Lâu nay, vùng đất Khánh Hòa được xem là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu lớn của cả nước. Các di tích, di sản về Thiên Y A Na còn lưu đậm ở nơi đây. Thế nhưng, việc kết nối, phát huy các điểm di tích vẫn chưa được liền mạch, đồng bộ.
Lâu nay, vùng đất Khánh Hòa được xem là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu lớn của cả nước. Các di tích, di sản về Thiên Y A Na còn lưu đậm ở nơi đây. Thế nhưng, việc kết nối, phát huy các điểm di tích vẫn chưa được liền mạch, đồng bộ.
Bao đời nay, trong dân gian Khánh Hòa vẫn lưu truyền câu ca: “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh” như một lời khẳng định về sự gắn kết giữa 2 di tích Am Chúa và Tháp Bà Ponagar. Bên cạnh đó, chúng ta còn có danh thắng Suối Đổ, nơi đã được nhà văn Quách Tấn ghi chép trong quyển Xứ Trầm hương: “Truyền rằng đó là nơi bà Thiên Y A Na đến ngồi hóng mát, hoặc nghỉ chân lúc vân du…”. Nói vậy để thấy hiếm có nơi nào ở Việt Nam các di tích, giai thoại về Thiên Y A Na lại có sự liền lạc, liên quan gần gũi với nhau như thế. Tuyến đường di sản Suối Đổ (xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh) - Am Chúa (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) - Tháp Bà Ponagar (TP. Nha Trang) cùng những câu chuyện huyền thoại liên quan đến đức thánh Mẫu hoàn toàn có thể cho chúng ta tạo dựng nên một lộ trình hành hương độc đáo, ý nghĩa dành cho người dân và du khách. “Nhiều khách hành hương vẫn tự vạch ra lộ trình lễ Mẫu của mình phải đến đủ cả 3 địa điểm trên. Nên chăng, chúng ta cần có sự xúc tiến thực chất hơn về tuyến hành hương di sản này”, ông Nguyễn Văn Thích - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh gợi ý.
Trong thực tế, việc phát huy giá trị di tích tín ngưỡng thờ Mẫu, chúng ta mới chỉ làm tốt ở di tích cấp quốc gia Tháp Bà Ponagar. Lễ hội Tháp Bà hàng năm được tổ chức bài bản, ý nghĩa và quy mô lớn. Còn 2 di tích Suối Đổ, Am Chúa nhìn chung vẫn chưa được quan tâm phát huy đúng tiềm năng, giá trị vốn có. Khách hành hương trong và ngoài tỉnh vẫn thường đến 2 di tích này vào các ngày lễ, ngày vía Bà, nhưng số lượng không nhiều. Khách du lịch đến những địa chỉ này chủ yếu theo hình thức tự phát, tự tìm hiểu chứ ít có khách tour, khách đoàn đến.
Vấn đề kết nối giá trị của lễ hội cũng là một nội dung chưa được quan tâm. Từ ngày 1 đến 3-3 âm lịch hàng năm, người dân Khánh Hòa bước vào kỳ lễ hội Am Chúa. Mỗi dịp như thế, người dân, khách hành hương và du khách lại tìm về núi Đại An để được lễ Mẫu. Từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch, khách thập phương cùng người dân địa phương lại hòa mình vào lễ hội Tháp Bà Ponagar. Tuy 2 lễ hội diễn ra trong cùng một tháng, có phần nghi thức, giá trị văn hóa truyền thống với nhiều nét tương đồng nhưng lâu nay vẫn diễn ra đơn lẻ, chưa có sự kết nối để tạo thành chuỗi sự kiện văn hóa tâm linh lễ hội.
Mới đây, trong buổi họp về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật năm 2021, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao, huyện Diên Khánh cần nghiên cứu đến việc xây dựng nên một hành trình di sản về Thiên Y A Na kéo dài từ ngày 1 đến 23-3 âm lịch. Bên cạnh việc tổ chức các lễ hội theo đúng nghi thức truyền thống và các quy định của Nhà nước, chúng ta sẽ thực hiện thêm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác trong khoảng thời gian đó. Chuỗi hoạt động đó có thể lấy chủ đề chung là Huyền thoại xứ Trầm để tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của vùng đất, con người Nha Trang - Khánh Hòa. Vấn đề quan trọng của những hoạt động này chính là việc tổ chức các lễ hội thành một khối liên hoàn, không còn bị rời lẻ như trước. Từ đó, dần hình thành một sản phẩm du lịch, tuyến du lịch tâm linh tín ngưỡng của Khánh Hòa.
Mong muốn về chuỗi hoạt động văn hóa liên quan đến Thiên Y A Na và xứ sở Khánh Hòa vẫn luôn hiện hữu trong suy nghĩ của nhiều người. Nếu điều đó trở thành hiện thực, đó sẽ là cơ sở để đưa bản sắc, nét đẹp xứ Trầm Hương đến bạn bè gần xa.
Giang Đình