Hoạt động mỹ thuật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua nhìn chung phát triển theo đúng định hướng. Chúng ta vẫn thấy có những triển lãm được tổ chức hàng năm; các họa sĩ, nhà điêu khắc ở Khánh Hòa vẫn đạt được những giải thưởng khu vực và toàn quốc. Tuy nhiên nhìn vào thực chất, có những khoảng lặng ở phía sau…
Hoạt động mỹ thuật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua nhìn chung phát triển theo đúng định hướng. Chúng ta vẫn thấy có những triển lãm được tổ chức hàng năm; các họa sĩ, nhà điêu khắc ở Khánh Hòa vẫn đạt được những giải thưởng khu vực và toàn quốc. Tuy nhiên nhìn vào thực chất, có những khoảng lặng ở phía sau…
Nhiều trăn trở
5 năm qua, các họa sĩ, nhà điêu khắc của Khánh Hòa đến với Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên vẫn chủ yếu là những gương mặt gạo cội. Tuy nhiên, thành tích đạt được chỉ là 5 giải khuyến khích, cùng một số tác giả có tác phẩm được chọn trưng bày tại triển lãm. Năm 2020, mỹ thuật Khánh Hòa có 1 tác giả đạt giải nhì tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, nhưng đó là tác phẩm thuộc thể loại Video Art mà giới mỹ thuật trong nước rất ít người sáng tác, còn có nhiều ý kiến trái chiều về thể loại này.
Nếu tính từ năm 2013 - thời điểm Nghị định số 113 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật có hiệu lực đến nay, hoạt động mỹ thuật ở xứ Trầm cũng không khả quan hơn. Trong suốt 8 năm, tỉnh chỉ tổ chức 1 cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) của tỉnh vào năm 2018. Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao cũng tổ chức Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi cấp tỉnh; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức 1 cuộc triển lãm tác phẩm mỹ thuật cho các tác giả là thành viên Chi hội Mỹ thuật. Còn các hoạt động sao chép, đấu giá tác phẩm mỹ thuật, trên địa bàn tỉnh không tổ chức. Tỉnh cũng không xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng; không tổ chức trại sáng tác điêu khắc.
Theo họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thời gian qua, công tác mỹ thuật, triển lãm được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Tuy nhiên, do tỉnh chưa có trung tâm trưng bày, triển lãm nên các cuộc triển lãm mỹ thuật không diễn ra thường xuyên. Nếu có tổ chức triển lãm thì cũng thực hiện ở Bảo tàng tỉnh hoặc không gian ngoài trời nên có nhiều yếu tố không phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng triển lãm, cũng như công tác bảo vệ, bảo quản tác phẩm.
Để mỹ thuật có sự phát triển
Nhìn chung, hoạt động mỹ thuật trên địa bàn tỉnh phát triển đúng định hướng; nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc đã tạo ra các tác phẩm có nội dung đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, để mỹ thuật có những tác phẩm chất lượng cao, tạo được dấu ấn sâu sắc trong giới chuyên môn và công chúng vẫn cần sự nỗ lực nhiều hơn từ chính các tác giả. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ tạo điều kiện của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao. Trong đó, cần chú trọng đến việc tạo nên những sân chơi mỹ thuật như tổ chức các cuộc thi, đăng cai tổ chức các triển lãm khu vực, toàn quốc… để từ đó thu hút các họa sĩ, nhà điêu khắc quan tâm đầu tư tác phẩm tham gia; đầu tư xây dựng trung tâm trưng bày, triển lãm với quy mô, điều kiện cơ sở vật chất phù hợp để tổ chức các triển lãm mỹ thuật.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, sở đã có văn bản gửi Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung của Nghị định 113 để phù hợp với sự phát triển của hoạt động mỹ thuật, đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền tác giả cho các họa sĩ; xây dựng cơ chế chính sách, các quy định hướng dẫn cụ thể hình thành thị trường mỹ thuật; quan tâm hơn đến kinh phí phục vụ cho hoạt động mỹ thuật và triển lãm mỹ thuật. Bên cạnh đó, có cơ chế đặc thù và hỗ trợ ngân sách đặt hàng sáng tác tác phẩm mỹ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị; có cơ chế đầu tư hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống của dân tộc; tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên môn nghiệp vụ theo dõi, triển khai hoạt động mỹ thuật nhằm nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
Giang Đình