Hơn 10 năm nay, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố đã trở nên quen thuộc với người dân thành phố Nha Trang vào mỗi dịp cuối tuần hoặc các ngày lễ, Tết. Cũng vì quá quen thuộc nên hoạt động này cần có sự đổi mới để hấp dẫn và hiệu quả hơn.
Hơn 10 năm nay, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố đã trở nên quen thuộc với người dân TP. Nha Trang vào mỗi dịp cuối tuần hoặc các ngày lễ, Tết. Cũng vì quá quen thuộc nên hoạt động này cần có sự đổi mới để hấp dẫn và hiệu quả hơn.
Vắng dần khán giả
Mỗi tối cuối tuần, khu vực công viên bờ biển đoạn đối diện đường Tuệ Tĩnh lại diễn ra hoạt động biểu diễn của các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Các CLB: Đờn ca tài tử, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, bài chòi Khu 5, dân ca quan họ, ban nhạc nhẹ, ca sĩ trẻ… luân phiên phục vụ khán giả. Đối với các diễn viên không chuyên, sân khấu nghệ thuật đường phố là nơi để mỗi người có điều kiện thể hiện niềm yêu thích của bản thân. Với người dân và du khách, những buổi biểu diễn đem lại giây phút giải trí cho mỗi người. Tuy nhiên, do hoạt động biểu diễn này đã diễn ra khá lâu, ít có sự đổi mới về hình thức, nội dung nên ngày càng bộc lộ những hạn chế. “Trước đây, tôi cũng từng thích xem biểu diễn văn nghệ ở khu vực này. Xem nhiều lần, tôi thấy các đêm diễn có nội dung khá đơn điệu, kết cấu chương trình thiếu sức hấp dẫn. Chẳng hạn, thay vì có nhiều loại hình nghệ thuật tham gia thì mỗi đêm diễn lại chỉ có một loại hình diễn trong thời gian khá dài nên dễ gây nhàm chán cho người nghe”, bà Nguyễn Thúy Hạnh (ở đường Nguyễn Thiện Thuật) cho biết.
Theo số liệu của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, năm 2020, dù bị ảnh hưởng của Covid-19 nhưng vẫn có 81 đêm biểu diễn nghệ thuật đường phố. Có thể thấy, hoạt động này đạt chỉ tiêu về số lượng, nhưng xét về chất lượng thì còn vấn đề cần bàn. Với việc giao khoán từng đêm diễn cho một CLB đảm nhận, khán giả chỉ được thưởng thức một loại hình nghệ thuật trong mỗi đêm diễn. Chẳng hạn, đêm diễn của CLB dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh thì từ đầu đến cuối chương trình chỉ diễn các ca khúc, làn điệu hát ví, hát dặm; hay đêm diễn của CLB ban nhạc nhẹ thì khán giả chỉ được nghe các bản nhạc, bài hát nhạc nhẹ, nhạc trẻ. Điều này vô hình trung làm giảm số lượng và đối tượng khán giả đến xem.
Cần sự đổi mới
Làm gì để thu hút khán giả đến xem nhiều vào mỗi đêm diễn, nâng cao chất lượng các tiết mục, chương trình biểu diễn là điều cần được tính toán để có sự đổi mới.
Ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho rằng, việc sân khấu biểu diễn nghệ thuật đường phố ngày càng giảm sút chất lượng, thưa vắng khán giả là điều đã được lãnh đạo đơn vị nhìn thấy. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của tình hình dịch bệnh, những hạn chế của loại hình biểu diễn này càng lộ rõ. Trước hết, địa điểm biểu diễn ở khu vực công viên đối diện đường Tuệ Tĩnh không phải là nơi số lượng lớn người dân và du khách tới đây. Về vấn đề sắp xếp các chương trình biểu diễn theo hướng đơn lẻ từng loại hình nghệ thuật cũng là điều chưa hợp lý. Để từng bước khắc phục những hạn chế này, từ cuối tháng 2 đến nay, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã thí điểm chuyển về biểu diễn ở phía tiền sảnh Trung tâm Hội nghị tỉnh (số 46 Trần Phú). Tuy nhiên, do địa điểm này đang có hoạt động biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh nên trung tâm chỉ có thể tổ chức biểu diễn vào các đêm thứ Hai và thứ Tư hàng tuần. Cùng với đó, trung tâm đã xin chủ trương của Sở Văn hóa và Thể thao cho phép sắp xếp, đổi mới lại chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố theo hướng mỗi đêm diễn sẽ là một chương trình nghệ thuật tổng hợp có đầy đủ các sắc màu nghệ thuật. Số lượng các đêm diễn sẽ giảm xuống nhưng chất lượng phải được nâng lên. Ngoài ra, đơn vị sẽ liên hệ với các đội nhóm nghệ thuật không trực thuộc trung tâm nhưng có chuyên môn tốt, màu sắc nghệ thuật mới về biểu diễn; tổ chức các liên hoan nhóm nhạc, nhóm nhảy để sân khấu đường phố thêm sinh động.
Giang Đình