Hơn 50 năm trước, nhà thơ Giang Nam đã viết bài thơ Đến với Lênin. Cảm xúc dâng trào của nhà thơ khi hình dung về giây phút Bác Hồ lặng lẽ hòa mình vào dòng người đưa tiễn Lênin trong hành trình đi tìm ánh sáng cho dân tộc đã thôi thúc ông viết nên những câu từ, hình ảnh giàu tình cảm.
Hơn 50 năm trước, nhà thơ Giang Nam đã viết bài thơ Đến với Lênin. Cảm xúc dâng trào của nhà thơ khi hình dung về giây phút Bác Hồ lặng lẽ hòa mình vào dòng người đưa tiễn Lênin trong hành trình đi tìm ánh sáng cho dân tộc đã thôi thúc ông viết nên những câu từ, hình ảnh giàu tình cảm.
Đúng 110 năm trước, ngày 5-6-1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã xin làm phụ bếp trên con tàu Amiral Latouche Tréville rời Sài Gòn, bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước. Trong cuộc hành trình kéo dài suốt 30 năm đó, Người đã bôn ba qua 4 châu lục: Á, Âu, Phi, Mỹ với gần 30 quốc gia để lao động, học tập, tham gia hoạt động cách mạng, tìm kiếm con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Tháng 7-1920, Bác Hồ đã đọc được luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đánh dấu bước ngoặt trên hành trình đi tìm ánh sáng cứu nước của Người.
Trong suốt những năm sau đó, Bác Hồ luôn mong muốn được một lần gặp mặt Lênin. Nhưng ước nguyện chưa thành thì đầu năm 1924, Người nhận được tin Lênin qua đời. Hình dung về khoảnh khắc Bác Hồ đưa tiễn Lênin, nhà thơ Giang Nam đã viết những câu thơ xúc động trong bài Đến với Lênin. “Năm 1970, khi miền Nam còn trong khói lửa chiến tranh, tôi chợt hình dung về quá trình Bác Hồ đến với Lênin và đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi đến nơi thì Lênin đã qua đời. Bác đứng vào hàng để vĩnh biệt Lênin, lặng người đi mà không nói nên lời”, nhà thơ Giang Nam chia sẻ.
Bài thơ Đến với Lênin được đăng trong tập thơ Hạnh phúc từ nay của nhà thơ Giang Nam đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001. Bài thơ được làm theo thể thơ tự do, với lời thơ mở đầu rất gần gũi: “Người thanh niên ấy/Đến từ phương Đông/Nơi những hàng dừa xanh uống nước phù sa và gió nóng/Mạc Tư Khoa mùa tuyết bay trắng đường/Dòng người qua lặng lẽ, mắt rưng rưng/Vĩnh biệt Lênin…”. Trong dòng hoài tưởng về người lãnh tụ của giai cấp công nhân, nhà thơ hình dung đến cảnh Bác Hồ đang suy tư về Lênin với những trang sách còn đọc chưa xong, với đêm tháng Mười nước Nga đỏ cờ khởi nghĩa, với những sự kiện lịch sử hào hùng ở xứ Bạch Dương. Đồng hiện với dòng suy nghĩ về Liên Xô là hình ảnh đất nước Việt Nam còn đắm chìm trong đau khổ: “Nơi máu cha nhuộm mỗi hòn than/Nơi mẹ kéo cày, áo rách vai, đầu cúi gục…”. Từ cảnh Tổ quốc lầm than, Bác Hồ lại nghĩ về những phận người nô lệ đang bị giày xéo thân xác, nhân phẩm và đang cần được giải phóng, tự do.
Dù cuộc gặp gỡ ngoài đời thực không diễn ra, nhưng trên hành trình đi tìm con đường giải phóng dân tộc, Bác đã gặp Lênin ở lý tưởng cách mạng. Nhà thơ Giang Nam khắc họa cuộc gặp đó bằng những câu thơ: “Người thanh niên ấy/Đến với Lênin/Như người thủy thủ giữa đêm đông bỗng nhìn thấy đất liền và ngọn đèn vẫy gọi… Mặt trời Lênin thế kỷ hai mươi/Tan băng giá của bao mùa đông lạnh”. Từ chỗ tiếp nhận lý luận của Lênin, Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo vào tình hình Việt Nam để dìu dắt phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh: “Đường kách mệnh - đường lên hạnh phúc/Làng xa, bản nhỏ nhắc Lênin/Cả dân tộc đêm nằm không ngủ/Biết ơn Người đã đến đầu tiên”.
Giữa những ngày cả nước đang hướng tới sự kiện kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cùng đọc lại những câu thơ trong bài Đến với Lênin để cảm nhận thêm tình cảm của một nhà thơ xứ Trầm đã khéo léo bộc lộ cảm xúc về Bác. Tuy chỉ thể hiện một lát cắt mỏng trên hành trình đi tìm hình của nước nhưng cũng đã đủ nói lên những tình cảm của Bác đối với Lênin, với sự nghiệp giải phóng dân tộc và với giai cấp bị áp bức trên toàn thế giới.
Giang Đình