11:02, 03/02/2021

Nét xưa còn đó…

Cứ gần đến Tết Nguyên đán, nhiều gia đình lại chọn những bộ liễn thờ được vẽ bằng tay để trang trí bàn thờ tổ tiên. Vì thế, nhiều năm nay, nghề vẽ tranh liễn thờ vẫn tồn tại, tạo nên nét độc đáo, hoài cổ, lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Cứ gần đến Tết Nguyên đán, nhiều gia đình lại chọn những bộ liễn thờ được vẽ bằng tay để trang trí bàn thờ tổ tiên. Vì thế, nhiều năm nay, nghề vẽ tranh liễn thờ vẫn tồn tại, tạo nên nét độc đáo, hoài cổ, lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, ông Hoàng Hữu Phụng (77 tuổi, trú huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) tìm mua bộ tranh liễn thờ có chữ “Cửu huyền thất tổ” để trang trí bàn thờ tổ tiên. Theo ông Phụng, treo tranh liễn thờ là một nét văn hóa của người Việt nên những bức tranh liễn thờ phải có tính mỹ thuật để có sự tôn nghiêm, linh thiêng trong nhà. Ông Nguyễn Đại (85 tuổi, trú Diên Khánh) cho biết, bộ tranh liễn thờ trong gia đình có từ thời cha ông. Việc sửa soạn, trang trí bàn thờ tổ tiên vào những ngày chuẩn bị đón Tết cổ truyền thể hiện lòng thành kính, biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên, ông bà...

 

Bà Nguyễn Thị Lan thực hiện bước tô màu trên tranh.

Bà Nguyễn Thị Lan thực hiện bước tô màu trên tranh.


Khi nhu cầu trang trí liễn thờ vẫn còn thì sẽ còn nguồn cung để đáp ứng. Cách TP. Nha Trang gần 10km, trên đường 23-10, có khá nhiều cơ sở bán tranh liễn thờ san sát nhau tạo nên phố tranh liễn thờ. Đó là các cơ sở tranh liễn thờ vẽ thủ công. Tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Lan (Phú Ân Nam 1, xã Diên An, Diên Khánh), người thợ tất bật hoàn thành nhiều công đoạn như: Vẽ tranh, khảm xà cừ, đóng khung những bức tranh liễn thờ để kịp giao hàng cho khách ở các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên… Lúc này, bà Lan đang tỉ mỉ họa những đường nét trên mặt kính. Gần 1 giờ, bà mới hoàn thành công việc, chuyển cho người thợ bên cạnh tô màu. Bà cho biết, thời gian cận Tết, nhu cầu đặt hàng lớn nên cả cơ sở phải chạy đua cho kịp đơn đặt hàng. Liễn thờ được treo trên bàn thờ nên trong mỗi bức tranh cần có hồn và đòi hỏi sự tỉ mẩn của người thợ. Tranh liễn thờ có nhiều loại kích cỡ và chi tiết. Những bức nhỏ, đơn giản thì làm 1 - 2 ngày, bức to hơn phải mất từ 3 ngày đến cả tuần mới hoàn thành. Bức liễn lớn nhất bà từng làm là bức tranh của một nhà thờ họ đặt làm với bề ngang 22,4m, chiều cao gần 3m khiến bà phải mất hơn 15 ngày mới làm xong.


Thông thường, một bộ tranh liễn thờ có 4 khung: Khung hoành phi phía trên, khung lớn ở giữa, hai khung liễn đối ở hai bên. Quy trình chế tác một bức liễn đòi hỏi người thợ phải thực hiện qua nhiều công đoạn: Cắt kính, tô màu, khảm xà cừ, vô khuôn gỗ và xuất xưởng. Điểm đặc biệt của tranh liễn thờ là người thợ phải vẽ ngược từ phía sau mặt kính sẽ làm bức tranh sáng, dễ lau chùi và bảo quản được lâu, có thể hàng chục năm không phai màu. Khi vẽ xong, tấm kính được lật lại, phía không có nét vẽ mới là mặt chính của tranh. Chính điểm này mà nghề vẽ tranh liễn thờ đòi hỏi thợ vẽ không chỉ có niềm đam mê hội họa, óc sáng tạo mà còn cần tính cẩn thận, sự tỉ mỉ và khéo léo.


Bà Lan cho biết, trong hơn 30 năm theo nghề, bà đã đào tạo được nhiều thợ vẽ tranh liễn thờ, trong đó nhiều người đã có cơ sở riêng và thu nhập ổn định. Anh Trần Văn Tấn là cháu trong gia đình, học nghề của bà từ năm 17 tuổi. Lúc mới học nghề, anh thấy rất phức tạp vì phải vẽ bằng bút lông vịt, lại vẽ ngược trên mặt kính, nhưng bằng ý chí và lòng yêu nghề, anh đã vượt qua. Đến nay, sau gần 10 năm, anh đã có thể làm tất cả các loại tranh liễn thờ. Học nghề từ bà Lan đã hơn 10 năm, giờ đây, anh Nguyễn Quốc Thoại (chủ cửa hàng tranh Quốc Thoại) mới đủ tự tin mở cửa hàng vẽ và bán tranh. Khách hàng đến tiệm của anh có cả già lẫn trẻ. Gia đình mới cưới nhau thường mua chữ “Phước Lộc hoặc Phước Thọ”, nhà từ đường mua chữ “Tổ Đường” thờ ông bà tổ tiên, gia đình thờ từ 9 đến 10 đời dùng chữ “Cửu huyền thất tổ”…


Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, nhiều bức tranh được tạo ra một cách nhanh chóng, đẹp mắt; tuy nhiên, nhiều người dân vùng quê vẫn tìm mua tranh liễn thờ thủ công. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng tranh bán ra có phần chậm hơn. Tuy nhiên, bà Lan và anh Thoại cho biết, từ tháng 11 âm lịch đến nay đã bán hàng trăm bức tranh liễn thờ cho người dân trong và ngoài tỉnh. “Người Việt Nam có truyền thống thờ cúng tổ tiên nên nghề vẽ tranh liễn thờ sẽ không mai một mà nó tồn tại như một nét văn hóa cổ truyền”, anh Thoại nói.


Mã Phương