Diễn ra từ ngày 5-11 đến 15-12, triển lãm Đặc trưng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu ở Khánh Hòa tại Bảo tàng tỉnh (số 16 Trần Phú, TP. Nha Trang) đã giới thiệu đến công chúng những hình ảnh, hiện vật, tư liệu về 3 dân tộc Raglai, Êđê, T'rin.
Diễn ra từ ngày 5-11 đến 15-12, triển lãm Đặc trưng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu ở Khánh Hòa tại Bảo tàng tỉnh (số 16 Trần Phú, TP. Nha Trang) đã giới thiệu đến công chúng những hình ảnh, hiện vật, tư liệu về 3 dân tộc Raglai, Êđê, T’rin.
Nét độc đáo của 3 dân tộc
Tại triển lãm, người xem bắt gặp những hình ảnh về lễ bỏ mả của người Raglai - một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, từ lễ rước nhà mồ đến các nghi lễ, hoạt động tại nhà mồ. Nét văn hóa của đồng bào Raglai còn được giới thiệu thông qua hiện vật về mô hình ngôi nhà mồ với những đồ vật trang trí được chạm khắc, tô màu thể hiện nguồn gốc văn hóa biển đảo. Một số loại nhạc cụ đặc trưng của người Raglai như: đàn đá, mã la, đàn chapi, kèn bầu… cũng được giới thiệu tại đây. Đến với không gian trưng bày hiện vật của đồng bào Êđê, T’rin, người xem được giới thiệu những bộ trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc của 2 dân tộc, một số hình ảnh về lễ hội.
Không gian giới thiệu về các vật dụng canh tác, sinh hoạt được đồng bào Raglai, Êđê, T’rin sử dụng hàng ngày cũng giúp cho khách tham quan biết về đời sống lao động, sản xuất của người dân. Những chiếc gùi, chiếc nỏ, cối giã gạo, chà gạc (dao cán cong), ống đựng hạt giống, cây chọc lỗ, cuốc, thuổng, rìu, khung dệt, dụng cụ bẫy cá, nồi đồng, mâm đồng, chóe rượu cần… Tất cả hiện vật được giới thiệu trong triển lãm hầu hết là hiện vật gốc nên người xem sẽ thấy được dấu tích qua bàn tay sử dụng của người dân. “Đây là lần đầu tiên tôi đến xem triển lãm ở Bảo tàng Khánh Hòa, nhìn chung các hình ảnh, hiện vật được giới thiệu ở đây khá sinh động. Qua đó, tôi biết thêm về đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc ở Khánh Hòa. Trong đó, tôi rất thích các loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc”, bà Lê Thị Mai Oanh - du khách đến từ quận Ba Đình, TP. Hà Nội chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Thanh Bình - Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Bảo tàng tỉnh, hơn 100 hình ảnh, hiện vật, tư liệu giới thiệu trong triển lãm chủ yếu đến từ quá trình thực hiện dự án sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của 3 dân tộc thiểu số Raglai, Êđê, T’rin. Đây là lần đầu Bảo tàng tỉnh thực hiện triển lãm chuyên đề về Đặc trưng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu ở Khánh Hòa. Thông qua đó vừa giới thiệu kết quả thực hiện dự án, vừa quảng bá để mọi người biết thêm về các hình thái cư trú, hình thái kinh tế, trang phục, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và những lễ hội của đồng bào.
Triển lãm trong tình hình mới
Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã nỗ lực để có thể giới thiệu đến mọi người hoạt động văn hóa có ý nghĩa. Triển lãm chuyên đề Đặc trưng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu ở Khánh Hòa diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chính vì thế, bên cạnh việc chuẩn bị về nội dung, hình thức triển lãm, Bảo tàng tỉnh còn phải đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Để được vào xem triển lãm khách phải tuân thủ các yêu cầu về thẻ Covid, quét mã QR và thông điệp 5K.
Ở thời điểm hiện tại, lượng khách du lịch đến Nha Trang - Khánh Hòa không nhiều; người dân địa phương dành thời gian đến tham quan triển lãm cũng ít. Tuy nhiên, với những tư liệu, hình ảnh, hiện vật được giới thiệu trong triển lãm cũng góp phần thể hiện được nguồn tài nguyên của Bảo tàng tỉnh trong việc triển khai những sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch. “Tôi thấy triển lãm lần này và một số triển lãm chuyên đề trước đây của Bảo tàng tỉnh hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Trong thời gian tới, khi hoạt động du lịch của Khánh Hòa dần ấm lên, chúng tôi sẽ cố gắng kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị để đưa khách tới tham quan Bảo tàng tỉnh”, ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết.
Mặc dù quy mô không lớn, số lượng hiện vật, tư liệu, hình ảnh không nhiều, nhưng triển lãm đã phần nào chuyển tải được thông điệp nhất định. Qua đó, thêm một lần mọi người được quan sát và cảm nhận về những giá trị văn hóa của đồng bào.
Giang Đình