Trong những ngày cả nước sôi nổi với các hoạt động hướng về ngày bầu cử, những bức tranh cổ động thêm lần nữa phát huy vai trò tuyên truyền sinh động.
Trong những ngày cả nước sôi nổi với các hoạt động hướng về ngày bầu cử, những bức tranh cổ động thêm lần nữa phát huy vai trò tuyên truyền sinh động.
Tuyên truyền qua ngôn ngữ hội họa
Những ngày qua, khu vực Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang) trở nên rực rỡ, sinh động hơn với sự xuất hiện của những cụm pano tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Bên cạnh những câu khẩu hiệu mang nội dung cổ vũ mọi người tham gia bầu cử, làm tròn trách nhiệm công dân, còn có các bức tranh cổ động cho ngày bầu cử. Theo ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, những bức tranh cổ động được in, trưng bày trong đợt này đều do Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chuyển về cho đơn vị để thực hiện việc tuyên truyền trực quan cho ngày bầu cử. Đa số các bức tranh cổ động đều là tác phẩm xuất sắc từ cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức vào cuối năm 2020. Trong đó, có nhiều tác phẩm được trao giải cao.
Tranh cổ động là một trong những loại hình nghệ thuật có tác động tích cực, trực tiếp trong hoạt động tuyên truyền các sự kiện chính trị - xã hội. Chính vì thế, trong các kỳ bầu cử trước đây, những bức tranh cổ động đã phát huy mạnh mẽ sức mạnh của ngôn ngữ hội họa trong việc chuyển tải những nội dung cổ động tuyên truyền. Bằng nhiều thông điệp ý nghĩa, các tác phẩm tranh cổ động góp phần giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngày bầu cử. 2 năm gần đây, Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác tranh cổ động với các chủ đề khác nhau như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh 2-9, Phòng, chống đại dịch Covid-19… Qua đó không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác tranh cổ động trong giới họa sĩ toàn quốc, mà còn giúp đơn vị tổ chức có được nguồn tranh cổ động phong phú, dồi dào với chất lượng nghệ thuật tốt, từ đó đưa về phục vụ nhiệm vụ cổ động, tuyên truyền ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tiếp tục phát huy vai trò
Riêng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, sau hơn 1 tháng phát động, Cục Văn hóa cơ sở đã nhận được hơn 400 tác phẩm của các tác giả trong cả nước tham dự. Cuối tháng 4 vừa qua, ban tổ chức đã chấm chọn và trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 8 giải khuyến khích, 1 giải phong trào cho các tác phẩm xuất sắc. Bên cạnh đó, Cục Văn hóa cơ sở còn chọn 63 tác phẩm để chuyển về cho các địa phương in ấn, tuyên truyền.
Xem album tranh cổ động về bầu cử lần này, có thể thấy các tác phẩm vừa đáp ứng được nội dung, yêu cầu chủ đề của cuộc thi, vừa có chất lượng nghệ thuật cao. Tác giả Lưu Ngọc Phan (TP. Hà Nội) thể hiện ngày bầu cử là ngày hội của toàn dân với hình ảnh cộng đồng các dân tộc biểu thị niềm hân hoan, cũng như trách nhiệm của mình. Tác giả Trịnh Bá Quát (TP. Hà Nội) lại nhấn mạnh thông điệp hoạt động bầu cử là trực tiếp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với hình ảnh Quốc huy làm tiền cảnh, phía sau là những hình ảnh thể hiện cho hoạt động xây dựng, phát triển đất nước. Tác giả Đỗ Như Điềm (tỉnh Thái Bình) lại nhìn nhận hoạt động bầu cử với góc độ quyền và nghĩa vụ của công dân. Tất cả mọi tầng lớp trí thức, công nhân, nông dân, chiến sĩ đều thể hiện niềm vui, trách nhiệm đối với lá phiếu của mình để chọn ra những người đủ đức, đủ tài ra làm việc nước… Mỗi tác giả một góc nhìn, một cách thể hiện hình ảnh, bố cục, thông điệp khác nhau, nhưng tựu trung lại đều toát lên ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động bầu cử, cũng như thái độ, tinh thần trách nhiệm của mỗi cử tri.
Bằng việc chuyển các tác phẩm xuất sắc của cuộc thi về các địa phương, trong đó có tỉnh Khánh Hòa, Cục Văn hóa cơ sở đã kịp thời hỗ trợ trong việc tuyên truyền ngày bầu cử trong toàn quốc trở nên đồng bộ, sinh động hơn. Tuy hiện tại, phong trào sáng tác tranh cổ động không còn sôi nổi như một thuở vàng son, nhưng vai trò của loại hình nghệ thuật này đối với những sự kiện lớn của đất nước vẫn đang được phát huy.
Giang Đình