Sau gần 2 năm kẹt ở Mỹ, đi đâu cũng không thấy vui. Tới một ngày tự nhiên tôi bảo với lòng, như thế đã đủ lắm rồi, phải về thôi. Tôi lên facebook, đọc thông tin về những chuyến dành cho người Việt trở về, cách ly ở Vân Đồn, Đà Nẵng hay Hội An, và cuối cùng dừng lại thông tin của Vietravel bởi được cách ly ở Khánh Hòa quê mẹ.
Sau gần 2 năm kẹt ở Mỹ, đi đâu cũng không thấy vui. Tới một ngày tự nhiên tôi bảo với lòng, như thế đã đủ lắm rồi, phải về thôi. Tôi lên facebook, đọc thông tin về những chuyến dành cho người Việt trở về, cách ly ở Vân Đồn, Đà Nẵng hay Hội An, và cuối cùng dừng lại thông tin của Vietravel bởi được cách ly ở Khánh Hòa quê mẹ.
Tôi liên hệ một người bạn làm du lịch nhờ giúp đỡ. Và trong một ngày ngắn ngủi, tôi đã mua vé về. Từ Washington D.C., tôi tự book vé bay sang Los Angeles rồi nối chuyến của Asiana tới Seoul, rồi bay về Việt Nam. Sợ trễ giờ nên tôi tới sớm gần 7 giờ. Vật vạ ngồi chờ. Tưởng đâu vậy là sớm, ai dè có nhiều người Việt Nam khác sống ở gần đó cũng tới chờ giờ làm thủ tục. Khuôn mặt ai cũng háo hức lạ thường vì sắp được về quê, dù chưa biết lần nhập cảnh này sẽ ra sao so với lần trước.
Sau gần 13 giờ trên bầu trời, chúng tôi tới Seoul. Chờ thêm 6 giờ nữa mới được lên máy bay cùng khách từ San Francisco, Úc, châu Âu và nhiều nước châu Á khác. Lần này thì chẳng có ai là người nước ngoài hết. Tất cả đều là người Việt thân thương từ khắp nơi trên thế giới mong muốn được trở về nhà, sau gần 2 năm kẹt lại bên xứ người. Có những người trẻ khỏe như tôi, cũng có những cụ ông, cụ bà lớn tuổi, chấp nhận ngồi máy bay đường dài, giá vé cao để về lại quê hương, ăn Tết xong mới qua lại.
Tôi đã đi hàng trăm chuyến bay khắp nơi trên thế giới, nhưng 4 giờ từ Seoul về Cam Ranh lần vừa rồi có lẽ là chuyến bay dài nhất, cảm xúc lẫn bồi hồi nhiều nhất của đời mình. Tôi nghĩ mình phải làm gì, ăn những món nào, gặp gỡ những ai, ngày đi tắm biển mấy lần cho sướng?
Khi nhìn thủ tục nhập cảnh của Công ty Vietravel gửi, tôi thấy ớn lạnh vì chi tiết và hơi rối rắm. Nhưng khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, mới thấy mọi thứ dễ dàng không tưởng. Chỉ cần đưa ra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trước 72 giờ, kèm màn hình chụp khai báo nhập cảnh, nhân viên của Vietravel dắt chúng tôi tới làm thủ tục hải quan. Và trong vòng một phút ngắn ngủi, tôi đã được thông quan, hợp pháp đặt chân lên đất mẹ rồi. Cả đoàn người ra chờ hành lý, í ới giúp nhau rinh bỏ lên xe đẩy rồi soi chiếu một lần nữa. Ra ngoài, có xe chờ phía trước để chở về Champa Island hoặc Vinpearl Condotel Empire.
Tôi tháo khẩu trang, hít một hơi thiệt dài. Mùi vị mằn mặn, thơm thơm, theo từng cơn gió biển tràn ngập lấy buồng phổi. Mình đã về nhà rồi đấy.
