09:11, 09/11/2021

Đi trong hương tràm

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Thuận Yến có 3 âm hưởng nổi rõ: Anh hùng ca, Bác Hồ và tình ca. Giai đoạn đầu sự nghiệp sáng tác, đặc biệt thời kháng chiến chống Mỹ, ông có các ca khúc: Mỗi bước ta đi, Hát mừng quê ta giải phóng, Bài ca tiếp vận… với giai điệu hùng tráng, sục sôi khí thế. ....

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Thuận Yến có 3 âm hưởng nổi rõ: Anh hùng ca, Bác Hồ và tình ca. Giai đoạn đầu sự nghiệp sáng tác, đặc biệt thời kháng chiến chống Mỹ, ông có các ca khúc: Mỗi bước ta đi, Hát mừng quê ta giải phóng, Bài ca tiếp vận… với giai điệu hùng tráng, sục sôi khí thế. Với chủ đề về Bác Hồ, Thuận Yến đạt kỷ lục với 14 ca khúc viết về Người: Vầng trăng Ba Đình, Bác Hồ một tình yêu bao la, Người về thăm quê… Tình ca chính là nét rất Thuận Yến với tình cảm lãng mạn của người con đất Quảng Nam: Chia tay hoàng hôn, Màu hoa đỏ, Con gái mẹ đã thành chiến sĩ, Gửi em ở cuối sông Hồng…, đặc biệt bài Đi trong hương tràm - tuyệt phẩm của thơ kết duyên âm nhạc.


Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, vào đầu thập niên 1980, sau chuyến đi thực tế ở Tây Nguyên, Thuận Yến đã thay đổi phong cách sáng tác của mình. Ông tạm chia tay với những giai điệu hào hùng thúc giục mà chuyển sang nét nhạc tình cảm. Từ đây, ông sáng tác theo 2 dòng: ca ngợi Bác Hồ và tình ca. Bản nhạc Đi trong hương tràm được sáng tác trong thời điểm chuyển hướng của Thuận Yến.


Đi trong hương tràm là bài thơ cũng là tên tập thơ nổi tiếng của nhà thơ Hoài Vũ sáng tác trong chiến tranh chống Mỹ ở “miền hạ” sông Vàm Cỏ tỉnh Long An và Tháp Mười. Nhà thơ Hoài Vũ kể, trong giai đoạn chiến tranh ác liệt với nhiều lần vượt sông Vàm Cỏ, đi trong rừng tràm Long An, Tháp Mười…, ông cũng như bao cán bộ được các chiến sĩ giao liên, du kích và nhân dân hết lòng giúp đỡ: Dầm mình kéo xuồng qua sông, bắc cầu kê ván trên vai để anh em bước đi, trải nhựa trên đường… và có bao hy sinh trên sông Vàm Cỏ xanh trong, trên cánh đồng bao la, bên rặng tràm mênh mông. Riêng nhà thơ đã được một nữ du kích cứu chữa, che chở suốt một thời gian tới khi bình phục… Sau này khi trở lại rừng tràm, nhà thơ nghe tin nữ du kích đó đã hy sinh và cả  cánh rừng tràm xanh tốt xưa cũng bị phá trụi, chỉ còn những hàng cây mới lên đang nhú mầm xanh. Nhà thơ vô cùng xúc động, ông như ngỡ vẫn nhìn thấy những rặng tràm bao la và ánh mắt người con gái lấp lánh trong nắng gió. Ông đã ngậm ngùi viết Đi trong hương tràm: “Em gửi gì trong gió trong mây/Để sáng nay đi lên Vàm Cỏ Tây/Hoa tràm e ấp trong vòm lá/Mà khắp trời mây hương tỏa bay”… Lời thơ là lời tự sự chân thật mộc mạc, độc thoại triền miên không dứt. Đó là những hồi ức về tình yêu da diết với nỗi buồn mênh mông.


Còn nhạc sĩ Thuận Yến lại cảm nhận bài thơ mênh mông hơn khi ông chắt  lọc từ khổ thơ thứ ba sau điệu hò đậm chất Nam Bộ: “Hò ơ… Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu. Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng. Bầu trời thì cao, mà cánh đồng thì rộng. Hương tràm bên anh mà em đi đâu…”. Đây là sự sáng tạo tuyệt vời của nhạc sĩ, bản nhạc mở ra với nền nhạc sâu lắng, da diết, lời ca với hình ảnh vô cùng sống động, đầy khắc khoải.


Bài thơ gốc rất gọn gàng khúc chiết nhưng vô cùng dạt dào thì lời ca của Thuận Yến cũng vậy, ông chắt lọc ra thành 3 đoạn ngắn gọn mà đầy đủ những cung bậc cảm xúc cháy bỏng thiết tha. Bản nhạc không giới hạn là tình ca mà đó là bức tranh mang âm hưởng về lòng thủy chung của con người. Mặc dù trong bài thơ hay lời ca không có một từ nào nói về chiến tranh nhưng ai cũng hiểu đó là tình yêu trong chiến tranh. Cái hay là từ thực tế mất mát thương đau, nhà thơ lại sáng tạo về tình yêu với lòng thủy chung son sắt. Sang bản nhạc, âm hưởng đó càng bay bổng, mênh mông tới vô tận của lòng người.


Bài thơ ra đời hơn nửa thế kỷ, bản nhạc cũng mấy chục năm nhưng thời gian càng trôi càng thấm sâu. Ca khúc này tưởng như dành cho giọng nam (Ngọc Tân, Quang Lý, Trung Đức) nhưng khi được song ca (Anh Thơ - Hồ Quang 8), hay những giọng nữ như Thu Hiền… cũng rất đặc sắc.


Đi trong hương tràm vẫn ngát hương giữa màu xanh bất tận.


Dương Trang Hương