THÀNH CHÂU


 Theo ông Trần Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, lễ hội Tháp Bà Ponagar được diễn ra từ ngày 20 đến 23-3 Âm lịch hàng năm, tại khu di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang. Việc tổ chức lễ hội được thực hiện trang nghiêm, chặt chẽ, đúng quy định, mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống. Lễ hội được diễn ra với 9 nghi lễ gồm: Lễ thay y và nghi thức tắm tượng (lễ Mộc Dục); lễ thả hoa đăng (mới được đưa vào chương trình lễ hội từ năm 2010); lễ cầu quốc thái dân an; lễ khai mạc lễ hội Tháp Bà Ponagar; lễ thí thực; lễ cúng giờ Tý (thời gian Mẫu thăng thiên); lễ tế truyền thống Đình - Lăng Cù Lao; lễ khai diên, tôn vương; lễ cúng tạ. Trong mỗi nghi lễ nêu trên sẽ có những nghi thức, bài bản được thực hành theo trình tự, thời gian cụ thể.


Những nghi lễ, nghi thức, bài bản này đã được khảo tả lại trên cơ sở tham khảo ý kiến của người dân, các nhà nghiên cứu văn hóa và thực tế quá trình tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar trong rất nhiều năm qua. Để từ đó, giữ lại những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống. “Tôi thấy các nội dung liên quan đến việc tổ chức thực hiện lễ hội Tháp Bà Ponagar được đưa ra hoàn toàn phù hợp và theo đúng nghi thức truyền thống. Đây là những điều đã được chúng ta lưu giữ, thực hiện từ nhiều đời nay”, ông Trần Ý Hòa - nguyên thành viên Ban nghi lễ Tháp Bà cho biết. Còn bà Đoàn Thị Kẹp - đại diện cộng đồng dân cư khu vực Xóm Bóng (TP. Nha Trang) cũng chia sẻ: “Đến nay, tôi đã có 41 năm đi theo phục vụ lễ Mẫu, tôi thấy các nghi lễ được diễn ra rất trang nghiêm, thành kính và lành mạnh. Vì thế, khi xem những nội dung trong bản dự thảo, tôi thấy rất phù hợp”.


Cần thiết chuẩn hóa bằng văn bản  


Việc thực hành nghi lễ trong lễ hội Tháp Bà Ponagar và nghi thức thờ Mẫu ở khu di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang từ bao năm nay đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong, ngoài tỉnh, cũng như phù hợp với các quy định của Nhà nước trong việc tổ chức lễ hội. Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc ban hành văn bản về thực hành nghi lễ trong lễ hội Tháp Bà Ponagar để thống nhất nhìn nhận đầy đủ hơn trong việc thờ cúng ở di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang. Bởi vì, ở đây, vừa có văn hóa Chăm, văn hóa Việt vừa có sự giao thoa, tương đồng trong đó. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi gắn liền với sự phát triển của vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa. Nếu không ban hành văn bản về nội dung này mà lưu giữ theo cách truyền miệng sẽ dễ dẫn tới những sai sót, thậm chí lệch lạc về sau này.


Ông Lê Văn Hoa nhấn mạnh, khi văn bản được ban hành sẽ có căn cứ cụ thể để mọi người hiểu rõ hơn những nội dung liên quan đến việc thực hành nghi lễ trong lễ hội Tháp Bà Ponagar. Đây cũng là một cách giới thiệu, quảng bá trình tự diễn ra các nghi lễ đến người dân, du khách để mỗi người có sự chủ động khi tham gia vào lễ hội. Mặt khác, hoạt động quản lý nhà nước về lễ hội sẽ được thuận tiện hơn. Thành phần ban tổ chức lễ hội, các tiểu ban lễ hội được quy định rõ ràng, cụ thể. Nội dung các nghi thức được bổ sung, hoàn thiện đầy đủ và phù hợp hơn với nhân dân. Nhìn chung, những nội dung trong văn bản này đều đã được các đơn vị chuyên môn tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài tỉnh cũng như người dân.


Từ nhiều năm qua, công tác tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar nói chung và việc thực hành các nghi lễ trong lễ hội nói riêng ngày càng được văn minh, lành mạnh và hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực. Với việc Sở Văn hóa và Thể thao sẽ ban hành văn bản có nội dung cụ thể về vấn đề này góp phần đảm bảo cho hoạt động của lễ hội được diễn ra phù hợp với nhu cầu tâm linh của người dân, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước.


GIANG ĐÌNH