Hai năm xa quê, phố biển ngày nào nhộn nhịp xe cộ, những chiếc xe buýt chở khách đứng đầy đường Trần Phú, người dân nô nức đi lại, tiếng còi xe vang lên hòa cùng tiếng sóng biển thân thương giờ đây đã trở thành dĩ vãng. Phố vắng và buồn. Giữa cơn mưa gần cuối ngày càng làm không khí bỗng nhiên chùng lại. Người dân thưa thớt đeo khẩu trang trên chiếc xe máy đi về trên phố. Những hàng quán ít ỏi lẻ loi, vắng khách nằm bên vệ đường buồn bã. Bạn bè tôi làm du lịch, nhà hàng, khách sạn đã bỏ hay chuyển nghề khác để kiếm sống. Có đứa về quê giúp gia đình làm nông; đứa chuyển qua làm bánh bán online; đứa ở nhà không làm gì, ăn dần vào tiền tiết kiệm. Ai cũng mong dịch bệnh qua mau, để làm việc kiếm tiền, chứ vầy hoài chắc chết.
Xe tới Vinpearl ngay ở tòa nhà Vincom. Mọi người xếp hàng đi vào sảnh. Nhân viên hỏi tên sau đó báo số phòng, đưa chìa khóa. Tôi không thích chung đụng với người khác nên thêm tiền, đăng ký ở riêng. Phòng tôi khá rộng và mới tinh. Được ở junior suite nên có bếp, phòng khách lẫn phòng ngủ. Tôi mở cửa ban công, nhìn về phía phố phường lẫn mặt biển đục ngầu chiều mưa. Tự nhủ với lòng, cố lên, 7 ngày nữa thôi là mình sẽ được xả trại, về với gia đình rồi.
Ngày ba bữa ở khu cách ly 5 sao, các bạn nhân viên vô cùng dễ thương và lịch sự sẽ bấm chuông, chào hỏi để đưa đồ ăn theo thực đơn có sẵn, muốn ăn gì thì mua thêm. Ngày hai bữa, sẽ có nhân viên tới đo nhiệt độ cơ thể. Tôi cũng đã được chọt mũi 1 lần, chờ thêm 1 lần nữa vào ngày thứ sáu. Thức ăn cũng khá ngon, đủ đầy vitamin và rau củ. Tôi ghiền nhất là hũ sữa chua. Lâu rồi mới được ăn theo kiểu Việt Nam, mềm mềm, mịn mịn, beo béo, thơm thơm, ngon kinh khủng.
Hai ngày đầu do mệt quá nên tôi hầu như chỉ ăn rồi ngủ. Rồi dần dần thay đổi để phù hợp với múi giờ Việt Nam. Nhưng bước sang ngày thứ ba, cảm giác tù túng, chật chội, không giao tiếp, nói chuyện với ai đã bắt đầu làm mình khó chịu. Mỗi sáng thức giấc, ra ban công nhìn về phía phố phường và biển, nghe mơn man gió thổi mát khuôn mặt mà muốn ra ngoài. Nha Trang mùa mưa bão, biển đục ngầu, bầu trời xanh chút rồi trở về xám xịt, mưa gió ngập trời. Tôi bắt đầu chuyển sang sống ảo, viết facebook, viết tản văn, đọc và trả lời comment hay chat với bạn bè. Tôi giữ tinh thần bằng cách đi bộ thư giãn lẫn tập thể dục. Từ cửa phòng ra ban công khoảng 10m, đi hơn chục bước chân là hết. Tôi mở youtube trên tivi, nghe từ nhạc đỏ tới nhạc trẻ rồi cải lương, tân cổ rồi xỏ giày đi ra đi vô. App (ứng dụng) Health trên iPhone sẽ đo nhịp tim, đếm bước chân và quãng đường. Kỷ lục có ngày tôi đi được 17 ngàn bước chân, quy ra khoảng 11km, nghĩa là tôi đi ra đi vô tới gần 700 lần.
Hai ngày nữa thôi tôi sẽ được về nhà, ra chợ và đi dọc phố xá Ninh Hòa, ăn hết những món mình yêu thích như bánh căn, bánh xèo, bánh bèo, bánh hỏi, bánh dây và mấy chục loại chè. Tôi sẽ nhờ chị gái kho mắm ruột, mắm nêm, nấu canh chua cá dò cá dìa, cá mú cá lạt, kêu em họ vào làm bánh tai vạc với nước mắm ớt tỏi thiệt cay và ngon để ăn cho đã, bõ công thèm thuồng suốt hai năm bị kẹt bên xứ người, không về thăm nhà được.
Nguyễn Hữu Tài