11:02, 14/02/2022

Họa sĩ đường phố

Tôi gặp anh Nguyễn Văn Lộc, người bán tranh sơn dầu trắng đen vẽ phong cảnh quê hương Khánh Hòa xưa và nay ở góc đường Biệt Thự - Trần Phú (TP. Nha Trang) một buổi chiều trước Tết Nhâm Dần. Một chiếc mô tô, bên cạnh dựng ít tranh có giá bán khá "đường phố", tôi thấy hay hay nên dừng xe vào nói chuyện.

Tôi gặp anh Nguyễn Văn Lộc, người bán tranh sơn dầu trắng đen vẽ phong cảnh quê hương Khánh Hòa xưa và nay ở góc đường Biệt Thự - Trần Phú (TP. Nha Trang) một buổi chiều trước Tết Nhâm Dần. Một chiếc mô tô, bên cạnh dựng ít tranh có giá bán khá “đường phố”, tôi thấy hay hay nên dừng xe vào nói chuyện. Anh sinh năm 1967, trước làm hướng dẫn viên du lịch đưa khách nước ngoài đi chơi bằng xe máy, thông thạo 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga. 2 năm bị dịch Covid-19, anh chuyển sang vẽ tranh bán kiếm sống qua ngày. Câu chuyện chỉ có vậy nếu không có một buổi chiều anh nhắn mời tôi qua nhà xem anh vẽ. Câu chuyện trong buổi chiều giữa người vẽ và người ngồi xem trải dài theo thứ tự thời gian.

 

 "Họa sĩ đường phố Nguyễn Văn Lộc bên các bức tranh được bày bán ".

"Họa sĩ đường phố Nguyễn Văn Lộc bên các bức tranh được bày bán".


Khởi nghiệp từ tuổi thơ khốn khó


Nguyễn Văn Lộc sinh ra trong một gia đình đông con, cha đạp xích lô là lao động chính, mẹ ở nhà lo cho các con. Cả cuộc đời anh chỉ được đi học đúng 1 năm lớp 1. 7 tuổi, nhà nghèo quá, anh phải đi xin ăn ở chợ Đầm. 8 tuổi, anh được một bà bán đồ chay ở chợ Đầm thương tình nhận vào gánh nước, dọn dẹp, rửa chén bát... Phụ việc vài năm, dành dụm được ít tiền, anh sắm chiếc xe đạp và thùng cà rem đi bán khắp nơi, có khi đạp ra tận Dục Mỹ, Ninh Hòa. 18 tuổi, anh trở về phụ một người anh đang làm nghề vẽ pano, chân dung… có tiệm ở đường Ngô Gia Tự. Vừa phụ việc, học nghề vẽ, học bổ túc văn hóa vào ban đêm, đến một ngày anh ra riêng “mở tiệm” ở lề đường Ngô Gia Tự, gần nhà thờ Bắc Thành; sau đó chuyển xuống đường Sinh Trung, cũng trên hè phố. Công nghệ kỹ thuật số ra đời, nghề vẽ tay pano, chân dung không còn ai đến làm nữa, anh chuyển sang chạy xe thồ.


Bước ngoặt cuộc đời đến với anh có lẽ từ một hôm, đứng ở đường Biệt Thự nhìn sang bên kia đường, anh thấy một “ông Tây” chăm chú nhìn mình, trong lòng thoáng chút e ngại. Rồi người khách băng qua đường nói với anh mấy câu gì đó. Anh nhờ lễ tân khách sạn gần đó phiên dịch giùm, hóa ra khách kêu chở đi vài nơi. Lúc đó, anh quyết tâm học tiếng Anh. Vừa học vừa thực hành với khách du lịch, rồi giao tiếp được bình thường trong phạm vi nhu cầu công việc và chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch. Sau đó, anh học thêm tiếng Nga và tiếng Pháp.


Đó là quãng thời gian làm nghề khá thú vị, anh được đi nhiều nơi, giao tiếp với nhiều người đến từ nhiều nước trên thế giới. Khách hàng của anh đa phần là những người khách đã đi rồi giới thiệu lại cho bạn bè họ khi đến Nha Trang.


Đến họa sĩ đường phố


2 năm dịch Covid-19, vắng bóng khách du lịch, anh trở lại chạy xe thồ đắp đổi qua ngày: “Quãng thời gian đó, tôi khá chật vật. Được người chị dâu động viên, tôi trở lại nghề vẽ, cũng đủ nuôi sống mình một năm nay”.


Khi được hỏi nếu hết dịch, du lịch mở cửa, khách nước ngoài quay lại, anh có tiếp tục đưa khách đi như ngày xưa?, anh trầm ngâm: “Đi loanh quanh trong tỉnh thì được chứ không đi xa nữa. Có lẽ, vẽ tranh bán đường phố là nghề cuối đời của tôi rồi”.


Có dịp đến Nha Trang, bạn hãy ghé góc đường Biệt Thự - Trần Phú xem và mua tranh của họa sĩ đường phố Nguyễn Văn Lộc. Sở thích của anh chỉ là tranh trắng đen, đậm nét hồn quê, tình quê Nha Trang, Khánh Hòa xưa và nay. Giá khá mềm, tranh sơn dầu trắng đen khổ 50x40cm giá 200 ngàn đồng/bức.


Đào Thị Thanh Tuyền