Tối 3-2, tại Quảng trường 2-4 (thành phố Nha Trang), chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2021), 91 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (24-2-1930 - 24-2-2021) và chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ tái hiện những mốc sử son của dân tộc dưới ánh sáng soi đường của Đảng…
Tối 3-2, tại Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang), chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2021), 91 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (24-2-1930 - 24-2-2021) và chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ tái hiện những mốc sử son của dân tộc dưới ánh sáng soi đường của Đảng…
Chương trình có chủ đề Sáng mãi niềm tin theo Đảng, do Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo thực hiện gồm 19 tiết mục được kết cấu chặt chẽ thành một câu chuyện lịch sử bằng âm nhạc, vũ đạo. Theo ông Ái Quốc - đạo diễn chương trình, chương trình có gần 80 diễn viên múa, ca sĩ được huy động từ Câu lạc bộ Ca sĩ trẻ, các Vũ đoàn My Friends, Pha Lê, The Sun (thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh), Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng và các chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Sau tiết mục mở màn với ca khúc Vinh quang Việt Nam là chuỗi tiết mục có nội dung ôn lại lịch sử truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng trong suốt 91 năm qua. Những dấu mốc lịch sử được bắt đầu từ ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, qua tiết mục Dấu chân phía trước (sáng tác Phạm Minh Tuấn). Tiếp đó là tiết mục Khi ta có mặt trời chân lý (nhạc Phạm Tuyên, thơ Tố Hữu) thể hiện ý nghĩa của mốc son ngày dân tộc ta có Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn đấu tranh lịch sử quan trọng. Tiết mục múa Xô viết Nghệ Tĩnh gợi lên hình ảnh của những người nông dân Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia các đoàn biểu tình sục sôi đòi bãi bỏ chế độ thuế thân, chia lại ruộng đất… năm xưa. Để rồi, thành quả kết tinh từ những phong trào đấu tranh đó là Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Nhưng nền độc lập non trẻ của dân tộc ta chưa được bao lâu, toàn dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp. Ca khúc Tre Việt Nam (sáng tác Trần Quế Sơn) được đưa vào chương trình mang tính biểu tượng cao cho tinh thần, ý chí của lớp lớp người dân Việt Nam quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc. Để rồi, chúng ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong chùm ca khúc Hò kéo pháo (sáng tác Hoàng Vân), Giải phóng Điện Biên (sáng tác Đỗ Nhuận).
Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chương trình đã dàn dựng các tiết mục hát múa: Bão nổi lên rồi (sáng tác Trọng Bằng), Dậy mà đi (thơ Tố Hữu, nhạc Nguyễn Xuân Tân), Ngọn lửa tuổi 20 (sáng tác Thanh Bình), Tiến về Sài Gòn (sáng tác Lưu Hữu Phước), Giải phóng miền nam (sáng tác Huỳnh Minh Siêng), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (sáng tác Xuân Hồng) gợi nhắc lại những chặng đường đấu tranh để có ngày toàn thắng Bắc Nam sum họp một nhà.
Chương trình tiếp nối với những tiết mục thể hiện giai đoạn đất nước thống nhất, cả nước bắt tay tái thiết và phát triển. Trong sự nghiệp đó, Nha Trang - Khánh Hòa đã cùng cả nước chung tay dựng xây quê hương. Trong đó, Trường Sa nơi tuyến đầu biển đảo Tổ quốc luôn nhận được tình cảm, sự quan tâm của cả nước. Khép lại chương trình là màn hát múa của toàn đoàn với ca khúc Việt nam ơi mùa xuân đến rồi (sáng tác Huy Du) đầy sôi động và khí thế lạc quan. “Đây là lần đầu Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện chương trình nghệ thuật vào ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Vậy nên, chúng tôi đã cố gắng xây dựng chương trình thành câu chuyện lịch sử liền mạch với nhau. Thông qua đó, đem đến cho khán giả không chỉ những tiết mục ý nghĩa mà còn có chất lượng nghệ thuật”, ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết.
GIANG ĐÌNH