Coi phát triển văn hóa và con người Việt Nam là mục tiêu, mục đích của sự phát triển bền vững xã hội. Khi chúng ta tạo động lực, có niềm tin và truyền cảm hứng từ sự phát triển văn hóa thì đất nước mới phát triển bền vững, tạo điều kiện lan tỏa lợi ích cho những lĩnh vực khác như chính trị, xã hội, giáo dục, công nghệ… từ sức mạnh của văn hóa.
Coi phát triển văn hóa và con người Việt Nam là mục tiêu, mục đích của sự phát triển bền vững xã hội. Khi chúng ta tạo động lực, có niềm tin và truyền cảm hứng từ sự phát triển văn hóa thì đất nước mới phát triển bền vững, tạo điều kiện lan tỏa lợi ích cho những lĩnh vực khác như chính trị, xã hội, giáo dục, công nghệ… từ sức mạnh của văn hóa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã nhấn mạnh nội dung trên trong buổi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về các vấn đề liên quan đến phát triển văn hóa và con người Việt Nam trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp diễn ra.
“Hội nghị Diên Hồng về văn hóa”
Trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này là chúng ta dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước văn hóa hùng cường, ông đánh giá như thế nào về việc tổ chức hội nghị này trong bối cảnh hiện nay và việc Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đến phát triển văn hóa?
Ông Bùi Hoài Sơn: Đây là thời điểm vô cùng phù hợp để tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Sự phù hợp này đến từ nhiều lý do, thứ nhất là đây là dịp kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946). Hội nghị được tổ chức khi thực dân Pháp mới nổ súng vào Hải Phòng được mấy hôm, đất nước đang đứng trước những tình thế vô cùng nguy hiểm nhưng chúng ta vẫn quyết tâm tổ chức một Hội nghị văn hóa để khơi dậy sức mạnh của dân tộc từ văn hóa, bằng văn hóa. Những thông điệp quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất như “Văn hóa soi đường quốc dân đi” đã truyền thêm sức mạnh và niềm tin cho dân tộc để chúng ta có được văn hóa cứu quốc. Chính nhờ văn hóa cứu quốc đó chúng ta giải phóng dân tộc.
Thứ hai là chúng ta tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tại Đại hội này, Đảng ta đã có nhiều thông điệp, quan điểm đột phá về phát triển văn hóa, xây dựng con người văn hóa. Chúng ta cần triển khai đồng bộ những thông điệp, quan điểm này để từ đó có những kế hoạch cụ thể phát triển văn hóa.
Thứ ba, trong bối cảnh xã hội ngày nay, sự phát triển của kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt rất nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa và con người Việt Nam. Chính vì thế chúng ta cần có cách tiếp cận và tư duy mới để xử lý những vấn đề về văn hóa, những vấn đề liên quan đến xây dựng con người để bảo đảm được những mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra là đến năm 2030 chúng ta trở thành nước công nghiệp có mức thu nhập trung bình, đến năm 2045 chúng ta trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao. Toàn bộ những bối cảnh và vấn đề này cần phải có cách tiếp cận mới về văn hóa, con người Việt Nam vì chúng ta luôn coi văn hóa và con người Việt Nam là mục tiêu, mục đích của sự phát triển bền vững xã hội. Khi chúng ta tạo động lực, có niềm tin và truyền cảm hứng từ sự phát triển văn hóa thì đất nước mới phát triển bền vững, tạo điều kiện lan tỏa lợi ích cho những lĩnh vực khác như chính trị, xã hội, giáo dục, công nghệ… từ sức mạnh của văn hóa.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc là sự kiện được trông đợi, được coi là “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa”. Ở đó những người yêu văn hóa, những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có thể đề xuất những sáng kiến và hiến kế cho sự phát triển văn hóa của đất nước. Ở đó lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẳng định quyết tâm phát triển văn hóa nghệ thuật, đưa ra những thông điệp quan trọng cho phát triển văn hóa nghệ thuật.
