10:05, 18/05/2021

Nhạc sĩ Hình Phước Liên và mối giao cảm Chăm

Gần nửa thế kỷ sáng tác âm nhạc, đến nay, nhạc sĩ Hình Phước Liên (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa) đã có hơn 300 ca khúc. Ngoài những ca khúc viết về thiếu nhi, nhạc múa, nhạc sân khấu, nhạc phim…, ông còn có những sáng tác về đề tài dân tộc Chăm.

Gần nửa thế kỷ sáng tác âm nhạc, đến nay, nhạc sĩ Hình Phước Liên (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa) đã có hơn 300 ca khúc. Ngoài những ca khúc viết về thiếu nhi, nhạc múa, nhạc sân khấu, nhạc phim…, ông còn có những sáng tác về đề tài dân tộc Chăm.

 


Được ấp ủ từ đầu những năm 80, nhưng mãi đến năm 1989, ông mới bắt đầu sáng tác các ca khúc, nhạc múa với đề tài Chăm. Tác phẩm đầu tay của đề tài này là ca khúc Cầu duyên viết theo phong cách nhạc Chăm Islam ở Châu Giang (tỉnh An Giang). Bài hát đã đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 1997 tại Huế, huy chương bạc Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2004 tại Nha Trang… Từ đó đến nay, nhạc sĩ đã công bố hơn 10 tác phẩm về đề tài Chăm, như: Nắng vàng trên tháp cổ (giải A cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi 2000 - 2001 của Nhà xuất bản Kim Đồng, giải A Liên hoan âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam…), Bài ca trăng (ca khúc thiếu nhi), Nhớ Châu Giang (giải nhất cuộc thi sáng tác về người Chăm ở An Giang), Áo tím về đâu, Lời yêu đêm hội, Chiều nghiêng cổ tháp… Đáng chú ý nhất ở đề tài này là những tác phẩm nhạc múa, trong đó có kịch múa Huyền thoại Pô Inư Nagar. Bằng ngôn ngữ âm nhạc và múa, tác giả kể lại huyền thoại về Pô Inư Nagar (hay còn gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu) và tín ngưỡng dân gian đối với bà Mẹ xứ sở.


Nhạc sĩ Hình Phước Liên chia sẻ: “Với tôi, âm nhạc Chăm là một ám ảnh. Tôi yêu âm nhạc, văn hóa và đồng cảm với Chăm ở nhiều góc độ. Nó đã trở thành niềm cảm hứng sáng tạo của tôi trong nhiều năm nay và tôi tin cảm xúc ấy sẽ còn ở trong tôi lâu hơn nữa”.


Tuy số lượng tác phẩm không lớn nhưng sáng tác mang âm hưởng Chăm của nhạc sĩ Hình Phước Liên rất đặc sắc. Cùng với ảnh hưởng phong cách nhạc Chăm Islam, ông còn mang cả giai điệu, tiết tấu âm nhạc Chăm Bà Ni, Chăm Bà La Môn vào tác phẩm. Ông biết cách pha trộn các chất liệu ấy để tạo nên phong cách của riêng mình. Thậm chí, ông còn sử dụng cả phong cách pop vào âm hưởng Chăm để diễn tả cảm xúc của mình. Vì vậy, những ca khúc về đề tài Chăm của ông vừa uyển chuyển vừa sâu lắng, vừa trong sáng vừa tình tứ, dễ đi vào tâm hồn, nhạc cảm của người thưởng thức.


Chế Diễm Trâm