Công trình Văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa do nhà thơ Lê Khánh Mai chủ biên vừa được UBND tỉnh trao giải B Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh năm 2021. Công trình đã được in thành sách, cung cấp cho mọi người cái nhìn toàn diện về các loại hình văn học dân gian người Việt ở xứ Trầm trên hành trình gần 370 năm lịch sử.
Công trình Văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa do nhà thơ Lê Khánh Mai chủ biên vừa được UBND tỉnh trao giải B Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh năm 2021. Công trình đã được in thành sách, cung cấp cho mọi người cái nhìn toàn diện về các loại hình văn học dân gian người Việt ở xứ Trầm trên hành trình gần 370 năm lịch sử.
Công trình giá trị
Với độ dày gần 500 trang đã phần nào cho thấy được công sức của tác giả chủ biên cùng nhóm biên soạn trong việc thực hiện tập sách. Theo nhà thơ Lê Khánh Mai - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, năm 2014, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa đã được tiến hành. Sau 2 năm thực hiện, nhóm tác giả đã hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch đề ra. Nội dung của đề tài đề cập khá toàn diện về nhiều vấn đề, trong đó có quá trình phát triển, những đặc điểm nội dung và nghệ thuật ở từng thể loại văn học dân gian. Công trình đã được Hội đồng Khoa học của tỉnh đánh giá cao và xếp loại xuất sắc.
Cuốn sách được chia làm 2 phần: Phần nghiên cứu và phần tuyển chọn văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa. Trong đó, phần nghiên cứu gồm 5 chương, cung cấp cho độc giả kiến thức về: Một số khái niệm liên quan đến văn học dân gian và khái quát về vùng đất, con người Khánh Hòa; truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ - vãn ca; ca dao, tục ngữ, vè, câu đố; đàn xà - trảm mộc, hò bá trạo, bài chòi dân gian; nét riêng của văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa so với văn học dân gian người Việt cả nước.
Ở phần thứ 2, các tác giả giới thiệu một số tác phẩm thuộc các thể loại của văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa. Cụ thể, có 15 truyền thuyết, 3 truyện cổ tích, 6 truyện cười, 4 truyện ngụ ngôn, 1 truyện thơ - vãn ca, 195 lời ca dao, 137 câu tục ngữ, 12 bài vè, 59 câu đố và các trích đoạn kịch bản đàn xà - trảm mộc, hò bá trạo, bài chòi dân gian được giới thiệu trong tập sách (trong đề tài khoa học có 54 truyền thuyết, 27 truyện cổ tích, 18 truyện cười, 6 truyện ngụ ngôn, 6 truyện thơ - vãn ca, 730 lời ca dao, 529 câu tục ngữ, 34 bài vè, 100 câu đố). “Những tác phẩm được giới thiệu phải đáp ứng được các tiêu chí thể hiện dấu ấn rõ nét về tên đất, tên người, tên sự việc, sự kiện xảy ra ở Khánh Hòa. Những tác phẩm ra đời thông qua sự giao lưu, giao thoa văn hóa giữa Khánh Hòa với các địa phương khác cũng phải thể hiện được cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt đặc trưng của người Khánh Hòa”, nhà thơ Lê Khánh Mai cho biết.
Tâm huyết của một nhà thơ
Nhà thơ Lê Khánh Mai đã xuất bản nhiều tập thơ như: Trái chín, Nước mắt chảy về đâu, Cổ tích xanh, Cát mặn, Đẹp - buồn và trong suốt như sương, Giấc mơ hái từ cơn giông... Mới đây, tập thơ Mật ngôn của tình yêu của bà được nhận giải A Giải thưởng văn học - nghệ thuật tỉnh 5 năm 2016-2020. Khi bắt tay vào thực hiện công trình Văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa, nhà thơ Lê Khánh Mai đã gửi gắm nhiều tâm huyết, tình cảm cá nhân vào trong đó. Trong buổi nghiệm thu đề tài vào tháng 5-2016, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh nhận xét: “Tác giả thực hiện đề tài rất say mê, tâm huyết, bao quát và vận dụng tốt tư liệu tham khảo. Văn phong trong sáng, giản dị, có nhiều trang viết hấp dẫn, thú vị; kết quả nghiên cứu đề tài đáng tin cậy và mang hàm lượng khoa học cao. Đây là nguồn tài liệu tham khảo quý báu cho các công trình khoa học tiếp theo”.
Nhà thơ Lê Khánh Mai chia sẻ, lý do chọn đề tài này là bởi qua tìm hiểu, bà nhận thấy rằng, trước năm 1975, công tác sưu tầm, giới thiệu các tác phẩm văn học dân gian ở Khánh Hòa chưa được chú ý. Sau ngày đất nước thống nhất, việc làm này đã được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian quan tâm hơn. Rất nhiều tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu về văn học dân gian đã ra đời. Tuy nhiên, những tác phẩm đó còn mang tính riêng lẻ, chỉ mới khai thác và thể hiện ở một số bình diện hoặc khía cạnh của từng nội dung, thể loại nhất định mà chưa nghiên cứu theo một hệ thống mang tính tổng thể. Ngoài ra, còn có lý do mang tính chất tình cảm cá nhân, nên khi bắt tay thực hiện đề tài, nhà thơ đã dành trọn tâm huyết của mình.
Để đề tài phát huy được giá trị, nhà thơ Lê Khánh Mai còn liên hệ với một số trường học trên địa bàn tỉnh giới thiệu về công trình khoa học này. Năm 2019, nhà thơ Lê Khánh Mai đã cho in thành sách để làm nguồn tài liệu cho những người nghiên cứu văn hóa dân gian hoặc cho giảng viên, sinh viên sử dụng trong quá trình giảng dạy, học tập.
Giang Đình