Tôi hy vọng sau Hội nghị việc truyền cảm hứng từ Hội nghị sẽ tác động đến các cấp, các ngành ở địa phương đối với việc chăm lo cho phát triển văn hóa nghệ thuật. Khi đã ý thức nhiều hơn về phát triển văn hóa, về lợi ích và trách nhiệm trong phát triển văn hóa cũng như đưa ra những kế hoạch trong tương lai để phát triển văn hóa thì chúng ta tin tưởng văn hóa có nhiều cơ hội đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Cần hình thành hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam
Quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà cốt lõi là làm cho chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội, cũng chính là quá trình xây dựng con người, phát huy tối đa nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người. Theo ông nội dung này chúng ta đã thực hiện được đến đâu và cần khắc phục những điểm gì?
Ông Bùi Hoài Sơn: Năm 1998 chúng ta ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa 8 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta thấy rằng trong giai đoạn đó, quá trình hội nhập quốc tế của đất nước đặt ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức liên quan đến phát triển văn hóa Việt Nam. Chính trong bối cảnh đó chúng ta cần xác định rằng, phải gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc để khẳng định bản sắc của mình trong một thế giới hội nhập. Văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa mất thì đất nước mất, vì hội nhập trong một thế giới quá sâu rộng thì những tác động của nền kinh tế thị trường hay quá trình toàn cầu hóa là điều chúng ta không thể chối bỏ được. Đất nước mở cửa, chúng ta tiếp thu văn hóa của thế giới, tuy nhiên phải cân nhắc tiếp thu những gì phù hợp để làm giàu hơn bản sắc văn hóa dân tộc, để có hành trang vững chắc và phù hợp hơn trong một bối cảnh xã hội mới. Việc tiếp thu tinh hoa văn hóa trở thành mục tiêu quan trọng của chúng ta. Đó là những lý do căn bản để chúng ta thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa 8.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa 8, chúng ta còn có một thách thức nữa đến từ sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới. Mạng xã hội đã tạo ra một thế giới mới ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển con người. Chính vì vậy, Đảng ta ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước. Khi đó chúng ta quan niệm để phát triển văn hóa thì phải đặt vị trí của văn hóa ở một tầm quan trọng, ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội. Xây dựng văn hóa với mục đích là phát triển con người và xây dựng con người có văn hóa. Qua đó thấy được mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng văn hóa và con người. Để làm được như vậy chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Chúng ta có những điểm nghẽn nhất định khi có những câu chuyện liên quan đến xuống cấp đạo đức trong xã hội, hay nhiều hiện tượng lệch chuẩn, không phù hợp trong hành vi của con người. Do đó, trọng tâm chúng ta phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để từ đó tạo điều kiện phát triển nhân cách tốt, phẩm chất phù hợp của con người Việt Nam.
Thứ hai là chúng ta cần hình thành hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam để dựa trên các hệ giá trị đó, định hướng sự phát triển cho đất nước, cho gia đình và cho từng cá nhân. Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều yếu tố chi phối đến mỗi cá nhân, gia đình, đất nước, tạo ra sự lãng tâm của chúng ta trong việc rèn luyện đạo đức cho chính mình. Đồng thời, chúng ta cũng cần nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng đó là phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chúng ta tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam. Từ đó lan tỏa những thông điệp, hình ảnh, giá trị Việt Nam ra toàn thế giới. Đó cũng là xu hướng phát triển trên thế giới. Văn hóa không chỉ là lĩnh vực liên quan đến đời sống tinh thần, đạo đức mà thậm chí là những lĩnh vực gần gũi đến đời sống kinh tế, xã hội của con người. Thậm chí với những sản phẩm cụ thể như một bộ phim, một câu chuyện, một bài hát… có tác dụng truyền cảm hứng đến con người, tạo ra những giá trị giáo dục về đạo đức thông qua đó. Vì thế cần tập trung nhiều hơn vào sản phẩm văn hóa nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung để không chỉ phát triển con người toàn diện, phát triển văn hóa đất nước mà còn tạo ra những lợi ích, sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước. Đó là những vấn đề cần phải quan tâm và chúng ta muốn thông qua Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, toàn bộ những vấn đề đó được đưa ra bàn luận, trên cơ sở đó để lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng định hướng phát triển văn hóa trong những năm tới, tạo ra những quyết tâm, niềm tiên trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Đưa công nghiệp văn hóa trở thành một trong những đột phá
Ông vừa đề cập đến công nghiệp văn hóa thì các sản phẩm công nghiệp văn hóa của quốc gia khi ra khỏi biên giới sẽ không chỉ đơn thuần là những hàng hóa văn hóa mà còn là biểu tượng, bản sắc, hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Vậy theo ông chúng ta cần phát triển có trọng điểm, trọng tâm ngành công nghiệp văn hóa như thế nào để xác định rõ giá trị, bản sắc và sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam?
