Nhà truyền thống lực lượng vũ trang huyện Khánh Sơn vừa đưa vào hoạt động đã đáp ứng được nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân địa phương. Từ đây, huyện có thêm một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng anh hùng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ.
Nhà truyền thống lực lượng vũ trang huyện Khánh Sơn vừa đưa vào hoạt động đã đáp ứng được nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân địa phương. Từ đây, huyện có thêm một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng anh hùng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ.
Nơi ghi dấu lịch sử
Với diện tích khoảng 200m2, Nhà truyền thống lực lượng vũ trang huyện được xây dựng theo kiểu nhà dài của đồng bào dân tộc Raglai. Bên trong nhà truyền thống, bàn thờ Bác Hồ được đặt trang trọng. Có khoảng 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật được sắp đặt theo những vị trí thuận tiện cho khách tham quan. Ở đó, có bản đồ điện tử chiến công “Thiềm đầu thủy” năm 1963, cùng với câu chuyện chiến đấu anh dũng, sáng tạo, ngoan cường của lực lượng du kích, bộ đội địa phương. Tất cả đã góp phần phá tan âm mưu của đế quốc Mỹ khi thực hiện chiến dịch “Thiềm đầu thủy” và thung lũng Tô Hạp trở thành thung lũng tử thần trong mắt của những kẻ đi xâm lược.
Khu vực trưng bày hiện vật về các loại súng, đạn, vũ khí, đồ dùng của bộ đội, du kích như: chén bát ăn cơm, bi đông đựng nước, cà men, võng… cho người xem hiểu hơn về điều kiện vật chất chiến đấu của những người du kích, bộ đội địa phương trong kháng chiến, giúp cho thế hệ hôm nay phần nào hình dung đời sống khó khăn của cha ông một thuở. Trên những vách tường, hình ảnh về các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội qua các thời kỳ được treo trang trọng. Ngoài ra, còn có hình ảnh những anh hùng lực lượng vũ trang của huyện Khánh Sơn như: Bo Bo Tới, Cao Văn Bé hay dũng sĩ diệt Mỹ Nam A Cho như khơi dậy niềm tự hào về các thế hệ đi trước.
Thượng tá Lê Đình Thảo - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Khánh Sơn cho biết: “Nguồn tư liệu, hiện vật, hình ảnh của Nhà truyền thống lực lượng vũ trang huyện được tập hợp từ nhiều đầu mối. Trong đó, chúng tôi đặc biệt trân quý những kỷ vật chiến tranh do các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Khánh Sơn gửi tặng”. Còn ông Cao Văn Nhiến - cựu chiến binh ở thị trấn Tô Hạp chia sẻ, khi nghe tin thành lập Nhà truyền thống lực lượng vũ trang huyện, ông đã tập hợp và gửi tặng Ban Chỉ huy Quân sự huyện một số hiện vật của cá nhân đã sử dụng trong những năm kháng chiến để đưa vào trưng bày ở nhà truyền thống.
Góp phần giáo dục truyền thống
Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã lên kế hoạch bồi dưỡng người để thực hiện việc thuyết trình, giới thiệu cho khách tham quan; bố trí tổ tiêu binh hướng dẫn việc dâng hương, dâng hoa cho các đoàn khách khi đến tham quan Nhà truyền thống lực lượng vũ trang huyện. |
Trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có huyện Khánh Sơn xây dựng được Nhà truyền thống lực lượng vũ trang. Theo Thượng tá Hoàng Sông Hồng - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Khánh Sơn, do huyện nằm ở xa trung tâm của tỉnh nên việc tổ chức đưa các đoàn học sinh, thanh niên đến tham quan nơi này rất khó thực hiện. Trên địa bàn huyện mặc dù vẫn có nhà truyền thống do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quản lý, nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng và gần như không hoạt động, ảnh hưởng đến công tác bảo quản, giới thiệu hiện vật truyền thống lịch sử, nhất là truyền thống lực lượng vũ trang huyện. Năm 2019, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đề nghị việc xây dựng nhà sa bàn, qua xem xét tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng nhà sa bàn thành Nhà truyền thống lực lượng vũ trang huyện. Từ đây, huyện đã có thêm một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, đoàn viên, thanh niên. Nhà truyền thống này sẽ kết hợp với các địa chỉ khác để hình thành nên chuỗi các địa điểm lưu niệm, tưởng niệm, báo công cho các ngành, đoàn thể vào những dịp diễn ra các hoạt động quan trọng.
Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, việc xây dựng Nhà truyền thống lực lượng vũ trang huyện đã đáp ứng được phần nào nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là mong muốn của rất nhiều cựu chiến binh, lãnh đạo huyện qua các thời kỳ. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo việc bổ sung thêm hiện vật, hình ảnh, tư liệu cho nhà truyền thống. Bên cạnh đó, các trường học cần xây dựng kế hoạch hàng năm đưa học sinh đến tham quan, học tập ở địa chỉ đỏ này. Các cơ quan, đoàn thể trong huyện cũng nên tổ chức thêm nhiều hoạt động ở đây nhân các dịp lễ kỷ niệm, hoạt động quan trọng. Tiến tới, Nhà truyền thống cũng sẽ trở thành một địa điểm tham quan du lịch.
Giang Đình