09:03, 14/03/2021

Dấu ấn điện ảnh cách mạng xứ Trầm

Ngày 13-3, nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15-3-1953 - 15-3-2021) và 50 năm Điện ảnh Khánh Hòa (1971 - 2021), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức buổi gặp mặt những người làm công tác điện ảnh tỉnh. Những ký ức và trăn trở với nghề một lần nữa được mọi người nhắc đến.

Ngày 13-3, nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15-3-1953 - 15-3-2021) và 50 năm Điện ảnh Khánh Hòa (1971 - 2021), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức buổi gặp mặt những người làm công tác điện ảnh tỉnh. Những ký ức và trăn trở với nghề một lần nữa được mọi người nhắc đến.


Những ngày không quên


Từ ký ức của nhiều người, hình ảnh về những ngày đầu điện ảnh cách mạng có mặt tại Khánh Hòa thêm một lần được ôn lại. “Trước năm 1971, người dân các vùng đô thị ở Khánh Hòa đã khá quen với hoạt động chiếu phim của chính quyền cũ. Tại TP. Nha Trang, lúc bấy giờ đã có tới 7 rạp chiếu phim. Các địa phương như: Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh đều có sự xuất hiện của hệ thống rạp Tân Tiến. Tuy nhiên, đến năm 1971, thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V, đội chiếu bóng chi viện cho tỉnh Khánh Hòa được thành lập”, ông Đinh Xuân Thặng - nguyên Giám đốc Công ty Điện ảnh Khánh Hòa cho biết.

 

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tặng hoa chúc mừng những người gắn bó lâu năm  với ngành Điện ảnh Khánh Hòa.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tặng hoa chúc mừng những người gắn bó lâu năm với ngành Điện ảnh Khánh Hòa.


Tháng 8-1971, đội chiếu bóng từ chiến khu Trà My (tỉnh Quảng Nam) lên đường về Khánh Hòa. Ròng rã 62 ngày băng rừng, lội suối, đến ngày 10-10-1971, đội đặt chân đến thôn Tà Gộc (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh) và bắt tay vào chuẩn bị cho buổi chiếu đầu tiên. Đến ngày 14-10-1971, đội đã có buổi chiếu ra mắt phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI. Đó cũng là ngày đánh dấu sự xuất hiện của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trên vùng đất Khánh Hòa. Sau đó, đội liên tục đi chiếu phim phục vụ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên.

 

Ngày 3-4-1975, những người làm công tác điện ảnh cách mạng đã có mặt tại Nha Trang để tiếp quản cơ sở vật chất các rạp chiếu phim của chế độ cũ. Từ sau ngày đất nước giải phóng, hoạt động điện ảnh đã đánh dấu sâu đậm trong công tác dân vận, tuyên truyền, tích cực đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân. Năm 1990, Khánh Hòa đăng cai tổ chức thành công Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 9. Những người làm công tác điện ảnh Khánh Hòa còn vinh dự được chiếu phim phục vụ các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các vị chính khách nước ngoài như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng thân Souphanouvong, Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane… 

 
Nỗi niềm, trăn trở


Một thời vàng son của nền điện ảnh Khánh Hòa đã đi qua. Hiện tại, hoạt động chiếu phim đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những người làm công tác chiếu phim của tỉnh không ngừng nỗ lực. Năm 2020, các tổ chiếu phim đã thực hiện 900 buổi chiếu. Những tháng đầu năm 2021, tuy ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các tổ đã chiếu được hơn 100 buổi. Trong các buổi chiếu phim lưu động, các tổ còn thực hiện việc tuyên truyền về nhiều nội dung liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cách phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ rừng, kế hoạch hóa gia đình… “Tổ của chúng tôi có 4 người, đảm nhận nhiệm vụ chiếu phim phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện Khánh Vĩnh. Tuy cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu, số lượng khán giả ít nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực hoàn thành công việc được giao”, ông Nguyễn Ngọc Nghi - Tổ trưởng tổ chiếu phim số 2 (huyện Khánh Vĩnh) cho biết.

 

Hình ảnh về hoạt động chiếu phim lưu động cách đây hơn 10 năm.

Hình ảnh về hoạt động chiếu phim lưu động cách đây hơn 10 năm.

 

Ông Nguyễn Đình Thảng - nguyên Giám đốc Trung tâm Điện ảnh tỉnh cho rằng, thực trạng hoạt động chiếu phim gặp khó khăn, thách thức từ sự bùng nổ phương tiện thông tin giải trí, công nghệ thông tin là có thật, nhưng nhìn lại chặng đường 50 năm thì những khó khăn của ngành chưa bao giờ hết và đội ngũ những người làm công tác điện ảnh đều tìm được giải pháp vượt qua. Thế hệ những người làm điện ảnh hiện tại có sức trẻ, được đào tạo cơ bản là cơ sở để chúng ta tin vào việc tiếp tục phát huy vai trò của chiếu phim trong tình hình mới.


Theo ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, hoạt động chiếu phim hiện tại chủ yếu phổ biến phim do Cục Điện ảnh cấp; trung tâm không có kinh phí để khai thác phim nên ảnh hưởng phần nào đến việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 đội chiếu phim với 15 nhân sự. Trang thiết bị phục vụ công tác chiếu phim hầu hết đều được mua sắm từ lâu nên chất lượng giảm sút; phương tiện vận chuyển chưa được trang bị nên không có sự chủ động. Hiện nay, nhu cầu xem phim của người dân ở những vùng khó khăn, miền núi, hải đảo vẫn còn nhưng ít hơn so với trước. Để nâng cao chất lượng các buổi chiếu, thu hút được khán giả thì cần có sự đầu tư về nguồn phim, cơ sở vật chất một cách đồng bộ.


Giang Đình