Ông Bùi Hoài Sơn: Đảng và Nhà nước đã nhận thấy rõ vai trò, vị trí, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa trong sự phát triển bền vững đất nước. Trong phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là câu chuyện về kinh tế mà còn là câu chuyện về chính trị, giáo dục… hay nhiều lĩnh vực khác. Phát triển công nghiệp văn hóa còn là xu thế của thế giới. Các ngành công nghiệp văn hóa trên thế giới có tốc độ tăng trưởng gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của mỗi quốc gia. Xu thế trên thế giới cũng hướng đến việc sử dụng các tài năng sáng tạo, vốn văn hóa trên cơ sở kết hợp với các kỹ năng kinh doanh, công nghệ để tạo ra các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa phù hợp, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia mà các tài năng sáng tạo và vốn văn hóa là những nguồn tài nguyên không bao giờ cạn kiệt của bất kỳ quốc gia nào nếu chúng ta biết cách sử dụng. Chính vì vậy chúng ta không thể đi sau và đứng ngoài xu hướng phát triển này. Đó là lý do quan trọng để Đảng và Nhà nước đưa công nghiệp văn hóa trở thành một trong những đột phá của phát triển văn hóa trong những năm sắp tới.
Chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 (Nghị quyết 33) và trong những văn bản tiếp theo đều nhấn mạnh đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Ở Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa và đều là thế mạnh của chúng ta. Trong 12 ngành này có một số ngành thực sự đang là động lực cho sự phát triển đất nước như: Du lịch văn hóa, ẩm thực, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, truyền hình… Những lĩnh vực này chúng ta có rất nhiều tiềm năng, nếu phát triển công nghiệp văn hóa thì sẽ tác động lan tỏa cho các ngành khác.
Việc tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ tạo ra các xu thế trên thế giới, đồng thời tạo ra sức mạnh mềm của Việt Nam để quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam không hề thua kém với các nước khi chúng ta có hàng ngàn năm lịch sử với 54 dân tộc anh em, có truyền thống, câu chuyện, ký ức, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể … có thể tạo thành những chất liệu quý giá, từ đó tạo nên sự đặc sắc, những giá trị riêng của Việt Nam. Từ những giá trị riêng đó, chúng ta chiếm lĩnh thị trường thế giới. Chúng ta đã có những quyết tâm về chính trị, có sự năng động trong thực tế với những sản phẩm văn hóa có thể khai thác giá trị văn hóa của dân tộc… chúng ta tận dụng được những giá trị đó bằng những tài năng của Việt Nam, sẽ giúp cho đất nước phát triển bền vững, giúp khẳng định bản lĩnh giá trị Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên sự phát triển này vẫn chưa đạt được như mong muốn bởi có nhiều lý do. Lý do đầu tiên là nhận thức về văn hóa hay công nghiệp văn hóa vẫn chưa thực sự tốt ở chỗ này, chỗ kia, lúc này, lúc khác. Chính vì những nhận thức như vậy khiến cho việc triển khai các quan điểm của Đảng và chiến lược của Chính phủ trong thực tiễn gặp rất nhiều vấn đề. Chúng ta có chiến lược phát triển văn hóa, các địa phương đều có kế hoạch, tuy nhiên triển khai trong thực tiễn gặp lúng túng, quan trọng nhất là chưa hiểu được giá trị, vai trò, ý nghĩa của công nghiệp văn hóa đối với các địa phương, với các lĩnh vực. Khi chưa hiểu thì không có các kế hoạch khả thi, bền vững.
Thứ hai, rõ ràng trong thể chế hóa các quan điểm của Đảng gặp nhiều vấn đề. Đó là các luật về văn hóa mới xem văn hóa là lĩnh vực giải trí hay là lĩnh vực thiên về đời sống tinh thần mà chưa thấy có sự gắn bó giữa văn hóa nghệ thuật với đời sống kinh tế. Chính vì thế trong việc sửa Luật Điện ảnh hiện nay, một trong những tư duy hướng đến là xây dựng điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa hay cụ thể hơn là công nghiệp điện ảnh. Trong các lĩnh vực khác cũng tương tự như vậy, phải xem xét ở trong cách tiếp cận là một ngành công nghiệp văn hóa. Khi đó sẽ tạo ra những lĩnh vực văn hóa thực sự chuyên nghiệp và gắn kết giữa tài năng sáng tạo, giữa khai vốn văn hóa của dân tộc, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra những sản phẩm văn hóa giải trí một cách chuyên nghiệp. Việc thể chế hóa đang trong quá trình hoàn thiện dần nên có nhiều điều chưa đạt được, chưa tạo điều kiện để phát triển các ngành văn hóa. Ví dụ chúng ta chưa có luật về hiến tặng và tài trợ cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Khi có luật này sẽ tạo điều kiện cho việc huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Chúng ta cũng chưa có chính sách liên quan đến thuế, đất đai, địa vị pháp lý cho không gian sáng tạo…
Thứ ba là chúng ta chưa có được hệ thống hoàn chỉnh về giáo dục sáng tạo. Giáo dục về nghệ thuật trong các trường được coi là yếu tố quan trọng trong giáo dục sáng tạo mới được coi như môn phụ. Những môn này “có cũng được mà không có cũng được” nhưng trên thực tế những môn này rất quan trọng đối với việc phát triển con người toàn diện vì không chỉ hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ và giúp con người có sức đề kháng với những điều xấu, để trở thành người tốt dễ dàng hơn và còn tạo ra những con người sáng tạo. Khi tạo ra con người sáng tạo sẽ tạo ra tinh thần sáng tạo cho toàn xã hội, tạo ra tinh thần khởi nghiệp giúp ích rất nhiều cho quốc gia khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, giáo dục kinh doanh nghệ thuật còn rất thiếu, chủ yếu mới giảng dạy về chuyên môn chứ chưa giảng dạy cho các nghệ sĩ hiểu hơn về thị trường của họ, về các khía cạnh kinh tế trong văn hóa nghệ thuật. Ngoài ra còn có các vấn đề trong kết nối tinh thần sáng tạo, giữa các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, giữa Nhà nước và tư nhân trong hoạt động văn hóa nghệ thuật…
“Di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”, công tác giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa cũng như tuyên truyền để thế hệ trẻ ngày nay và du khách biết đến nhiều hơn về văn hóa Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Bùi Hoài Sơn: Qua 35 năm đổi mới, chúng ta đã làm được nhiều điều cho di sản. Đầu tiên là Luật Di sản Văn hóa năm 2001 và sửa đổi năm 2009. Thêm vào đó là có rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận và ghi danh, chứng tỏ bề dày, mức độ đa dạng và phong phú của di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời chứng tỏ uy tín của Việt Nam trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Ngoài vinh danh của UNESCO còn có rất nhiều di sản được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhiều di sản được bảo tồn phát huy giá trị. Tuy nhiên kỳ vọng kho tàng di sản văn hóa cha ông để lại có thể được phát huy, khai thác nhiều hơn nữa phục vụ cho sự phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên thế hệ trẻ ngày nay chưa biết nhiều về di sản, vì có nhiều lý do trong đó có giáo dục lịch sử, giáo dục di sản chưa phù hợp. Điều đó được thể hiện qua điểm thi lịch sử thường thấp, học sinh cảm thấy môn lịch sử tẻ nhạt. Câu chuyện ở đây không phải lịch sử tẻ nhạt, di sản đơn điệu mà quan trọng là chưa khơi gợi sự hấp dẫn của di sản văn hóa Việt Nam để người dân nói chung và đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng hiểu và yêu di sản. Muốn yêu di sản trước tiên phải hiểu di sản, muốn vậy phải làm cho di sản trở nên hấp dẫn hơn và phù hợp hơn với bối cảnh hôm nay.
Chính vì vậy một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là phải làm sao cho giới trẻ hiểu được giá trị của di sản từ đó có được tình yêu với di sản, có tình yêu với đất nước và gắn kết với sự phát triển của đất nước.
Theo baochinhphu.vn